Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Ngày 07/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa X tiếp tục khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta”.
Thực tế các doanh nghiệp công nghiệp ở khu vực nông thôn phần lớn có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và chậm đổi mới, trình độ quản lý, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa cao, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Nhằm phát triển mạnh mẽ công nghiệp nông thôn, với mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở khu vực nông thôn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về phát triển công nghiệp nông thôn và hiện nay được thay thế bằng Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về chính sách khuyến công.
Trong những năm qua, các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã và đang được Bộ Công Thương triển khai hiệu quả, khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cụ thể:
Giai đoạn 2014 - 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) đến năm 2020 theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong 6 năm, tổng nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện là 1.826,53 tỷ đồng, trong đó kinh phí KCQG (KCQG) là 764,78 tỷ đồng (chiếm 41,87% tổng kinh phí), kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 1.061,75 tỷ (chiếm 58.13% tổng kinh phí). Tổng vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2014-2020 là gần 9.500 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Trung bình cứ 01 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được khoảng 5,2 đồng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).
Chương trình KCQG đã hỗ trợ 273 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 998 cơ sở CNNT; hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ; quản lý, điều hành sản xuất cho 14.185 học viên. Kinh phí KCQG đã hỗ trợ tổ chức thành công 21 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 12 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 03 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Theo đó, đã tôn vinh 880 sản phẩm cấp khu vực và 312 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Hỗ trợ 51 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ thành lập 186 doanh nghiệp sản xuất tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn... Hỗ trợ gần 5.700 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước. Để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn, Chương trình đã hỗ trợ 53 cụm công nghiệp (CCN) lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cho 21 địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT hoạt động tại các CCN bước đầu đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cho nhà nước hàng năm. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về hoạt động khuyến công đã được quan tâm và ngày một đa dạng các hình thức tuyên truyền như ấn phẩm báo chí, tạp chí, truyền hình, trong đó một trong những nội dung tập trung tuyên truyền là các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sự lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT...
Việc triển khai chính sách khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới. Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; đưa giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của cả nước ngày càng tăng mạnh.
Trước xu thế, bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu với những cơ hội và thách thức đan xen, để tiếp tục góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNNT, Bộ Công Thương đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025 với định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu của tình hình mới:
Thứ nhất, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của vùng miền, địa phương; gắn sản xuất với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ hai, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp; phát triển các cụm công nghiệp, góp phần phân bố công nghiệp hợp lý tại các khu vực trên cả nước. Tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thứ ba, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương. Tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông lâm thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận và tận dụng các cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã