1. Dồn làng mở rộng đồng ruộng cho sản xuất
Dọc đường đến xã Văn Xuyên (Wuanchen), một xã khá của huyện, chúng tôi nhìn thấy nhiều cụm dân cư lẻ đang bị phá dỡ. Theo ông Chủ tịch huyện – người trực tiếp đưa chúng tôi đi - thì họ đang thực hiện dồn các cụm dân cư lẻ vào các thôn lớn trung tâm để mở rộng đồng ruộng nhằm thuận tiện hơn cho áp dụng các kỹ thuật canh tác mới. Tôi hỏi: Dồn bằng cách nào? Ông cho biết: Ở huyện này, mỗi xã có chừng 5-7 thôn, mỗi thôn có thể có một số cụm dân cư lẻ 20-30 hộ đã tồn tại lâu đời. Nếu đầu tư hạ tầng điện, đường, nước sạch, xử lý môi trường… đến từng cụm lẻ sẽ rất tốn kém mà đồng ruộng vẫn bị chia cắt manh mún. Do vậy phải dồn dân vào các cụm trung tâm. Mặt bằng giải phóng được sẽ giao lại cho các công ty nông nghiệp cải tạo thành đồng ruộng.
Từ huyện đến xã Văn Xuyên chừng 40km. Dọc đường chúng tôi gặp nhiều cánh đồng bắp cải, nho, táo rộng mênh mông, hàng luống chạy dài tít tắp. Đồng ruộng ngăn nắp vô cùng. Nghe nói, ruộng đất trước đây nhà nước giao cho nông dân, cũng nhỏ lẻ và sản xuất đa canh. Từ khi có chủ trương “sản nghiệp hóa” thì tình hình mới đổi khác… Tôi cũng đã đọc và biết chủ trương “sản nghiệp hóa nông nghiệp” của Trung Quốc có từ những năm 2000. Đây là chương trình thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nông dân được bán ruộng hoặc cho doanh nghiệp thuê ruộng. Ông Chủ tịch cho biết: Các doanh nghiệp được khẳng định là hạt nhân của nền nông nghiệp hiện đại nên từ lâu Nhà nước đã có chính sách khuyến khích họ. Hiện tại với doanh nghiệp lần đầu đầu tư sẽ được ngân sách hỗ trợ 20-25% chi phí cải tạo đồng ruộng, xây dựng trục giao thông chính và thủy lợi nội đồng, xây dựng nhà kính hoặc công trình xử lý chất thải chăn nuôi, thủy sản… Khi có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thì Nhà nước cho đấu thầu nhưng có hệ số ưu tiên cho doanh nghiệp có phương án xuất khẩu, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, có phương án tài chính tốt… Đến nay huyện Tùng Phan đã có trên 300 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thủy sản. Mặt hàng xuất khẩu chính là nho, táo, thảo quả đã đạt trên 400 triệu USD/năm chính do các doanh nghiệp này tạo ra. Nông dân làm thuê cho doanh nghiệp và thực sự họ đã trở thành tầng lớp công nhân nông nghiệp, có thu nhập ổn định và cao hơn thời làm nông dân truyền thống trước đây.
Chúng tôi dừng lại bên một cánh đồng nông dân đang thu hoạch táo. Táo hái xuống, chỉ chùi qua loa là ăn ngon lành. Thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của Trung Quốc đang xuất sang Mỹ, Nhật, EU nhưng người Việt lại có tâm lý sợ ăn nông sản của Trung Quốc. Phải chăng là khi sang Việt Nam, do cơ chế và cách kiểm soát, kiểm dịch còn lỏng lẻo của ta mà một số người buôn đã tẩm ướp hóa chất bảo quản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (?).
Hình minh hoạ |
2. Hạ tầng nông thôn hiện đại, cảnh quan xanh – sạch – đẹp
Thôn Phúc Hưng thuộc xã Văn Xuyên có thể nói là rất đẹp. Chúng tôi vào làng trên con đường bê tông rộng 24m, hai bên vệ đường dường như chỉ trồng một loại cây long não, thỉnh thoảng điểm xuyết những khóm hoa, tạo nên điểm riêng biệt của làng. Các đường ngõ cũng trải bê tông, nói là đường ngõ nhưng mặt đường phổ biến rộng 5m, phẳng lỳ như được cán bằng máy. Đường nào cũng có rãnh thoát nước. Đâu cũng thấy họ làm kỹ thuật, chắc chắn và đẹp chứ không nham nhở như thường thấy ở đường phố, đường làng của ta.
Khu định cư mới (do dồn dân) của thôn là những dãy nhà 2-3 tầng nối tiếp nhau như biệt thự ở các khu đô thị mới. Mỗi nhà đều có khuôn viên chừng 300m², diện tích xây dựng khoảng 120-150m², còn lại là sân, vườn. Trong mỗi nhà hầu như đều có kiểu thiết kế phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp phù hợp với lối sống hiện đại. Thiết bị, đồ dùng cũng đều model mới trừ nơi thờ cúng và một số trang trí trong nhà thì vẫn có bản sắc nông thôn truyền thống của người Hoa như: gương trừ tà, đèn lồng, chữ Hỷ, tranh phong cảnh… Anh em trong đoàn đều nhận xét: nhà ở của nông dân Trung Quốc ở đây còn hiện đại, sang trọng hơn nhà của nhiều công chức bậc trung ở ta.
Theo ông Chủ tịch huyện thì Phúc Hưng là làng đẹp, được xây dựng chỉnh trang dựa theo mô hình mẫu của Trung ương. Thực tế thì từ năm 2000 Trung Quốc đã xây dựng 10 làng mẫu để “Làm thay đổi nhận thức và tư duy của cán bộ và người dân về nông thôn mới XHCN”. Tôi đã có dịp được đến 3 thôn trong số đó. Làng mẫu đầu tiên được xây dựng ở huyện Xương Bình (ngoại thành Bắc Kinh) với hàng ngàn ngôi nhà 2 tầng được kiến trúc giống nhau. Khuôn viên mỗi nhà chừng 300m², cũng có sân, vườn, cây cảnh, cổng vào truyền thống, đường làng thẳng tắp. Nhìn chung là hiện đại nhưng cảm giác đó là “phố” nhiều hơn “làng”. Những làng càng xây sau càng đẹp hơn, mang dáng dấp resort hơn với nhà cửa kiến trúc nhiều kiểu dáng hiện đại, nhiều không gian hồ nước, cây xanh, hoa cảnh. Đường làng không chỉ thẳng tắp mà nhiều đoạn vẫn tôn trọng tự nhiên, cũng quanh co, có những điểm nhấn, khi thì một cây to, khi thì là một tảng đá hoặc con suối…
Làng Phúc Hưng này xây dựng sau nên có nhiều cải tiến. Làng có cả công viên. Một khu phố nhỏ cũ mà theo ông Chủ tịch, nó được hình thành từ thời công nghiệp hưng chấn, nay thuộc diện “bảo tồn”, được chỉnh trang lại nhưng vẫn đậm dáng dấp phố xưa của người Trung Hoa: nhà nhỏ hẹp, nhiều kiểu xây, cửa hiệu san sát (chỉ có điều là họ không bán hàng trên vỉa hè như ta). Trên nền đất làng bây giờ có gần chục nhà máy may, giày, chế biến nông sản… thu hút hơn 2.000 lao động của xã và lân cận.
Đã 12 giờ trưa, đoàn vào ăn trưa tại cửa hàng HTX. Chúng tôi những người thuộc thế hệ U60 không khỏi tò mò hứng thú với các tên “cửa hàng HTX dịch vụ ăn uống”. Nhà hàng đủ chỗ ngồi cho 500-600 người. Chúng tôi xem thực đơn, chọn đủ 9 món theo cách ẩm thực của người Trung Quốc, mua vé và chọn chỗ ngồi. Sau đó, nhân viên HTX sẽ đến lấy vé và mang thức ăn đến. Đồ ăn rất ngon, có lẽ là giờ cao điểm nên có đông người ăn và rất ồn ào. Ông Chủ tịch ngượng ngập thanh minh: “Thói quen của nông dân chúng tôi, ăn uống thì ồn ĩ lắm”. Còn ông trưởng thôn thì kể: Thôn ông có 2 HTX, 1 HTX lo vệ sinh môi trường, bao gồm cả từ chăm sóc hoa, cây cảnh công cộng và cho các hộ gia đình, cả sản xuất chất đốt (nguyên liệu là lõi ngô, trấu, cành cây…do các hộ thu gom bán lại). 1 HTX chuyên dịch vụ ăn uống gồm cả chuỗi nhà hàng và nấu cỗ cho đám cưới, đám tang… Cả 2 HTX đều “ăn nên làm ra” nhưng HTX ăn uống thì tốt hơn. Năm ngoái thu lãi trên 100 vạn tệ (khoảng trên 3 tỷ VNĐ).
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm xã Mộc Xuyên, một xã được coi là “nhóm dưới”. Cảm nhận đầu tiên là cảnh vật ở đây cũng rất đẹp: những ngôi nhà mái xám, tường trắng nối nhau ẩn hiện dưới những rặng cây xanh. Con đường trục lớn bằng bê tông chạy viền quanh làng. Phía trước là con sông nhỏ đã được kè đá 2 bên. Sau làng là dãy núi xanh. Đúng là địa thế “đầu tựa sơn, chân đạp thủy” rất đắc địa theo phong thủy Trung Hoa. Chúng tôi cũng không vào trụ sở xã mà xuống thẳng thôn Hoa Sơn, một trong 3 thôn lớn của xã. Tôi hỏi “Ở đây thấy hạ tầng công cộng và nhà ở dân cư dường như mới tân trang lại, không khác mấy so với Văn Xuyên, thậm chí cảnh vật còn đẹp hơn. Sao lại nói họ ở nhóm dưới?”. Ông Chủ tịch bảo: “Vì họ chưa hoàn thành dồn dân. Chợ và hệ thống thoát nước ở một thôn cũng chưa xong theo kế hoạch”.
Thôn Hoa Sơn có trên 300 nóc nhà, nằm trải dài hơn 2km, có nhà văn hóa thôn được thiết kế 2 tầng. Phòng học tập cộng đồng có chỗ ngồi cho khoảng 80 người. Trên mỗi bàn đôi đều có 1 máy vi tính (hơi cũ). Kế bên là phòng học rộng chừng 50m². Các giá sách cũng nhiều sách cũ do con em của làng và người hảo tâm quyên tặng là chính. Ban Quản lý chỉ đặt 3 tờ báo hàng ngày để phục vụ độc giả. Tiếp đó là phòng chẩn đoán bệnh chừng 30m². Sôi động nhất là phòng thể thao ở tầng 1 rộng chừng 90m², ở đây đang có 5 bàn cờ tướng với hơn chục người chơi ở một góc, còn lại là đám đông với 3 bàn bóng bàn. Ông trưởng thôn bảo: Đang chuẩn bị cho cuộc thi đấu cấp xã nên các vận động viên chân đất tập trung tập luyện đông hơn. Tôi hỏi: “Vậy nguồn sống của nhà văn hóa và cách thức quản lý ở đây ra sao?” Ông giải bày: Người Trung Quốc bây giờ ngồi ở nhà cũng biết cả thế giới (qua tivi) nhưng phàm là con người thì đều có nhu cầu giao lưu. Người già muốn gặp nhau để ôn lại thời thả diều đánh đáo, tỷ thí với nhau ván cờ hoặc tán gẫu chuyện thời sự. Thanh niên có cớ để gặp gỡ tán tỉnh nhau. Trẻ con thì cần chỗ vui chơi…thế nên nhà văn hóa là chỗ để người làng gặp gỡ. Nguồn hoạt động thì từ Quỹ Phát triển nông thôn do dân làng đóng nhưng chủ yếu ở đây là đóng góp của các CLB, ví như CLB bóng bàn này là phải trả tiền thuê phòng nhưng rẻ thôi. Quản lý nhà văn hóa có 3 người, đều được huyện tập huấn kiến thức và kỹ năng hướng dẫn hoạt động, rồi có thi tuyển mới được vào. Ở đây thể thao là sôi nổi nhất vì chúng tôi thường xuyên tổ chức thi đấu giữa các thôn và các xã bên.
3.Xây dựng NTM – Nhà nước quản lý rất chặt
Trên đường về, tôi đem một điều băn khoăn hỏi ông Chủ tịch huyện: “Nhà ở dân cư và các công trình hạ tầng công cộng ở 2 xã đều thấy rất trật tự, ngăn nắp, chất lượng, cảnh quan rất đẹp. Vậy Nhà nước có can thiệp gì không?” Ông bảo: “Nông dân chúng tôi không thể có kiến thức tốt về xây dựng, kiến trúc được mà thường thì họ rất tùy tiện. Vì thế Chính phủ đã có chỉ đạo “Chính quyền huyện, xã phải chịu trách nhiệm về quy hoạch và quản lý xây dựng NTM”. Do đó, những khu dân cư cần cải tạo hay khu định cư mới, huyện đều phải thuê tư vấn chuyên ngành đến, quy hoạch rất chi tiết theo hướng đô thị. Sao cho hạ tầng và nhà ở thì theo tiện ích đô thị, nghĩa là phù hợp với lối sống hiện đại nhưng môi trường cảnh quan thì phải giữ hồn nông thôn, nghĩa là gần gũi với thiên nhiên: phải nhiều cây xanh, hồ nước, hoa cảnh hơn và đặc biệt phải giữ được bản sắc văn hóa bản địa.
Ở những khu định cư mới, sau khi có quy hoạch được duyệt, người dân có thể bốc thăm nhận lô đất ở. Đất thì Nhà nước cấp, xây thì dân bỏ tiền (thiếu tiền thì ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi). Nhưng họ phải xây theo quy hoạch và thiết kế đã được duyệt. Huyện cử 2-3 kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chịu trách nhiệm. Ra vậy, hèn chi mà họ xây dựng đến đâu là đẹp như resort ở ta vậy.
Chúng tôi bỗng giật mình: Khi xây dựng NTM, ta cũng khẳng định quy hoạch là giải pháp hàng đầu. Phải xong quy hoạch mới được xây dựng. Đó là chủ trương hết sức đúng đắn. Nhưng tiếc thay do đội ngũ quy hoạch mỏng, kiến thức về quy hoạch, về kiến trúc nông thôn rất thiếu nên chất lượng quy hoạch cấp xã thời gian qua là rất thấp. Lại thêm phương châm: “Cộng đồng dân cư tự quyết” không được hiểu đầy đủ nên việc xây dựng ở nông thôn, nhất là xây dựng nhà ở dân cư, chúng ta đã để dân “tự bơi”. Nhà nước không có quy chế quản lý xây dựng nông thôn (một dạng luật), cũng không có hướng dẫn các mẫu nhà, mẫu khuôn viên đẹp phù hợp với từng vùng văn hóa để người dân lựa chọn, nên mặc nhiên ai có vườn đất thì muốn xây gì cũng được. Đó cũng là lý giải vì sao nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM mà bộ mặt làng quê vẫn nhếch nhác, vệ sinh môi trường vẫn là bức xúc lớn với người dân.
Có thể nói, chỉ ít ngày đi nghiên cứu về phát triển nông thôn ở Trung Quốc, với những điều “mục kích sở thị” từ làng xã của họ đã giúp chúng tôi thu lượm được nhiều điều bổ ích. Không chỉ thấy sâu hơn về nội hàm mục tiêu của NTM mà còn rút ra được những bài học hay trong chỉ đạo thực hiện. Ngày Xuân, nói chuyện người để ngẫm chuyện mình!
TS Tăng Minh Lộc
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã