Đó là ông cựu giáo chức Trần Minh Chánh, 65 tuổi, ở ấp 6, xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Ông là chủ nhân vườn mít Thái lá bàng 17ha, với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến nhà ông Chánh khi trời bắt đầu nắng gắt, nhưng hỏi thăm thì người nhà cho biết, ông còn đang ngoài vườn. Phải lội bộ mất gần 20 phút tôi mới thấy thấp thoáng bóng ông đang cặm cụi bên gốc mít. Thấy chúng tôi, ông ngẩng mặt, đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, rổn rảng cười, cho biết, trừ lúc ngủ ra, còn phần lớn thời gian ông sống ngoài vườn. Đôi khi, đến bữa chưa thấy ông vào, vợ ông còn mang cơm ra tận vườn.
Sau đó, chúng tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ, dưới tán cây mít nhỏ nhưng trĩu quả, nghe ông kể chuyện cây.
Năm 1976, sau khi học xong lớp Quản lý giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ông Chánh được nhà nước phân công nhiệm vụ đi phổ cập bổ túc văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao tỉnh Sông Bé cũ. Bỏ lại vợ con ở TP.HCM, ông khăn gói lên đường.
Suốt 11 năm ròng, dấu chân ông in khắp các xã vùng sâu của tỉnh Sông Bé: Bù Nho (khi đó thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé), Đăk Nhau, Đồng Nai, Thống Nhất (huyện Bù Đăng), Lộc Quang (huyện Lộc Ninh), Thanh Hòa (huyện Bù Đốp), Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Năm 1987, được chuyển về xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, vùng đất vẫn thuộc huyện biên giới, nhưng sầm uất hơn so với những nơi ông đã đến. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, ông ông về Sài Gòn thuyết phục vợ đưa cả gia đình lên xã biên giới Lộc Hoà lập nghiệp. Lúc này, cuộc sống khó khăn, đồng lương giáo viên không nuôi nổi gia đình, năm 1995, ông xin nghỉ về làm kinh tế.
Năm 1999, ông tích cóp tiền mua được gần 22ha cà phê, xà cừ với giá hơn 5 triệu đồng/ha. Nhưng để có được mô hình mít như hôm nay, ông đã trải qua rất nhiều thăng trầm, gian nan. Ban đầu ông trồng tiêu, xen các cây ngắn ngày như lúa, bắp, nuôi thêm dê… Nhưng tiêu cứ chết hoài.
“Hồi đó, vùng này chẳng ai nghĩ trồng mít cả. Nhà nào cũng tiêu, cao su, điều. Khi đó cao su đang là vàng trắng, còn tiêu cũng rất có giá, nhiều nhà sắm xe hơi, xây nhà lầu từ cao su, tiêu. Nhưng tôi đoán cao su, tiêu rồi rớt giá, vì người ta trồng quá nhiều. Phải trồng cây gì càng ít người trồng càng tốt”, ông nhớ lại.
Nghĩ vậy nhưng cũng chưa biết trồng cây gì. Cho đến một lần, ông tình cờ nghe được bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam trên radio, nói về tiềm năng, tương lai của cây mít, về loại thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây này. Ông suy ngẫm và nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thêm, năm 2005 ông quyết định chuyển gần 10ha đất trồng cà phê, xen xà cừ sang chồng mít lá bàng.
Tuy nhiên, khi ông quyết định chuyển đổi sang trồng mít thì vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ ông, bà Nguyễn Thị Huệ. Vợ con ông đều cho rằng, cao su và tiêu đang là vàng trắng vàng đen, sao phải trồng cây mít, loại cây người ta chỉ để ăn chơi, chút xíu là chán, trồng hàng loạt vậy bán cho ai?
“Tôi thấy bả làm dữ quá nên chịu thua. Nhưng nghe có một nửa thôi”, ông Chánh cười. “Nghe một nửa là sao chú?”, tôi tò mò hỏi.
Ông lại kể: “Ban đầu bà ấy làm căng lắm, không chịu trồng mít. Nên tôi “thương lượng” là vẫn trồng cao su nhưng cho tôi xen mít. Bả nói nếu mít mà không bán được cho tôi ăn trừ cơm đấy. Tôi cười gật đầu”.
Mấy năm sau, khi mít bắt đầu trĩu quả, cho thu hoạch, cũng là lúc cao su rớt giá. Mít của ông Chánh bán đắt như tôm tươi. Lúc này, bà Huệ mới đồng ý cho chặt bỏ cao su, trồng toàn bộ mít Thái lá bàng.
“Nhưng lúc đó sao chú lại chắc chắn là trồng mít sẽ thắng?”, tôi hỏi. Ông đáp: “Tôi không khẳng định 100%, mà tìm hiểu thị trường, thấy xu hướng người tiêu dùng, các loại trái cây ngày càng được người ta dùng nhiều. Riêng mít, có thể ăn tươi hoặc chế biến. Đã có những sản phẩm chế biến từ mít của Thái Lan, hay của Việt Nam như Vinamit, rất được ưa chuộng. Trong khi ở đây người ta chỉ tập trung trồng tiêu, cao su, chưa có ai trồng diện tích lớn cây mít. Nên tôi nghĩ, nếu trồng mít, sẽ có đầu ra ổn định”.
“Đầu ra sản phẩm thì sao, giá cả có ổn định không?”, tôi hỏi. “Nói chung là ổn. Khi thu hoạch rộ, thương lái họ tự đến thu mua tại vườn. Nếu bán sô (trái to nhỏ không đều) thì giá trung bình 4.000 đồng/kg, còn bán chọn lọc trái có trọng lượng từ 12kg trở lên thì giá 7.000 đồng/kg. Năm nay, ước tính sản lượng khoảng 600 tấn, lợi nhuận sau trừ chi phí thu về khoảng 2 tỷ đồng. Từ khi chuyển sang trồng mít đến nay, chưa có năm nào lỗ cả”, ông Chánh nói.
Hiện nay, nhắc đến ông giáo Chánh, người dân địa phương ví ông là “điền chủ” hay tỷ phú mít. Bởi vườn mít hơn 17ha của ông mỗi năm mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho gia đình sau khi trừ chi phí.
Theo kinh nghiệm nhiều năm gắn liền với cây mít, ông Chánh cho biết, cây mít vốn đầu tư không cao, dễ trồng và dễ chăm sóc. Bình quân 1ha trồng 300 gốc mít, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng, sau 2 năm bắt đầu cho thu hoạch. Với diện tích này, vườn mít ông Chánh chỉ cần 3 người trông coi và chăm sóc.
Điều đặc biệt hơn, ngay từ khi tập trung phát triển mô hình mít này, ông Chánh đã đi theo hướng hữu cơ, cho ra sản phẩm mít sạch. Cách chăm sóc mít của ông Chánh có sự khác biệt so với nhiều hộ dân trồng mít khác. Cũng là trồng và chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, nhưng ông chỉ sử dụng phân gà ủ hoai để bón cho mít. Phân gà được ông đặt mua từ nhiều trang trại gà trên địa bàn tỉnh.
“Vì sao chú không dùng các loại phân khác mà lại dùng phân gà?”, tôi hỏi. “Sau thời gian dài thử các loại phân, tôi nhận thấy cây mít phù hợp với phân gà. Ngoài ra, lớp cỏ dày dưới gốc cây cũng quan trọng, nó giúp giữ ẩm cho đất và tạo mùn để các vi sinh vật, côn trùng sinh sống, đảm bảo cân bằng môi trường đất”, ông lý giải.
Để kiểm soát sâu bệnh trên cây mít, ông Chánh nuôi kiến vàng trên thân cây. Theo ông, đến mùa ra hoa kiến vàng tuần tra khoảng 60 lần/phút, vì vậy các loại côn trùng, sâu bọ khó có thể ký sinh bám trên cây để gây hại. Đối với các loài sâu bệnh mà kiến vàng không thể diệt được thì ông mới tiến hành can thiệp bằng chế phẩm sinh học.
“Đây là chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên, có thể diệt sâu bệnh nhưng không ảnh hưởng đến côn trùng có ích như kiến vàng và con người. Để nuôi dưỡng kiến vàng, cứ cách 3 cây ông đều giữ lại một trái chín để nuôi kiến, đồng thời bảo vệ đàn kiến nghiêm ngặt, không để ai vào vườn lấy kiến vàng đi bán”, ông Chánh nói.
“Hiện nay trên địa bàn huyện đã có rất nhiều hộ trồng mít, nhưng ông Trần Minh Chánh là người đầu tiên ở Lộc Ninh trồng mít Thái lá bàng quy mô lớn. Đây là mô hình trồng mít điển hình về quy mô với kỹ thuật trồng, chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ sinh học từ việc tạo môi trường dinh dưỡng cho đất đến nuôi kiến vàng phòng trừ sâu bệnh… đem lại hiệu quả rất cao, mỗi năm lợi nhuận hàng tỷ đồng. Đây là một mô hình hay, được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm”, ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội nông dân huyện Lộc Ninh.
Theo Phúc Lập/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/cau-chuyen-trong-vuon-mit-cua-ong-giao-gia-d278465.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã