Dây chuyền sản xuất miến đao sâm
Những năm gần đây, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn củ Hoàng Sin Cô hay còn gọi là sâm đất, loại dược liệu được người dân các xã vùng cao của huyện Bát Xát trồng. Với nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX Minh Phúc đã liên kết với các hộ dân tại xã Cốc Mỳ, Dền Thàng, Ý Tý của huyện Bát Xát trồng, chăm sóc theo quy trình đảm bảo ATTP. Để làm thành một sợi miến khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu trồng, đến thu hoạch được chọn lựa kĩ càng, đem đi rửa sạch và xay nhuyễn để lấy tinh bột đao và nước khoai sâm. Nhờ công nghệ tráng bánh bằng máy, kết hợp thủ công nên tinh bột dong riềng đỏ và nước khoai sâm được chế biến thành những sợi miến đao sâm thơm ngon, bổ dưỡng. Không giống như mì gói, được chiên qua dầu nóng làm mất hết chất dinh dưỡng, sản phẩm miến đao sâm được phơi khô mà không bị nát, vẫn giữ nguyên được các chất dinh dưỡng có trong củ dong và củ khoai sâm; vì sản xuất từ tinh bột nên miến đao sâm chứa một lượng lớn protein và tinh chất sâm cho cơ thể; là thực phẩm thích hợp cho người tiểu đường do chứa ít đường tinh bột và người muốn giảm cân.
Làm khô bánh bằng ánh nắng mặt trời giữ được hương vị tự nhiên của miến đao sâm
Với sản phẩm nông sản chính là miến đao sâm, sau 4 năm đi vào hoạt động, với số vốn đầu tư ban đầu cả tỷ đồng để mua sắm máy móc hiện đại, chuyển từ tráng miến thủ công sang sản xuất bằng máy, theo dây chuyền từ khâu lọc bột, làm chín, đến tráng bánh, cắt miến, đóng gói. Xưởng sản xuất của HTX Minh Phúc tại thị trấn Bát Xát, luôn có từ 7-10 nhân công làm việc liên tục. Dù mỗi người một khâu khác nhau nhưng được liên kết nhịp nhàng tạo thành dây chuyền sản xuất khoa học. Năm 2020 này ước tính có khoảng 12-15 tấn miến đao sâm được đưa ra thị trường, sản phẩm có nhãn mác tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Tổng thu nhập của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức lương trung bình từ 5 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Hiền chia sẻ:
Anh Lê Văn Quang - Phó Giám đốc HTX Minh Phúc cho biết: Hiện nay, sản phẩm miến đao sâm của HTX Minh Phúc đã tiếp cận được thị trường Lào Cai, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… Để nghiên cứu và phát triển nhiều mặt hàng nông sản sạch khác có nguyên liệu từ tự nhiên, trong thời gian tới Hợp tác xã Minh Phúc không chỉ dừng lại ở sản phẩm miến đao sâm mà đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản tốt cho sức khỏe phục vụ người tiêu dùng. Mục tiêu của HTX là sẽ tiếp tục nâng cấp các hoạt động sản xuất nhằm chinh phục thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu trong 2 - 3 năm tới.
Từ những thành công của thương hiệu miến đao sâm Minh Phúc, có thể khẳng định thương hiệu là chìa khóa mở ra thị trường rộng lớn, tiềm năng. Bởi vậy, xây dựng thương hiệu là cần thiết, song giữ vững thương hiệu mới là điều quan trọng. Tư tưởng ấy đã thấm nhuần từ nhà quản lý đến người sản xuất của HTX Minh Phúc để rồi họ luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tiếp tục giữ vững, khẳng định thương hiệu miến đao sâm Bát Xát trên thị trường./.
Theo Lưu Liên – A Pìn/laocai.gov.vn