Theo chân chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch An, (tỉnh Cao Bằng) chúng tôi có mặt tại xã Trọng Con, xã được cho là "vựa thạch đen" lớn vào loại nhất nhì của tỉnh Cao Bằng.
Tại thôn Pò Lài, xã Trọng Con, chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con nông dân tất bật thu hoạch thạch nguyên liệu. Hôm nay, nhà chị Nông Thị Huyên huy động "tổng lực" cho việc thu hoạch cây thạch đen với diện tích 1ha. Các thành viên trong gia đình chị ai cũng mồ hôi nhễ nhại, nụ cười tươi rói trên môi.
Chị Huyên bảo, cây thạch đen năm nay được giá, bà con phấn khởi lắm. Theo chị Huyên, thôn có hơn 50 hộ thì 100% hộ trồng cây thạch đen. Cây thạch đen đã trở thành cây cho thu nhập chính của người dân trong vùng.
Vừa trò chuyện, chị Nông Thị Huyên vừa thoăn thoắt tay liềm, cắt từng nắm thạch đen xanh mướt. Rẫy trồng cây thạch đen nhà chị Huyên nằm ngay ven đường, tuy nhiên có độ dốc và độ ẩm cao khiến chúng tôi phải bấm ngón chân đến bật móng mới có thể đứng vững.
Chị Huyên cho biết, thứ mà người trồng cây thạch đen mong nhất chính là mưa. Trồng thạch đen mà không có mưa chắc chắn sẽ mất mùa vì cây này phụ thuộc rất lớn vào nước mưa và độ ẩm. Chăm bón ít tốn công, nên quan trọng đối với loài cây thạch đen là phải có mưa.
"Tháng 2 xuống giống cây thạch đen mà không mưa, cây sẽ chậm mọc hoặc chết. Trồng cây thạch đen này có mưa được cái mọc tốt, lớn nhanh như cỏ dại, công chăm sóc cũng không nhiều mà cho thu hoạch lại gấp 5, gấp 6 lần các loại cây trồng khác. Kể cả khi mất mùa thì vẫn có lãi hơn trồng ngô, trồng lúa", chị Huyên khẳng định.
Diện tích 1ha trồng cây thạch đen của gia đình chị Huyên mỗi năm cho thu khoảng 5 tấn khô thạch nguyên liệu. Với giá bán cây thạch đen khô hiện nay cũng cho chị Huyên thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Cây thạch đen từ nhiều năm nay đã trở thành cây cho thu nhập chính của gia đình chị.
Dọc đường từ các xã Trọng Con vào Đức Thông sang Kim Đồng, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn cây thạch đen. Ven đường, trên sàn, nhà nào cũng tãi kín thạch đen phơi phóng.
Tại các "vựa" trồng cây thạch đen lớn của huyện Thạch An, hiện nay hầu hết bà con chỉ bán cây thạch đen nguyên liệu, rất ít nhà nấu bán thạch đen thương phẩm.
Theo cụ Tống Thị Phùi (75 tuổi, thôn Pò Lài, xã Trọng Con, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), người dân không nấu thạch đen do giá cây thạch đen hiện nay khá cao, khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg, tư thương lại vào tận nơi thu mua.
Trong khi đó, nấu thạch mất khá nhiều thời gian, trung bình phải mất đến 3 giờ đồng hồ và phải cần đến 2 người nấu mới cho ra được một mẻ thạch.
Dưới cái nắng như thiêu, chúng tôi gặp anh Triệu Văn Nguyên (thôn Cảm Càng) lễ mễ ôm những bó thạch đen đem tãi ra phơi. Phía bên đồi, tiếng nói cười của những người nông dân đang vào vụ thu hoạch cây thạch đen hoan hỷ vọng sang.
Anh Nguyên chia sẻ, vụ này, thời điểm trồng tuy có ít mưa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của cây thạch đen. Giá thạch đen thương lái hiện nay đang thu mua đã lên đến 32.000 đồng/kg.
"Năm nay nhà mình trồng 4.000m2 thôi nhưng cũng được khoảng hơn 2 tấn cây khô. Như mọi năm mình không làm lúa, trồng ngô thì cũng có được khoảng 5 tấn cây khô để bán, tính ra cũng được 150 triệu đồng", anh Nguyên nói.
Theo anh Nguyên, cả thôn có 57 hộ thì cả 57 hộ đều trồng cây thạch đen. "Nhờ trồng cây thạch đen bà con mới có tiền cho con ăn học, mua sắm vật dụng, các thiết bị và phương tiện đi lại, phục vụ sản xuất. Trồng ngô, lúa chỉ để đảm bảo an ninh lương thực chứ không có tiền đâu, phải trồng thạch đen thôi", anh Nguyên cười.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết, trên địa bàn huyện Thạch An, cây thạch đen được trồng chủ yếu ở hai xã Trọng Con và xã Đức Thông.
"Cây thạch đen phù hợp với điều kiện đất ẩm, trước đây bà con chủ yếu trồng ở ven đường, ở rừng, sau khi nhân rộng mô hình, bà con đã trồng thêm xuống ruộng. Tuy là cây ưa ẩm nhưng trồng ở ruộng phải là ruộng cạn, nếu úng nước cây sẽ chết thân.
Đặc biệt, dù có mất mùa thì cây thạch đen cũng cho hiệu quả kinh tế gấp đôi cây ngô, cây lúa trồng trên cùng một diện tích. Đầu ra cây thạch đen rất ổn định, sản phẩm thạch đen được rất nhiều người ưa dùng. Hiện nay thạch đen đang được làm hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP của địa phương".
, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã