Tại Diễn đàn BHNN với chủ đề “nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra chiều 21/12, các chuyên gia nhận định, để có thể “đi đường dài” với người nông dân, BHNN còn rất nhiều thách thức cần vượt qua, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bảo hiểm và nâng cao ý thức của người nông dân là những yếu tố quyết định.
Trục lợi tinh vi
Đánh giá về hoạt động của BHNN tại Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng tính liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà DN, nhà bảo hiểm và người nông dân) còn rất yếu, khiến các chuỗi giá trị có giá trị gia tăng thấp, dẫn đến kém hấp dẫn.
Sự liên kết lỏng lẻo giữa DN bảo hiểm và địa phương trong việc giám sát, dự báo rủi ro, giám định thiệt hại… đã tạo ra những “lỗ hổng” để các đối tượng tham gia trục lợi BHNN, đặc biệt trong những lĩnh vực trọng điểm như thủy sản, chăn nuôi.
Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, nêu dẫn chứng: “Trong lĩnh vực thủy sản, một số “đại gia” đóng vai nông dân nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ. Nhiều hộ mua bảo hiểm cho 1 ao nuôi nhưng nuôi 3 ao, ao nào bị bệnh thì báo cáo ao đó để đòi đền bù. Vì thiếu sự giám sát từ địa phương, các DN bảo hiểm đành chịu”.
Vì vậy, theo ông Lộc, để phát triển BHNN, ý thức của người tham gia bảo hiểm là rất quan trọng, đồng thời cần sự vào cuộc đồng loạt của hệ thống chính quyền, tạo ra một sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với DN bảo hiểm.
“Vấn đề xác định rủi ro trong nông nghiệp rất khó, để tránh gian lận thì trong hợp đồng, công ty bảo hiểm và người bảo hiểm phải có định mức kinh tế kỹ thuật của người mua sản phẩm. Định mức này sẽ do Bộ NN&PTNT đưa ra từng loại con, loại cây phù hợp”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh những thách thức về trục lợi bảo hiểm, tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, với chỉ khoảng 1% tổng số DN, và đa phần có quy mô vốn nhỏ, trong đó quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%.
“Dù Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp liên tục có chính sách “trải thảm” để mời gọi các DN tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao”, ông Phòng cho hay.
Sau 6 năm triển khai thí điểm, các kết quả cho thấy BHNN còn bộc lộ rất nhiều hạn chế. Thu không đủ bù chi là vấn đề nổi cộm nhất. Thống kê chỉ ra tổng thí điểm BHNN thu về hơn 300 tỷ đồng nhưng chi hơn 700 tỷ đồng.
Không có lãi, khó hút DN
Theo Ts. Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, do năng lực hạn chế, các DN bảo hiểm nhiều khi không đủ nhân lực để giám định thiệt hại, dẫn đến công tác đền bù chậm trễ, gây mất niềm tin của người nông dân, hoặc ngược lại – tạo “đất” cho các hộ tham gia trục lợi.
Sau 6 năm triển khai thí điểm, các kết quả cho thấy BHNN còn bộc lộ rất nhiều hạn chế. Trong đó, thu không đủ bù chi là vấn đề nổi cộm nhất. Cụ thể, thống kê chỉ ra tổng thí điểm BHNN thu về hơn 300 tỷ đồng nhưng chi hơn 700 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Luyện, Vụ Quản lý DN, Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Nếu không có lãi, rất khó để thu hút DN tham gia, vì vậy cần có cơ sở hành lang pháp lý để thu hút không chỉ người mua mà còn cả người bán bảo hiểm. Bên cạnh chính sách tuyên truyền, cần có những điều khoản cụ thể. Ví dụ, nếu người dân, DN tham gia vào BHNN thì có cơ chế hỗ trợ để được vay vốn”.
Đồng quan điểm, Ts. Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (IPSARD), đề xuất: “Chính phủ cần xem xét xây dựng hệ thống tái bảo hiểm thích hợp để thu hút DN bảo hiểm tham gia thị trường, có chính sách thúc đẩy nhu cầu tự nguyện và nâng cao năng lực quản lý rủi ro ở cấp hộ để giảm rủi ro cho DN”.
Ts. Đặng Kim Khôi cũng cho rằng Chính phủ cần xem BHNN là một sản phẩm được vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó Chính phủ hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của thị trường (thiết lập khung pháp lý phù hợp, hỗ trợ chiến dịch truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp dữ liệu…).
Về phía người nông dân, theo các chuyên gia, cần điều chỉnh lại các chính sách hỗ trợ để tránh tình trạng ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
“Thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền bạc, cần có chính sách hỗ trợ về liên kết. Việc cho “cần câu” sẽ quan trọng hơn cho “con cá”. Việc để người nông dân chịu trách nhiệm nhiều hơn cũng giúp nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định của BHNN”, một chuyên gia phân tích.
Văn Nguyễn
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã