Nếu xã Thạnh Trị được công nhận sẽ đưa Tân Hiệp trở thành huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Sản xuất đa canh tổng hợp, trong đó trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm đã giúp nhiều hộ ở xã Thạnh Trị thoát nghèo |
Tân Hiệp là huyện đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Khi đó, huyện có 8/10 xã đạt 19/19 tiêu chí (theo quy định thời điểm đó là 70% số xã), 2 xã còn lại là Tân Thành và Thạnh Trị. Với quyết tâm phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đã có nhiều nỗ lực và dồn sức cho các xã phía sau.
Đến thời điểm hiện tại, Tân Hiệp còn lại xã Thạnh Trị là chưa hoàn thành mục tiêu này. Ông Trịnh Khắc Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị cho biết, là xã nghèo nhất huyện, xuất phát điểm thấp, nhiều tiêu chí chưa đạt, tập trung trên các lĩnh vực giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, kiên cố hóa cống máng bơm tưới, bảo hiểm y tế và môi trường, lao động qua đào tạo còn thấp nên việc tiếp cận, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện một số lĩnh vực còn lúng túng và hạn chế trong phối hợp vận hành.
Thấy được những hạn chế trên, ngay khi bắt tay vào việc, xã đã tập trung kiện toàn bộ máy, thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng và Ban vận động phát triển từ xã xuống tới ấp. Phân công công việc cụ thể, với 12 phần việc của ấp, Tổ nhân dân tự quản cần làm và 15 công việc hộ gia đình làm.
Phát động rộng rãi trong nhân dân đăng ký thi đua xây dựng NTM, thành lập Ban giám sát cộng đồng theo dõi các công việc thực hiện để đảm bảo chất lượng, thời gian, tiến độ thi công các công trình, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua nội dung: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây được xem là cách làm hữu hiệu nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện 19 tiêu chí NTM.
Để tạo sự đồng thuận cao, xã Thạnh Trị đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như, học tập quán triệt Nghị quyết của Đảng bộ, kế hoạch của UBND xã về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cho Ban chấp hành Đảng bộ và toàn thể cán bộ, viên chức xã; các đoàn thể, mặt trận tổ quốc xã, Ban lãnh đạo ấp, triển khai nhiều cuộc tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt...
Xã tổ chức lễ ra quân xây dựng NTM và chọn ấp Tàu Hơi A làm điểm chỉ đạo, mỗi ấp chọn một tổ nhân dân tự quản để thực hiện. Qua đó, đã tạo khí thế sôi nổi trong phong trào xây dựng NTM của xã và tạo sự chuyển biến trong nhận thức, đồng thuận và nhất quán chung nên khi thực hiện đạt kết quả cao.
Là xã thuần nông, nên Đảng ủy, UBND xã luôn chú trọng đến việc quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, 100% diện tích đất lúa của xã đều có đê bao khép kín chủ động trong sản xuất, liên kết hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năng suất lúa bình quân tăng nhanh, từ 13,5 tấn/ha/năm (năm 2011) lên 19,6 tấn/ha/năm (hiện nay). Cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch được thực hiện đồng bộ nên giá thành hạ, chất lượng luôn đảm bảo.
Sản xuất đa canh tổng hợp, trong đó trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm đã giúp nhiều hộ ở xã Thạnh Trị thoát nghèo |
Bên cạnh cây trồng chủ lực là lúa, nhiều hộ còn thực hiện các mô hình sản xuất đa canh tổng hợp như trồng rau màu kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt... mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Các công trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất được triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả cho nhân dân, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành luôn quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
“Nhằm giúp các hộ thoát nghèo, xã phân công cán bộ, đảng viên kèm cặp giúp đỡ, hướng dẫn hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo; cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước như xét cho vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, cất nhà đại đoàn kết, nhà 167, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, mở các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, các mô hình giúp nhau làm kinh tế... từ đó đã giúp cho nhiều hộ nghèo phấn đấu vơn lên”, ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, do là xã có đông đồng bào dân tộc (gần 11%), tỷ lệ hộ nghèo cao... nên việc giảm nghèo diễn ra còn chậm. Năm 2011, toàn xã có 379 hộ nghèo, chiếm 10,34%, 309 hộ cận nghèo, chiếm 9,37%, với mức thu nhập bình quân là 18 triệu đồng/người/năm.
Đến năm 2016, mặc dù thu nhập đã được nâng lên 30,6 triệu đồng/người/năm nhưng số hộ nghèo của xã lại tăng lên 529 hộ, chiếm tỷ lệ 15,8% và cận nghèo là 174 hộ, chiếm 5,2%, do áp dụng chuẩn nghèo mới. Theo ông Nam, đến nay xã đã đạt 18/19 tiêu chí xã NTM. Riêng tiêu chí hộ nghèo (tiêu chí 11) dù đã có nhiều có gắng nhưng đến cuối năm 2017 vẫn còn 277 hộ, chiếm 8,27% nên vẫn chưa đạt theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Tân Hiệp cho biết, với quyết tâm đưa 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện đã có nhiều hỗ trợ cho 2 xã còn lại. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, xã Thạnh Trị vẫn chưa thể hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, vì vậy Ban Chỉ đạo huyện đã thống nhất đến năm 2018 sẽ quyết tâm đưa Thạnh Trị thành xã NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã