Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, tình hình chế biến và xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất khả quan và tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, sản lượng tôm ước đạt hơn 107.000 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng tôm chế biến ước đạt 85.250 tấn tăng hơn 21% so cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm ước đạt 400 triệu USD tăng 16,6% so cùng kỳ năm 2020.
Tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế về nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, trong đó ngành tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Hiện, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh khoảng 280.000ha, sản lượng đạt 280.000 tấn/năm.
Do tình hình dịch bệnh tại Cà Mau được kiểm soát, chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng tại địa phương và một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc…) được kiểm soát tốt nên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tôm cho phân khúc nhà hàng và dịch vụ thực phẩm được dần hồi phục và tăng cao.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục thuận lợi do nhiều nước sản xuất tôm khác cạnh tranh vẫn đang còn gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Trong khi đó, những tháng đầu năm nay thời tiết thuận lợi cho việc thả giống và bám biển. Giá tôm nguyên liệu ổn định liên tục trong nhiều tháng qua, giúp người nuôi tôm rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, nhận định: Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) là cú hích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có Cà Mau.
Đây là điều kiện khách quan thuận lợi mới, nhất là xuất nhập khẩu sẽ có thêm nhiều thị trường để phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA…) tiếp tục tạo nhiều thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu tôm qua các thị trường tăng cao.
Hiện, tỉnh có trên 40 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó 32 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tổng công suất đạt 250.000 tấn/năm.
Sản phẩm tôm chế biến của tỉnh có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đã xuất khẩu đến trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tranh thủ nắm bắt được những cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trên để tăng cường xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, ước 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vào các nước thành viên EVFTA tăng 148,56% so với cùng kỳ; các nước thành viên CPTPP tăng 9,8%...
Do đó, Cà Mau kỳ vọng với các cơ chế thuận lợi do các FTA mang lại sẽ giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Cà Mau tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường mới.
Tuy có những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, nhưng trong nước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành, nên đã tác động trực tiếp hoạt động xuất khẩu tôm Cà Mau.
Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vận chuyển hàng hóa do thiếu container, cước phí tàu tăng…
Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu tôm của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia,…
Trước tình hình này, giải pháp trong thời gian tới của tỉnh là sẽ xúc tiến bằng hình thức trực tuyến với các nhà phân phối, doanh nghiệp nước ngoài giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhiều khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm,…
Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 24/3/2021, Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 26/3/2021 và Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 23/5/2020 về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá tỉnh.
"Ngoài ra, UBND tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín để xuất khẩu", ông Nam thông tin.
Cuối năm 2020, Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) đã ra đời, thu hút 70 thành viên doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, các tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ của các quốc gia cùng tham gia.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch VSSA, thành lập liên minh là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, cá nhân trong chuỗi giá trị ngành tôm cùng hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả cao. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Sự ra đời của VSSA thực hiện 4 mục tiêu chiến lược của ngành, đó là tập trung vào nâng cấp vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ mới vào khâu nuôi, chế biến và cung ứng; mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Chúc Ly/danviet.vn
https://danviet.vn/ca-mau-khach-au-my-mua-nhieu-loai-thuy-san-nay-mang-ve-1-ty-usd-20210622153329099.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã