Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, mặc dù có nhiều thành tựu nhưng trong quá trình phát triển, thủy lợi vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong quản lý khai thác. Trước yêu cầu của đổi mới phát triển kinh tế đất nước, những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi ngành Thủy lợi phải có những chuyển biến, giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ cho các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hạn chế trong khai thác thủy lợi
Tại hội nghị Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 15/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng: Các mô hình thủy lợi ứng dụng khoa học công nghệ đã được lồng ghép nhiều vào các đề án, dự án. Tuy nhiên, để tránh thất bại trong việc ứng dụng các mô hình như trước đây, các địa phương cần phải thành lập các ban chỉ đạo xây dựng các mô hình, đưa các mô hình nhân rộng ra ứng dụng.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, thủy lợi giai đoạn tới sẽ cần hướng tới các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, như áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, với nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng chống thiên tai.
Hiện đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây trồng chủ lực có lợi thế, như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía… mang lại hiệu quả rõ rệt không chỉ về năng suất, sản lượng mà còn tiết kiệm nước, giảm lượng phân bón cho cây trồng.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Kim Cúc, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy lợi), việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp nước ta vẫn còn hạn chế, đến nay mới được khoảng trên 28.400 ha, trong đó tưới nhỏ giọt trên 21.200 ha. Do đó, trong quá trình lập dự án quy hoạch thủy lợi cho các vùng có cây trồng cạn chủ lực, có quy mô sản xuất lớn, cần quy hoạch mẫu cho một số vùng trọng điểm gắn công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với các biện pháp nông nghiệp khác, như giống, chăm sóc, bảo vệ thực vật, tổ chức sản xuất... để tổ chức nhân rộng, phục vụ tái cơ cấu ngành.
Thủy lợi tính phương án mua nước của thủy điện
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết thủy lợi đang hướng tới phục vụ cho đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt là thủy lợi cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản, thủy lợi phục vụ cho phương thức canh tác tiên tiến, thủy lợi phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
Theo ông Tỉnh, hiện ngành Thủy lợi đang nghiên cứu phương án mua nước của một số nhà máy thủy điện nhỏ lẻ tại miền núi phía Bắc để phục vụ tưới cho các vùng đất dốc và cây trồng cạn.
Phương án này được tính toán để không ảnh hưởng đến việc sản xuất điện phục vụ đời sống và có thể tận dụng triệt để nguồn nước các nhà máy thủy điện này phục vụ cho cây trồng cạn.
Nguồn kinh phí chi trả cho việc mua nước từ nhà máy thủy điện cũng sẽ được tích lũy từ phương thức hợp tác công-tư. Phương thức này được thực hiện theo nguyên tắc sẽ có lượng vốn Nhà nước làm “mồi”, dựa trên hiệu quả kinh tế rõ rệt để thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia chương trình.
Việc kết hợp để tưới cây trồng cạn sẽ có mô hình thí điểm và có cơ chế chính sách của Nhà nước. Nếu giải quyết được vấn đề thủy lợi cho cây trồng cạn kết hợp với bón phân sẽ giảm được chi phí vào sản xuất cho nông dân, tăng năng suất cây trồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống thủy lợi để vừa tiết kiệm nước vừa bảo vệ môi trường, cho thủy sản an toàn, sạch bệnh.
Tổng cục đã xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ để thực hiện đề án nhưng khó khăn lớn nhất là vốn. Với nguồn vốn như vậy, Tổng cục vẫn phải có phương án bố trí, đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Cụ thể, vốn sẽ được bố trí theo hình thức: Khuyến khích đầu tư công tư; phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động trong việc bố trí vốn cho các dự án nhưng vẫn định hướng tập trung thủy lợi cho các đối tượng có hiệu quả kinh tế cao, như tưới cho các cây trồng cạn, cho thủy sản.
Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã