Học tập đạo đức HCM

Bệ đỡ để no bụng, giàu dinh dưỡng

Thứ hai - 31/08/2020 22:04
UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định giao vốn 500 triệu đồng cho UBND huyện Trà Cú để tiếp tục thực hiện mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” trong năm 2020.
Ông Lâm Văn Chín vẫn duy trì đàn gà sau khi dự án kết thúc. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lâm Văn Chín vẫn duy trì đàn gà sau khi dự án kết thúc. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân hưởng ứng

Sau một năm triển khai thí điểm mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” trong khuôn khổ chương trình “Không còn nạn đói”, bước đầu mô hình mô hình đã mang lại những kết quả hết sức thiết thực được người dân hưởng ứng.

Hộ dân tham gia mô hình đã có nhiều thay đổi trong nhận thức dùng rau xanh và cân bằng dinh dưỡng, bổ sung chất đạm trong bữa ăn hàng ngày. Nhất là mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, vườn rau xanh của người dân được duy trì sau khi kết thúc dự án.

Gần một năm qua, từ ngày kết thúc dự án, tôi gặp lại ông Lê Văn Chắc, cán bộ nông nghiệp xã Long Hiệp người đã dẫn tôi gặp gỡ các hộ dân tham gia dự án của năm trước.

Qua hỏi thăm kết quả thực hiện mô hình tại địa phương, ông Chắc tâm sự: “Qua thời gian triển khai thực hiện dự án trên địa bàn xã chúng tôi nhận thấy bà con tham gia mô hình đều rất phấn khởi, hứng thú với việc tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc nuôi gà sinh sản.

Các hộ dân vẫn thường xuyên liên lạc với tôi để hỏi về cách chăm sóc gà sinh sản. Đây là giống gà mới đẻ sai, ấp nở con không bằng gà nòi truyền thống nên nhiều hộ dân còn lạ lẫm. Ngoài ra, bà con đã tận dụng rất tốt diện tích đất trống xung quanh nhà trồng rau, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”.

Sau đó, ông Chắc đã dẫn tôi đến nhà của một số hộ dân đã tham gia mô hình từ năm trước như: hộ ông Thạch Trang, Lâm Văn Chín, chị Thạch Ngọc Minh, Kim Thị Tươi… Đời sống của đa số hộ dân đều có sự thay đổi, phát triển hơn trước. Nhà ông Lâm Văn Chín ở ấp Chợ, xa tít trong đồng. Năm ngoái, nhờ tham gia mô hình mà gia đình ông đã thay đổi nhiều thói quen, nhất là dùng rau xanh.

Nhớ hôm gặp chúng tôi, ông Lâm Văn Chín rôm rả nói chuyện về đàn gà mà ông dày công chăm sóc gần một năm qua.

Ông Chín chỉ tay về phía con gà nhỏ dưới chân nói: Như con này, nó là lứa thứ hai rồi đó. Rồi ông Chín hỏi thăm anh Chắc về cách săn sóc gà đẻ, mấy bệnh phổ biến và cách điều trị. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tham quan vườn rau má gần 20m2 bên hông nhà của ông Chín.

Chỉ vào vườn rau xanh tốt, ông Chín bảo từ hồi tham gia mô hình ông duy trì đến giờ. Bữa nào cũng có rau xanh ăn đỡ tiền đi chợ.

Nói về những nguyên nhân thành công, điểm thuận lợi của mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng thí điểm năm 2019 tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú và khả năng nhân rộng mô hình trong thời điểm hiện nay, ông Huỳnh Kim Nhân, Chi cục trưởng, Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của Vụ Tài chính, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, công tác phối hợp của Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, UBND xã Long Hiệp nên mô hình triển khai thuận lợi.

Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hạn chế thiệt hại trong quá trình chăn nuôi. Kết thúc mô hình góp phần thoát nghèo và chí thú làm ăn. Thời gian triển khai cấp giống đến thời điểm xuất chuồng đúng thời gian giá gà bán ra tương đối ổn định. Theo đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân và nhân rộng mô hình đạt hiệu quả.

Con giống, thức ăn, thuốc thú y được lựa chọn các cơ sở, đại lý có huy tín cung cấp do đó đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu. Dự án bàn giao đúng kế hoạch của chủ đầu tư.

Mô hình từ khi triển khai thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát của Chi cục Phát triển nông thôn. Đàn vật nuôi và cây trồng phát triển tốt, qua kiểm tra bình quân đạt 2,5 kg/con, tỷ lệ hao hụt bình quân 3,4%, thức ăn cấp kịp thời, đủ số lượng cho hộ dân.

Người dân trồng rau xanh để bổ sung rau xanh vào bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân trồng rau xanh để bổ sung rau xanh vào bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện mô hình cũng có không ít khó khăn. Đây sẽ là những thách thức để mô hình năm 2020 thành công hay không. Cũng theo ông Nhân, do nguyên nhân khách quan thời tiết mưa nhiều, đất giồng cát thoát nước chậm, chuồng nuôi của một số hộ bị ngập, bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân tham gia mô hình là người dân tộc nghe, nói tiếng Việt chưa thông thạo, còn bất đồng ngôn giữa giáo viên, học viên. Để tiếp cận giúp cho người dân hiểu được kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, cán bộ quản lý nhờ sự hỗ trợ của địa phương phiên dịch lại.

Tuy mô hình được giám sát chặt chẽ, nhưng một số hộ chưa thật sự quan tâm. Nhiều hộ đi làm thuê ít chăm lo cho cuộc sống hàng ngày do đó dẫn đến hao hụt đàn vật nuôi, có hộ tỷ lệ hao hụt lên đến 23%. Vì vậy, năm 2020 Chi cục PTNT sẽ chỉ đạo cán bộ thú y xã tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các hộ tham gia dự án chặt chẽ hơn.

Thêm 500 triệu hỗ trợ nhân rộng mô hình

Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân vùng khó khăn của tỉnh Trà Vinh, năm 2020 Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Trà Vinh tiếp tục nhân rộng “Nông nghiệp dinh dưỡng” trên hai xã Ngãi Xuyên và Tân Hiệp, huyện Trà Cú. Đồng thời, tại xã Long Hiệp mô hình cũng được nhân rộng ra các ấp trên địa bàn xã.

Ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Long Hiệp cho biết: Năm rồi, mô hình thực hiện có những điểm rất tích cực trong nhận thức của người dân. Năm nay, UBND xã tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình ra các ấp còn lại trên địa bàn. Mô hình góp phần tích cực trong xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Trần Văn Đồng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: Năm 2019, từ mô hình thí điểm tại 3 ấp Trà Sất A, Trà Sất B và ấp Chợ xã Long Hiệp, mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Tại các hộ dân tham gia dự án, nhiều nông hộ đã duy trì được vườn rau xanh, đẩy mạnh phát triển đàn gà từ nguồn con giống dự án hỗ trợ.

Ông Lê  Văn Chắc (trái) dẫn phóng viên gặp gỡ người dân tại ấp Chợ xã Long Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê  Văn Chắc (trái) dẫn phóng viên gặp gỡ người dân tại ấp Chợ xã Long Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2019, tổng kinh phí của dự án hơn 535 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 400 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân hơn 135 triệu đồng. Kinh phí giải ngân được hơn 382 triệu đồng, đạt 95,58%.

Đặc điểm hộ nghèo thí điểm năm 2019 đều đa số không có đất sản xuất, người dân làm thuê là chính. Sự hỗ trợ từ dự án là bước đệm ban đầu để hộ dân trang trải cuộc sống.

Một số hộ dân bước đầu đã vươn lên thoát nghèo và tham gia vào hợp tác xã. Trước đây, tại xã Long Hiệp, mô hình chăn nuôi gà chưa được đẩy mạnh. Dự án cũng góp phần phát triển mạnh mô hình chăn nuôi ở địa phương.

Cũng theo ông Trần Văn Đồng, năm nay từ nguồn vốn của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình đa dạng hoá sinh kế, giảm nghèo, nông nghiệp dinh dưỡng,…với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định giao nguồn vốn 500 triệu đồng để tiếp tục nhân rộng mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” trên địa bàn huyện Trà Cú, đây là điểm rất thuận lợi. Hiện nay, Phòng NN-PTNT đang phối hợp với UBND các xã Ngãi Xuyên, Tân Hiệp để rà soát chọn hộ dân tham gia mô hình.

“Dự kiến năm nay, mô hình sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân thực hiện trồng rau xanh và nuôi gà hoặc vịt.  Tuy nhiên, theo như tình hình hiện nay thì các hộ dân có nguyện vọng nuôi vịt. Vì con vịt thích nghi khí hậu tốt hơn, giá cả ổn định hơn so với gà. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang khảo sát lại rồi mới quyết định. Bởi vì trước đây, mô hình nuôi gà cũng rất thành công”, ông Trần Văn Đồng cho biết thêm.

Nhân rộng mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng”

Việc nhân rộng mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” sẽ hỗ trợ địa phương rất nhiều trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.

Ông Kim Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Chúng tôi cũng đã cho rà soát, chọn xong hộ dân để tham gia mô hình. Chọn được 60 hộ cận nghèo, hộ nghèo của 3 ấp Con Lọp, Ba Trạch A, Ba Trạch B để tham gia mô hình. Dự kiến, mô hình sẽ hỗ trợ người dân trồng rau ăn lá như hẹ, cải xanh… và nuôi gà sinh sản. Dự án sẽ hỗ trợ gà và thức ăn, cách chăm sóc. Sau đó, người dân sẽ duy trì đàn gà thịt và sinh sản để nhân giống”.

“Với đặc điểm của hộ nghèo của xã là không có đất sản xuất rất khó trong công tác đối ứng với dự án. Chúng tôi có mở rộng đối tượng tham gia dự án thêm cho các hộ cận nghèo. Chúng tôi rất kỳ vọng khi thực hiện dự án tất cả hộ dân sẽ vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, thì xã Tân Hiệp trước giờ các giống gà địa phương cũng rất ít. Bây giờ dự án hỗ trợ thì sẽ có nguồn giống mới để người dân tập làm quen cách chăm sóc cũng như lựa chọn chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”, ông Bình nói thêm.

M.Đ

Theo Minh Đảm - Trọng Linh/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập164
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm159
  • Hôm nay32,741
  • Tháng hiện tại45,318
  • Tổng lượt truy cập91,219,047
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây