Buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo địa phương diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và bổ ích. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Ngọt báo cáo với Tổng Bí thư, năm 2011, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Tân Thành gặp không ít khó khăn. Điểm xuất phát thấp, một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ vai trò chủ thể của mình. Dồn sức cho chương trình này, Đảng ủy xã thành lập Ban Chỉ đạo bàn từng việc cụ thể, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Việc đầu tiên Tân Thành tập trung làm là cải tạo hệ thống thủy lợi, nạo vét, làm bờ bao kênh mương; mở các lớp tập huấn khuyến nông, giúp bà con tiếp cận với cách nuôi trồng giống cây con mới. Nhờ thế, nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cam sành với diện tích 922 ha, chiếm 68,3% đất sản xuất nông nghiệp. Anh Huỳnh Văn Minh ở ấp Đông Bình kể, trước đây gia đình nghèo vì chỉ có hai công vườn tạp, trồng cây gì cũng khó, từ khi làm xong hệ thống đê bao, được xã vận động, anh mạnh dạn trồng cam sành. Với một ha, có 2.500 cây, trừ các khoản chi phí, mỗi năm anh thu về 700 triệu đồng. Cuộc sống khá giả, anh ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới sáu triệu đồng; mỗi năm, tặng năm suất học bổng với tổng số tiền 2.500.000 đồng.
Báo cáo Tổng Bí thư về nội dung sinh hoạt đảng, Bí thư Chi bộ ấp Đông Bình Huỳnh Phan Văn cho biết, các kỳ họp, chi bộ đều bàn về xây dựng nông thôn mới. Việc gì đảng viên cũng làm trước. Đồng chí nêu thí dụ, ấp được giao trong năm nay phải hoàn thành tiêu chí về y tế, trong đó có việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Từng đảng viên vận động bà con, trước hết là gia đình và người thân, cho nên thôn có 1.148 người, đã mua hơn 600 sổ bảo hiểm y tế, trong đó có tất cả 27 gia đình đảng viên với 112 sổ.
Bài học ở Tân Thành là biết huy động sức dân, chỉ khi nào dân ủng hộ xã mới làm. Đó cũng là câu trả lời của nhiều cán bộ ấp khi được Tổng Bí thư hỏi: Dân có khiếu kiện gì không? Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Huỳnh Hoàng Anh, Mặt trận xã đã tổ chức 57 cuộc họp dân và sáu đoàn công tác tham gia các cuộc họp ở ấp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con về xây dựng nông thôn mới. Nhờ huy động sức dân, trong bốn năm, xã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 46,3 km đường giao thông nông thôn với 28 tuyến. Có hộ dân hiến hơn 2.500 m 2 đất xây dựng trường học và các công trình phúc lợi xã hội, 90 hộ hiến vườn cây ăn quả trị giá hơn tám tỷ đồng để xây dựng tuyến dân cư vượt lũ Cái Côn. Xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đề nghị tỉnh công nhận vào cuối năm nay.
Nói chuyện với bà con, cán bộ trong xã, Tổng Bí thư biểu dương sự năng động của Tân Thành trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; trong huy động sức dân xây dựng nông thôn mới; chăm lo, thực hiện tốt chính sách xã hội. Đồng chí mong Tân Thành nói riêng và thị xã Ngã Bảy nói chung phát huy truyền thống cách mạng, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Trong suốt chuyến công tác tại Hậu Giang, một trong những điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm tìm hiểu là làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Buổi làm việc của Tổng Bí thư với cán bộ chủ chốt tỉnh như một cuộc tọa đàm, cùng bàn cách giúp người dân nơi vùng đất giàu tiềm năng này phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo với Tổng Bí thư về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Huỳnh Minh Chắc, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh đã ban hành ba nghị quyết chuyên đề, bốn chương trình công tác trọng tâm, trong đó, tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cùng với việc quy hoạch lại các vùng sản xuất, tỉnh ưu tiên xây dựng hệ thống thủy lợi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng năm cánh đồng mẫu lớn; hình thành 20 nghìn ha chuyên canh lúa giá trị cao; thực hiện tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp với đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, sản lượng lương thực đạt hơn một triệu tấn/năm.
Những trăn trở của bà con nông dân không chỉ ở Hậu Giang mà của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đều được đồng chí Tổng Bí thư và các đại biểu quan tâm, như giá đầu vào sản xuất nông nghiệp còn cao, giá cả đầu ra lại bấp bênh; chuyện được mùa rớt giá vẫn là nỗi buồn muôn thuở. Nhiều câu hỏi được đặt ra và giải quyết, để giúp bà con các tỉnh Tây Nam Bộ yên tâm làm ăn trên những cánh đồng của mình. Đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức lại sản xuất, liên kết bốn nhà, liên kết các hộ nông dân, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Cần có cơ chế để nông dân và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau, bảo đảm hiệu quả bền vững. Có ý kiến nêu vấn đề đang bất cập giữa việc kêu gọi cấy giống lúa chất lượng cao, nhưng các doanh nghiệp lại mua nhiều hơn thóc chất lượng thấp vì giá rẻ, do đó dân vẫn trồng các loại lúa này. Vì thế, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, chỉ đạo cụ thể để giải quyết bất cập ấy.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được. Song, điều đồng chí băn khoăn là quy mô kinh tế còn nhỏ, nông nghiệp phát triển chưa như mong muốn, công nghiệp chế biến gắn với sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; chưa thu hút được các nguồn lực cho phát triển. Muốn bứt phá đi lên, nhưng khâu đột phá là gì thì chưa rõ.
Tổng Bí thư mong rằng, thời gian tới, Hậu Giang cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Cần rà soát lại các chỉ tiêu, xem chỉ tiêu nào đạt, chưa đạt, khó đạt, vì sao khó đạt để tìm cách tháo gỡ. Vướng ở khâu nào tập trung ráo riết vào khâu đó, đôn đốc, kiểm tra thực hiện quyết liệt. Đồng thời, chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp; nhân dịp này nên gắn với tổng kết mười năm thành lập tỉnh; tiếp tục nghiên cứu sâu các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ, của địa phương, từ đó xác định đúng hướng đi, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm năm, mười năm tới.
Theo Tổng Bí thư, hướng phát triển của Hậu Giang vẫn là tập trung vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng và trình độ công nghệ cao, có sức cạnh tranh. Muốn thế phải tìm khâu đột phá; ứng dụng tốt khoa học công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; phát triển thương mại dịch vụ. Đồng chí đề nghị Hậu Giang tăng cường thu hút các nguồn lực, đồng thời phải cải thiện môi trường đầu tư. Hậu Giang cần liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng, nhất là Cần Thơ. Chăm lo, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chăm lo công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Rời Hậu Giang trong chiều mưa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tranh thủ đến thăm gia đình anh Dương Văn Chiến ở ấp Sơn Phú, thị xã Ngã Bảy, một gia đình sản xuất giỏi. Ngoài sáu ha cam sành, gia đình anh còn có hàng nghìn m 2 nuôi cá ba sa, mỗi năm lời hàng trăm triệu đồng. Tổng Bí thư thân tình hỏi chuyện anh về những thuận lợi, khó khăn trong nuôi trồng, tiêu thụ các loại giống cây con mới; về những gia đình trong ấp biết cách làm ăn như gia đình anh Chiến...
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã