Sử dụng phế phụ phẩm để trồng đậu tương hoặc xử lý thành phế phẩm phục vụ trồng các loại cây, rau màu. Ảnh: Thành Nam |
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT),lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô. Nghĩa là cứ 1 tấn thóc thì lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương 1 tấn, khoảng 10 -12 tấn phụ phẩm/ha. Sản xuất 1 tấn ngô thì lượng phụ phẩm là 1,2 tấn thân ngô, 1 ha đậu phộng phát thải 11 tấn thân cây, 1ha sắn phát thải 7 tấn ngọn và lá. Như vậy với diện tích trồng trọt hiện tại, ước tính lượng phụ phẩm trên cả nước trên 50 triệu tấn/năm.
Kết quả các nghiên cứu cho thấy, lượng phụ phẩm trồng trọt có giá trị dinh dưỡng cao (45 - 70% tổng chất dinh dưỡng tiêu hóa) và có khả nang cung cấp lớn lượng calo (1662 - 2549kcal/kg chất khô). Do vậy, nếu ứng dụng các công nghệ phù hợp thì phụ phẩm trồng trọt trở thành các sản phẩm có giá trị chăn nuôi, dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ khoảng hơn 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ như ở lò gạch, đun nấu, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc,… Còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy.
Nguồn phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào
Với diện tích trồng trọt và tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì cả nước, mỗi năm Hà Nội có một nguồn phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình mỗi năm ngành nông nghiệp của Thành phố phát sinh khoảng gần 1 triệu tấn rơm rạ; 180.073 tấn trấu; 90.037 tấn cám; 205.650 tấn thân lá từ cây ngô; 41.467 tấn thân lá cây đậu tương. Ngoài ra, còn có các loại rau màu cũng có một lượng phụ phẩm lớn.
Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn Thành phố như Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Ba Vì,...người dân cũng đang sử dụng phế phụ phẩm để trồng nấm, trồng đậu tương hoặc xử lý thành phế phẩm phục vụ trồng các loại cây, rau màu, làm thức ăn chăn nuôi…đem lại hiệu quả cao. Đơn cử như mô hình tái sử dụng giá thể các loại rau mầm để làm phân bón sinh học tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ Thanh Hà (xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội)
Hay như mô hình chăn nuôi bò của anh Vũ Kim Tuyền - một trong những hộ chăn nuôi bò có tiếng ở Ba Vì. Hiện trang trại của gia đình anh rộng 600m2 đang duy trì thường xuyên 100 – 120 con bò thịt vỗ béo. Anh chọn nuôi 2 giống bò cao sản đó là bò lai BBB và Zêbu. Anh Tuyền cho biết, 2 giống bò cao sản này dễ nuôi bởi có sức đề kháng cao, tăng trưởng nhanh và sản lượng thịt cao. Nhờ vào nuôi bò vỗ béo, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Để tạo nguồn thức ăn cho bò cũng như tận dụng nguồn phụ phẩm, ngoài trồng cỏ, năm 2019, gia đình anh đã đầu tư một máy cuốn rơm trị giá 300 triệu đồng. Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản, có thể thu gom ở những chân ruộng trũng và nhiều địa hình khác nhau. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi sào, máy chỉ chạy 4 - 5 phút cho thu hoạch 6 - 8 cuộn rơm, nặng 12 - 15kg/cuộn. Lượng rơm này được dự trữ trong kho và sử dụng dần trong năm. Rơm khô trước khi cho bò ăn được ủ thêm với ure, rỉ mật. Qua đó đã làm tăng giá trị dinh dưỡng của rơm, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Nhờ máy cuộn rơm, mỗi năm, gia đình anh Tuyền tiết kiệm được 220 triệu đồng chi phí thức ăn cho bò và chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tận dụng phế phẩm
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, hiện nay, sử dụng thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp giúp nông dân vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, giảm dần sự phụ thuộc vào cám công nghiệp. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp còn ít so với nhu cầu thực tế do người dân chưa nắm rõ kỹ thuật chế biến, phối trộn, bảo quản thức ăn... Ngoài ra, phần lớn phụ phẩm này được nông dân sử dụng theo cách thủ công, dạng thô nên hiệu quả dinh dưỡng hạn chế.
Để sử dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hữu ích, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, các cấp, các ngành Thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả, hướng dẫn nông dân áp dụng. Trong đó, chú trọng triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp trong trồng nấm, đậu tương, khoai tây…
Cùng với đó, có cơ chế, chính sách đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là tại các địa phương có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn.
Đồng thời, các sở, ngành Thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình sơ chế, chế biến công nghệ để tái sản xuất theo hướng công nghệ cao. Trên thực tế, hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng trong xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp như sản xuất than, dầu sinh học, năng lượng, vật liệu từ vỏ trấu; vật liệu xây dựng; trồng nấm, linh chi; đồ thủ công mỹ nghệ; xử lý nước thải chăn nuôi… đã đem lại hiệu quả rõ nét.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách xử lý phụ phẩm nông nghiệp, pha chế với cám để chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Các hợp tác xã cần tích cực liên kết với doanh nghiệp trong ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng thức ăn phối trộn nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy chăn nuôi phát triển…
Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã