Tái cơ cấu cây con
Giống lạc L14 là loại giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, có khả năng chống chọi với điều kiện ngoại cảnh bất lợi như chịu hạn, rét, sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương.
Năm 2019, huyện Thạch An phối hợp với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng hỗ trợ 100% giống lạc L14, 50% vôi trồng trên 160 ha lạc. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phối hợp tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ tham gia và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Sau gần 2 năm thực hiện hỗ trợ trồng lạc với phương thức Nhà nước đầu tư, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân, đến nay, diện tích trồng lạc của huyện tăng lên trên 200 ha; năng suất trung bình ước đạt 5 tấn/ha. Lạc được trồng nhiều tại các xã: Lê Lai, Đức Xuân, Vân Trình, Đức Long, Thụy Hùng...
Chị Nguyễn Thị Nhi (xóm Bản Cắn, xã Vân Trình, huyện Thạch An) cho biết: Gia đình tôi trồng lạc từ lâu nhưng mấy năm gần đây tăng diện tích trồng nhiều hơn, mỗi năm trồng 2 vụ. Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi trồng gần 4.000 m2 lạc giống L14 và giống lạc trắng truyền thống. Trên cùng một diện tích so với trồng ngô, lúa, lạc đem lại thu nhập cao hơn gấp 2 lần. Sau khi trừ chi phí, gia đình đạt thu nhập trên 30 triệu đồng.
Ông Hoàng Ngọc Khởi (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng), một trong những người đi tiên phong trong chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chia sẻ: Năm 2000, tôi lấy giống cây thanh long về trồng thử, thấy mọc tốt nên đã trồng được 50 trụ; vừa chăm sóc, vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng trước và kỹ thuật trồng qua sách báo nên những cây thanh long ngày càng phát triển tốt. Từ đó, tôi quyết định mở rộng vườn trồng thanh long, đến nay, tôi trồng được gần 1.000 trụ, mỗi năm thu khoảng 10 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm môt số cây trồng khác như: dưa trong nhà lưới, trồng dưa hấu miền Nam, dưa lê Cẩm Ngọc, dưa lưới Hàn Quốc.
Ông Hoàng Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết: Cả xã hiện có hơn 12 ha cây ăn quả, chủ yếu là thanh long tại các xóm: Nam Phong 2, Ngọc Quyến… Mấy năm gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn đưa vào trồng những cây ăn quả mới như: cây bưởi da xanh, cam, chanh, dưa...
Lợn Lang (Đông Khê, Cao Bằng) từ lâu đã nổi tiếng chắc thịt, thơm ngon, thịt mỡ giòn, ngậy, không bị ngấy. Song để nuôi được giống lợn này, người chăn nuôi phải mất cả năm mới được 1 - 2 lứa, trọng lượng tối đa chỉ đạt 80 - 90 kg/con.
Chủ tịch UBND xã Trọng Con Nông Ngọc Hoàng cho biết: Xã phối hợp với Dự án CSSP, Trường Đại học nông lâm Thái Nguyên thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chọn lọc giống lợn Lang Đông Khê góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. Đến nay, toàn xã có trên 20 hộ nuôi với tổng đàn hơn 500 con, tập trung nhiều tại xóm Nà Lẹng; đợt dịch tả châu Phi vừa qua, giống lợn Lang không bị ảnh hưởng.
Anh Đinh Văn Vấn (xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu nuôi lợn lai bán thịt nhưng khả năng phòng dịch kém, chi phí chăn nuôi cao. Nhận thấy giống lợn địa phương có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thực phẩm chăn chủ yếu sử dụng các loại rau, ngô, khoai, sắn, chuối… trong khi đó giá thịt ổn định, nhu cầu thị trường lớn nên từ năm 2015 tôi chuyển hẳn sang nuôi lợn Lang Đông Khê. Hiện nay, tôi nuôi trên 100 con, trong đó có 12 con lợn nái, với giá bán 250.000 - 280.000 đồng/kg lợn giống, 110.000 - 130.000 đồng/kg lợn hơi. Hai năm gần đây, khi các hộ chăn nuôi lợn lai, lợn công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn của gia đình tôi vẫn an toàn.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ hành động vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội, với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng sâu, vùng xa; những ngày cuối tháng 8 vừa qua, gần 200 đoàn viên thanh niên Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã ra quân lao động tình nguyện, hoàn thành đoạn đường bê tông dài hơn 200m, rộng từ 2,5 - 3m tại xóm Rặc Rậy, xã Lương Thông, huyện Hà Quảng.
Cũng trong chiến dịch ra quân tình nguyện, Đoàn khối trao tặng 20 suất quà tổng trị giá 6 triệu đồng cho 20 em học sinh nghèo vươn lên trong học tập; tặng 4 cây quạt và 70 cái ghế phục vụ bà con sinh hoạt tại nhà văn hóa xóm Rặc Rậy.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 283 HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; hỗ trợ 120 HTX thành lập mới đúng luật định. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên tiếp cận với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; nguồn vốn của các năm 2019 - 2020 là 10 tỷ đồng, đến nay, đã giải ngân được 5 tỷ đồng, với 15 HTX được tiếp cận nguồn vốn. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý 1,4 tỷ đồng, hiện nay có 6 HTX đang thực hiện dự án.
Ông Lê Bảo Hưng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà (Hà Quảng) chia sẻ: Với sự tư vấn, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương, HTX đã có bước đi đúng hướng, lựa chọn lĩnh vực cung ứng giống gà, vịt các loại cho bà con tại địa phương và một số huyện lân cận.
Qua hơn ba năm hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã linh hoạt đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh trong cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm của HTX sản xuất và cung ứng được thị trường tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh chấp nhận. Hằng năm, HTX cung ứng ra thị trường từ 2.000 - 5.000 con gà, vịt giống và 100 con vịt siêu trứng, trên 600 con gà thịt. Doanh thu bình quân hằng năm gần 200 triệu đồng, tạo việc làm từ 3 - 5 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Đàm Văn Độ cho biết: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT; triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển KTTT, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của các đơn vị thành viên.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn
Từ đầu năm đến nay, huyện Quảng Hòa đã huy động nguồn lực được 61 tỷ 649 triệu đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 55 tỷ 456 triệu đồng, nguồn vốn tổ chức phi chính phủ 5 tỷ 350 triệu đồng, nhân dân đóng góp 843 triệu đồng. Đồng thời, huyện huy động nhân dân hiến 4.305,8 m2 đất; đóng góp 10.515 ngày công lao động; 784 m3 vật liệu xây dựng… xây dựng hạ tầng cơ sở. Thực hiện 47 dự án mô hình giảm nghèo với 11.743 hộ tham gia; cung ứng 2.720 kg giống ngô lai các loại cho người dân; triển khai các mô hình nuôi lợn thịt, trồng khoai, chăn nuôi trâu…; xây dựng, nâng cấp 21,57 km đường nông thôn; cải tạo, kiên cố hóa 5,92 km mương thủy lợi; bình quân đạt 12,9 tiêu chí nông thôn mới/xã...
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Thạch An huy động 560 tỷ 558 triệu đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp 3 tỷ 228 triệu đồng, 45.892 ngày công lao động, hiến 158.772 m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi. 100% tuyến đường từ huyện đến trung tâm 13 xã được bê tông hóa; 95% xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% dân cư nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh; 7 trường học đạt chuẩn quốc gia; 10/14 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,98%/năm… Đến nay, huyện Thạch An có 02 đạt chuẩn nông thôn mới, đó là xã Đức Long và xã Lê Lai.
Năm 2020, huyện Hà Quảng được phân bổ nguồn vốn 30 tỷ 709 triệu đồng đầu tư, sửa chữa 39 công trình từ nguồn vốn Chương trình 135, đến nay, đã giải ngân 13 tỷ 843 triệu đồng, đạt 45,07% kế hoạch. Từ nguồn vốn đầu tư, huyện thực hiện 17 công trình đường giao thông, 6 công trình thủy lợi, 5 công trình nước sinh hoạt, 4 công trình điện sinh hoạt, 02 công trình trường học với tổng nguồn vốn 28 tỷ 597 triệu đồng; đến nay, giải ngân 12 tỷ 384 triệu đồng, đạt 43,31% kế hoạch.
Thông qua nguồn vốn sự nghiệp, huyện đã sửa chữa 01 công trình thủy lợi, 01 công trình điện sinh hoạt, 03 công trình nước sinh hoạt với tổng nguồn vốn 2 tỷ 112 triệu đồng. Đến nay, các công trình thực hiện xong khối lượng và giải ngân trên 1 tỷ 458 triệu đồng, đạt 69,05% kế hoạch.
Ngoài ra, huyện hỗ trợ 357 hộ vay vốn phát triển kinh tế với tổng kinh phí 17 tỷ 850 triệu đồng; đầu tư 7,4 triệu đồng làm đường giao thông, điện, nước sinh hoạt và san gạt mặt bằng Dự án định canh, định cư xóm Tả Cán, xã Tổng Cọt, dự kiến đưa 20 hộ dân vào vùng dự án sinh sống...
Năm 2020, huyện Nguyên Bình được phân bổ 136 tỷ 797 triệu đồng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thực hiện 161 dự án. Trong đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện làm chủ đầu tư 38 công trình với số vốn trên 55 tỷ đồng; các xã làm chủ đầu tư 123 dự án với số vốn trên 81 tỷ đồng.
Đến nay, huyện giải ngân trên 61 tỷ 604 triệu đồng, đạt hơn 45% kế hoạch, thuộc tốp đầu về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Riêng Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện giải ngân gần 20 tỷ đồng, bằng gần 30% kế hoạch, trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân hơn 8,3 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 11,2 tỷ đồng, bằng 57,98 %; nguồn thu sử dụng đất của tỉnh 82,5 triệu đồng, bằng 72,35% kế hoạch.
Đến hết năm 2019, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Cao Bằng đã đạt được những kết quả tích cực, đã có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 20 xã, số tiêu chí bình quân đạt 10,62 tiêu chí/xã, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn từng bước được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, an ninh trật tự được đảm bảo,…
Tuy nhiên, do là tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm trong xây dựng nông thôn mới thấp nên đến thời điểm hiện tại nhiều mục tiêu chưa đạt như: một số huyện chưa có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới chiếm tỷ lệ cao (48,5%)... nhưng cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai Công văn số: 1391 /UBND-KT, ngày 5/6/2020 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020, ắt các mục tiêu về XDNTM của Cao Bằng sẽ hoàn thành.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã