Diện mạo nông thôn mới
Bước vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi bởi trước khi thực hiện, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020 đã có nhiều tiêu chí phù hợp với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh có nhiều nghị quyết, chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển,…
Nhờ đó, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc có nhiều đổi thay, hạ tầng nông thôn được cải tạo, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân liên tục được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn tăng từ 17,28 triệu đồng/người (năm 2011) lên 27,5 triệu đồng/người (2014). Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp và xây mới. Đến nay, 100% đường giao thông liên xã, hơn 86% đường trục xã, 40% đường giao thông nội đồng đạt chuẩn,…
Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống điện nông thôn được cải thiện. Thông qua Dự án điện REE II, đến nay 100% số xã có lưới điện quốc gia, ổn định với hệ thống trạm biến áp đạt chuẩn, hơn 2.509km đường dây hạ thế, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 98%. Cùng với đó, mạng lưới chợ nông thôn được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và phục vụ đời sống nhân dân.
Hệ thống giáo dục được đầu tư mở rộng đất đai, xây dựng cơ sở vật chất trường học, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay có tới hơn 60% số xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất giáo dục; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, bổ túc, học nghề đạt 92%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, nhân dân được quan tâm,…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã huy động mọi nguồn lực đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, vận động nhân dân đóng góp gần 600.00m2 đất và góp 110.000 ngày công lao động xây dựng các công trình nông thôn mới. Đến hết năm 2014, Vĩnh Phúc đã có 40 xã đã về đích nông thôn mới (35,7%), bình quân đạt 14,16 tiêu chí/xã.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và tỉnh được triển khai kịp thời, sâu rộng thông qua các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay đổi; người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hình thành nhiều mô hình chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Qua đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Phấn đấu 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015
Với những thành quả đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc trong 4 năm qua đã làm cho diện mạo nông thôn mới trên các vùng quê.
Tính đến hết tháng 6/2015, bình quân toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 14,78 tiêu chí NTM xã, tăng 0,5 tiêu chí/xã so với thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, có 3 tiêu chí: Quy hoạch, điện, bưu điện đạt 100%; 2 tiêu chí đạt chuẩn tương đối cao là thu nhập và hộ nghèo; 6 tiêu chí đạt thấp là: Cơ sở vật chất văn hóa (35,7%), môi trường (37,5%), y tế (45,5%), giao thông (47,3%), trường học (63,4%), chợ (67%); các tiêu chí khác đều đạt trên 76%.
Riêng 32 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, tính đến nay, đều đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Riêng xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc đã đạt 18 tiêu chí. Trong đó tất cả các xã đều đã đạt 8 tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, nhà ở dân cư, điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức sản xuất, giáo dục và an ninh trật tự. Các tiêu chí hoàn thành thấp như: Cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, trường học, chợ,…
Nguyên nhân dẫn đến các tiêu chí NTM chậm được triển khai là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, một số xã khó khăn về kinh phí đầu tư và tiến độ giải ngân các công trình và vướng mắc về thủ tục đăng ký, quản lý đất đai,…
Để phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới cho 32 xã đăng ký năm 2015, ông Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành chỉ đạo địa phương đẩy nhanh việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng, giao thông nông thôn; phân bổ 1.200 tấn xi măng do Chính phủ hỗ trợ cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015. Rà soát, bổ sung kinh phí thực hiện tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, giãn tiến độ thực hiện tiêu chí chợ đối với các xã chưa có nhu cầu… phấn đấu cuối năm 2015 có thêm 32 xã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Văn Nhất
theo baoxaydung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã