Ngày 8/10, hội nghị xây dựng “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045” diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân.
Sau khi nghe đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản báo cáo tóm tắt về dự thảo của chiến lược nói trên, đã có nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra, trong đó đáng chú ý là quan điểm đẩy mạnh nuôi biển để giảm khai thác, đánh bắt.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh ngành thủy sản phát triển, cần có điểm đột phá. Theo đó, đột phá dựa vào khoa học là đương nhiên, nhưng cần phải xác định được mục tiêu đầu tư là gì, vì mỗi quốc gia chỉ có thể có một nhóm sản phẩm chiến lược chứ không phải tất cả.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trọng tâm đột phá phát triển thủy sản trong 10 năm tới phải là nuôi biển. “Đây chính là dư địa lớn nhất còn lại của thủy sản trong thời gian tới, nếu không phát triển lĩnh vực này, chúng ta chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong thủy sản”, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả, nuôi biển cần kết hợp với các ngành kinh tế biển khác và khi đó sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều. Với các ngành dầu khí, du lịch, điện gió, đóng tàu… nếu tận dụng được năng lực, kỹ thuật, công nghệ của các ngành này để phát triển nuổi biển thì sẽ có rất nhiều ưu thế.
Liên quan vấn đề này, Tiến sỹ Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, hiện nay Việt Nam đang có 3 sản phẩm chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nếu trong tương lai phát triển nuôi biển thì sẽ phải lựa chọn đối tượng chủ lực nào, đây là vấn đề cần được giải quyết.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, cần quan tâm đặc biệt đến nuôi biển trong tương lai, tập trung mạnh vào đầu tư, xây dựng hạ tầng, đầu tư đến đâu, nuôi biển đến đấy.
Theo Thứ trưởng, cần chuẩn bị hành trang kỹ càng cho nuôi biển, để chỉ sau 1 -2 năm, có hạ tầng tốt sẽ đẩy mạnh ngay vì đây là lĩnh vực có nhiều lợi thế lớn, nhiều doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư.
Ông cũng đề cập đến hội nghị toàn quốc về nuôi biển sắp tới, sẽ mời thêm các quốc gia khác cùng tham gia. Do đó, cần có một đề án cụ thể để họ có thể xây dựng, góp ý cho Việt Nam.
“Không thể để xảy ra tình trạng ô nhiễm, chết, gây ảnh hưởng đến môi trường trong khi lại không tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật”, Thứ trưởng lưu ý thêm.
Ngoài ra, góp ý vào đề án, Tiến sỹ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho rằng, 3-4 năm nay, ngành thủy sản vẫn chưa đạt được con số xuất khẩu 10 tỷ USD nhưng mục tiêu đề án đưa ra đến năm 2030 sẽ đạt từ 18-20 tỷ USD là rất khó.
Ông Lựu cũng cho rằng, đề án đưa ra rất bao quát, đầy đủ nhưng lại chưa có điểm đột phá, chưa nêu bật được vấn đề cần ưu tiên. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời thì mục tiêu đưa ra sẽ khó đạt được.
Theo ông, để đạt được mục tiêu trên, ngành thủy sản cần có sự thay đổi, tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng.
“Muốn cạnh tranh bằng chất lượng thì cần thay đổi về tư duy, khẳng định chất lượng các sản phẩm với người tiêu dùng, thâm nhập thị trường cao cấp và tổ chức sản xuất một cách bài bản, được hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách tài chính thuận lợi”, Tiến sỹ Lê Thanh Lựu phân tích.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho rằng, đề án đang bị dàn trải, chưa nêu được trọng điểm: “Nếu có người muốn đầu tư thì đọc xong họ cũng không biết nên đầu tư vào đâu”.
Ngoài ra, cần lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp và cải thiện lĩnh vực chế biến để không chỉ sản xuất nguyên liệu thô, chất lượng thấp nữa mà phải nâng cao được giá trị cho sản phẩm thủy sản.
Mục tiêu phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Theo đề án của Viện Kinh tế và quy hoạch Thủy sản, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn. Trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18- 20 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD.
Ngành thủy sản sẽ giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động và thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tiệm cận mức thu nhập bình quân chung của lao động cả nước.
Nguồn tin: Tùng Đinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã