Việt Nam mới đây đã trúng thầu cung cấp cho Philippines 130 nghìn tấn gạo, trong đó 50 nghìn tấn loại 15% tấm trúng giá 526,5 USD/tấn và 80 nghìn tấn loại 25% tấm trúng giá 517,5 USD/tấn, theo thông tin từ Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA).
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang khá thuận lợi |
Với kết quả này, Việt Nam có lượng gạo trúng thầu trong đợt này cao hơn Thái Lan, chỉ ở mức 120 nghìn tấn. Đáng chú ý là mức giá nói trên khá tốt, so với giá tham chiếu Philippines đưa ra trước đợt mở thầu lần đầu (không có quốc gia nào trúng thầu), các mức giá chào mua là 483,63 USD/tấn đối với gạo 15% tấm và 474,18 USD/tấn đối với gạo 25% tấm (giá giao tại kho Philippines).
Trước đó, Indonesia cũng đã mở thầu 2 đợt. Trong đó, đợt mở thầu vào tháng 1 thì Việt Nam trúng thầu xuất khẩu sang nước này 141 nghìn tấn; đợt mở thầu thứ hai vào tháng 4 vừa qua, Việt Nam tiếp tục thắng thầu cung cấp 300 nghìn tấn. Theo các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu gạo đang có chiều hướng tăng nhanh suốt từ cuối năm ngoái, do nhu cầu nhập khẩu tăng từ một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, thậm chí là các thị trường mới của Việt Nam như Iraq, Bangladesh.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,79 triệu tấn gạo, thu về trên 2,6 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2018 ước đạt 670 nghìn tấn với giá trị đạt 341 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,16 triệu tấn và 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2018 đạt 501 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017.
Các con số trên được dự báo sẽ tiếp tục thay đổi rất nhanh. Theo Vibiz.vn, thị trường gạo trong năm 2018 thậm chí là sôi động hơn năm 2017. Thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1% và đạt 42,3 triệu tấn. Đây là lượng gạo giao dịch cao thứ ba trong lịch sử thương mại gạo thế giới và cũng là năm thứ hai liên tiếp mà giao dịch gạo đạt tăng trưởng dương. Riêng với Việt Nam, do nhiều quốc gia bạn hàng nhập khẩu gạo dự kiến tiếp tục mở thầu trong thời gian tới nên tình hình xuất khẩu gạo có dấu hiệu khả quan.
Philippines cho biết sẽ mở thầu đợt mới vào ngày 22/5. Quốc gia này dường như vẫn còn nhiều dư địa nhập khẩu gạo, bởi trong khi NFA đang tăng cường thu mua nội địa, tồn kho NFA vẫn thấp hơn tồn kho đệm quy định 15 ngày từ cuối năm qua.
Trong khi đó, cơ quan phụ trách mua bán lương thực quốc gia của Indonesia (Bulog) đã mua đến hơn 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay, một mức mua cao đáng kể so với cùng giai đoạn các năm trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Bulog có thể sẽ mua thêm để xây dựng tồn kho chiến lược, trước thềm bầu cử vào năm tới. Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Iraq… cũng đang tích cực mở thầu cung cấp gạo trong giai đoạn này.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tổng lượng gạo xuất khẩu năm nay của nước ta có thể đạt tới 6,5 triệu tấn. Trong đó, khoảng 2,7 triệu tấn xuất khẩu sang Trung Quốc; 800 nghìn tấn sang Philippines và một lượng tương tự sang Indonesia; 500 nghìn tấn sang Malaysia; 200 nghìn tấn sang Iraq và khoảng 1 triệu tấn sang các nước khu vực châu Phi.
Tình hình xuất khẩu thuận lợi đang kéo giá gạo trong nước tăng theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.400 đồng/kg (lúa ướt), tăng 50 đồng/kg so với đầu tháng; tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên 6.100 - 6.300 đồng/kg, lúa OM 4218 ở mức 6.500 - 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg... Theo bộ này dự báo, nhiều khả năng giá lúa gạo trên thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, khi có thêm những hợp đồng xuất khẩu lớn trong thời gian tới.
Các diễn biến thuận lợi trên đem lại triển vọng tích cực cho ngành lúa gạo trong năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang gặp phải một số thách thức đáng kể. Khách hàng quan trọng nhất là Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2018 chiếm trên 29% thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam, đang có dấu hiệu giảm nhập khẩu từ nước ta. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 411,6 nghìn tấn với trị giá 216,6 triệu USD, giảm 21,9% về khối lượng và giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Một thách thức khác là giá nhập khẩu gạo từ các nước châu Á như Thái Lan và Việt Nam đang trong xu hướng tăng. VFA trong một bản tin mới phát hành lưu ý khả năng Trung Quốc tiếp tục giảm nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam mà tăng giao dịch biên mậu với Myanmar; trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gạo từ châu Phi và Trung Đông có thể hướng đến nguồn cung từ Ấn Độ do giá gạo tại thị trường châu Á tăng nhiệt.
Đồng thời, cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn. Thái Lan đang hiện diện nhiều hơn trong các thỏa thuận giao dịch kể từ sau lễ Songkran. Pakistan đang tiếp cận khá thành công thị trường gạo Indonesia. Trong khi gạo Ấn Độ tăng khả năng cạnh tranh do chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ nông dân và giá khá tốt. Theo đó, Bangladesh có thể tăng nhập khẩu từ nước này...
Anh Quân/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã