Đồng Nai hiện đang tập trung triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, trái cây tươi… vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu vì có diện tích lớn, nhất là đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này.
Đặc biệt, nếu cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 ngàn tấn/năm, thì chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.
Tín hiệu vui cho nông dân trồng cà phê tại Đồng Nai khi có nhiều DN đầu tư chế biến sâu cho dòng sản phẩm này nằm trên địa bàn tỉnh. Gần đây, Nestlé Việt Nam đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm tại KCN Amata. Công ty CP Cà phê Tín Nghĩa cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm (giai đoạn 1) tại KCN Nhơn Trạch 3. Đồng thời, không chỉ có những tập đoàn lớn mà nhiều DN tư nhân cũng quan tâm đầu tư khâu chế biến.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm GC (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Thay vì xuất thô nông sản, chúng tôi đã nghiên cứu chế biến sâu một số loại nông sản như nha đam, thạch dừa, cà phê… để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Chính vì có đầu ra ổn định nên công ty đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cao và hình thành vùng nguyên liệu để cả doanh nghiệp và nông dân đều yên tâm sản xuất”.
Theo ông Thứ, tỉnh Đồng Nai cũng khuyến khích DN tập trung nghiên cứu sâu về các ngành hàng nông sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương để có hướng xây dựng các chuỗi liên kết với chính sách phù hợp.
Tỉnh Đồng Nai còn có lợi thế phát triển chế biến sâu với nhiều mặt hàng nông sản khác, nhất là các loại rau củ, trái cây tươi. Đây là địa phương có vùng nguyên liệu trù phú, dồi dào các loại nông sản, đặc biệt là các loại đặc sản trái cây, rau củ nên là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến. hính vì thế, Đồng Nai đang đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế để phát triển ngành chế biến cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “Việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, cần tập trung về vấn đề thị trường, các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, xuất khẩu vừa có hướng chế biến các sản phẩm phục vụ chính ngành nông nghiệp”. Theo ông Chánh, tỉnh Đồng Nai đã triển khai hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, kinh phí để xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm.
Ông Chánh cũng cho rằng, với lợi thế là thủ phủ trái cây cũng như phát triển được các vùng chuyên canh cây trồng với quy mô lớn, Đồng Nai đã thu hút không ít DN, đặc biệt là những tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào ngành chế biến. Thời gian tới, việc thu hút đầu tư phát triển chế biến nông sản sẽ tiếp tục là mục tiêu hàng đầu của tỉnh nhằm đưa Đồng Nai trở thành trung tâm chế biến nông sản cả nước.
Trong khi đó, tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết: “Với phương châm lấy nhà vườn làm trọng tâm, huyện đang xây dựng kế hoạch minh bạch thông tin từ khâu sản xuất, phân phối đến nâng cao hoạt động truyền thông đối với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và thế mạnh. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng được những thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường”.
Theo ông Phương, từ nhận thức rõ thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế đô thị nên địa phương đã lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu trọng điểm để phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên.
Thực tế, những năm gần đây, chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Để mở rộng diện tích vùng chuyên canh, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng hàng chục thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi (đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP). Qua đó nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, có thương hiệu, thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cụ thể, đến nay Đồng Nai đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây trồng chủ lực như bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); xoài Xuân Hưng, Suối Cao (Xuân Lộc); sầu riêng (Long Khánh, Xuân Lộc); cà phê (Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh); tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc)… Các cây trồng chủ lực này đã phát triển tốt năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai có uy tín đã tham xuất khẩu như điều Donafoods, xoài Suối Lớn, sầu riêng Dona… Đồng Nai cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi mới để phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu nông sản. Với cây trồng, diện tích trồng mới sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống; 30% kinh phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm…
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam: Đồng Nai là vùng có nhiều lợi thế để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mà mạnh nhất là cây công nghiệp và cây ăn trái. Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng phát triển thị trường, cần tập trung vào những sản phẩm ưu thế truyền thống của địa phương. Trong đó, đầu tư chế biến là khâu đột phá cho sự phát triển bền vững của nông sản nói chung, rau, trái nói riêng. Đặc biệt cần có chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến qua những hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thuế, mặt bằng sản xuất.
Từ năm 2018, Bộ NN-PTNT đã chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu, có thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm khu vực và thế giới. Có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, vì thế các địa phương nên tập trung tổ chức triển khai để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Nguồn tin: Minh Sáng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã