Mà ngược lại, nó vẫn vận động, đi theo hướng riêng là nông nghiệp đô thị, sinh thái và bền vững. Theo chị Nguyễn Hải Yến, cán bộ chuyên quản Quỹ Khuyến nông huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) hiện đơn vị đang cho 9 hộ vay để phát triển sản xuất cũng như cơ giới hóa đồng bộ với tổng số vốn khoảng 2,5 tỉ đồng.
Hơn chục năm về trước, ông Trần Văn Dầu, người quê gốc ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội khi nhìn thấy vùng bãi bồi phù sa rộng mênh mông ven sông Đuống của xã Cổ Bi, đám chỉ trồng ngô cho hiệu quả thấp, đám lại bỏ hoang nên quyết định về đây lập nghiệp. Ông thuê 12 ha bãi theo dạng hợp đồng ký 5 năm 1 lần rồi tự bỏ tiền ra để kéo hơn 2km đường điện, đổ đá làm đường đi lối lại với ước mơ lập một trang trại cây ăn quả.
Lúc đầu trồng ông chuối nhưng do giá bán bấp bênh nên sau đó mới chuyển sang trồng cam Canh, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Đào Chuyên cùng với hơn 1 ha hoa giấy để lấy gốc ghép bán cho các nhà vườn khác. Lúc đó, đã có nhiều địa phương trồng cây có múi rồi, sản lượng tương đối nhiều, sức ép cạnh tranh trên thị trường cũng khá lớn nên ông đã chọn cho mình một lối đi khác biệt.
Sẵn lợi thế vùng bãi, cách xa khu dân cư cũng như các nhà máy, xí nghiệp, trang trại hoa quả sạch Phù Đổng của ông được trồng và chăm sóc theo chuẩn VietGAP và định hướng hữu cơ. Cụ thể là năm tiêu chí sạch gồm đất sạch, nước sạch, không khí sạch, phân bón sạch, canh tác sạch và năm tiêu chí không gồm không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng, không giống biến đổi gen.
Khi áp dụng cách làm này, cây trồng trong trang trại có thời gian sinh trưởng lâu hơn nhưng quả lại có hương vị thơm ngon tự nhiên và giàu dinh dưỡng. Nhờ thế mà hoa quả sạch Phù Đổng đã thiết lập được nhiều đại lý là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn, nhà hàng hay các trường quốc tế liên cấp tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Ngoài ra chúng còn được chủ nhân đưa đi trưng bày thường xuyên trong các lễ hội trái cây trên khắp cả nước.
Bao nhiêu năm làm nông nhưng ông Dầu tâm sự toàn dùng vốn tích góp cũng như huy động vốn của những người quen, bởi thế có lúc bị động trong kế hoạch sản xuất và kinh doanh. Vừa rồi, tình cờ ông mới biết đến Quỹ Khuyến nông của thành phố Hà Nội nên làm phương án, được duyệt cho vay 500 triệu. Nhờ vậy mà giờ đây ông có thể chủ động hơn trong việc mua dự trữ những vật tư nông nghiệp cũng như trả các chi phí cho việc thuê thường xuyên 6-7 lao động, khi thời vụ có thể lên đến 20-30 lao động.
Lúc nông sản được giá bù cho lúc xuống giá, lúc kỹ thuật chuẩn bù cho lúc chưa chuẩn, rồi loại trừ cả những thất bát do thiên tai, dịch bệnh, hiện trung bình mỗi năm trang trại của ông cũng cho thu lãi 500-700 triệu.
Diễn biến thời tiết phức tạp cộng thêm dịch bệnh Covid 19 tràn lan đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất khiến cho tình hình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân gặp khó khăn. Bởi thế Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội càng trở thành một điểm tựa cho họ và nếu được cởi mở hơn về quy mô vay, đối tượng vay, thời gian vay thì nó sẽ càng thêm hiệu quả, bền vững.
Anh Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất-Kinh doanh-Dịch vụ Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) kể lại với tôi rằng lúc chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ toàn xã sang kiểu mới, hoạt độnh theo luật năm 2012 có rất ít bà con tin tưởng, ủng hộ. Bởi thế, HTX cũ có gần 1.100 hộ xã viên thì chỉ 145 người tham gia góp vốn làm thành viên HTX kiểu mới với mức góp kiêm tốn 1 triệu/ người.
Khi HTX mới còn trong giai đoạn trứng nước nhưng những người đứng đầu đã nhận thấy một hướng đi vững chắc là phải bám vào lợi thế của xã là có vùng bãi bồi ven sông Hồng chuyên canh rau rộng trên 200 ha, sản lượng có thời điểm vài trăm tấn/ngày. Trụ sở không có, tài sản không có, thiếu vốn trầm trọng để sản xuất, kinh doanh nhưng vì không có tài sản thế chấp, 3 thành viên trong Hội đồng quản trị của HTX phải lấy “sổ đỏ” của cá nhân ra thế chấp để vay. Trong số đó có Giám đốc Nguyễn Văn Minh, vay 500 triệu từ Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội.
Anh kể: “Tôi tiếp cận với Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội được 2 lần với thời gian vay 4 năm, mỗi lần vay đều đạt mức tối đa là 500 triệu. Thủ tục vay, chúng tôi được bên khuyến nông tạo điều kiện rất thuận tiện bởi khi họ về thẩm định đã thấy có những hoạt động sản xuất, kinh doanh rất thực tế. Lợi thế của quỹ là phí quản lý thấp, lại 6 tháng mới phải nộp 1 lần trong khi lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp thì cao hơn mà còn phải nộp lãi hàng tháng.
Đợt đầu, chúng tôi vay vốn để mua các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc BVTV sinh học về phục vụ cho những thành viên trong HTX bởi các doanh nghiệp họ không chấp nhận bán chịu. Đợt hai, chúng tôi vay để phục vụ kinh doanh rau bởi các khách hàng tiêu thụ thường nợ 15-30 ngày mới thanh toán một lần mà bà con thì chỉ muốn trả tiền ngay khi xuất bán sản phẩm. Nếu không có vốn lớn thì HTX không thể đầu tư mua sản phẩm cho bà con được, không thể duy trì được hoạt động theo đề án sản xuất-kinh doanh”.
Trong quá trình vay vốn, cán bộ khuyến nông hầu như tháng nào cũng xuống HTX để kiểm tra mục đích sử dụng có minh bạch hay không. Ngoài ra còn sát sao xem những vấn đề gì về sâu bệnh hay thiên tai để giúp cho những dự tính, dự báo cũng như khuyến cáo biện pháp phòng trừ, xử lý được kịp thời. Bởi thế mà khoảng cách giữa bên cho vay vốn và bên được vay vốn ngày càng được rút ngắn lại.
Thời gian vừa rồi, dịch Covid đã khiến cho nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, công việc vận chuyển rau của HTX lại phải thêm công đoạn giấy đi đường, giấy kiểm tra, giấy luồng xanh. Rồi khi các chợ ở trung tâm Hà Nội bị phong tỏa cũng gây ra những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của HTX.
Không chịu ngồi bó gối, thụ động phụ thuộc vào thị trường thành phố, HTX đã chủ động tìm kiếm khách ở các tỉnh, tuy giá bán có giảm hơn, chi phí vận chuyển có tăng hơn nhưng vẫn tiêu thụ được sản phẩm cho các thành viên, đảm bảo công ăn việc làm trực tiếp, gián tiếp cho cả trăm hộ gia đình.
Hiện HTX Văn Đức đang làm 4 khâu dịch vụ trong đó, xác định các dịch vụ đầu vào như thủy lợi nội đồng, bảo vệ đồng ruộng, khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư chỉ lấy thu, bù chi, mang tính phục vụ cho cộng đồng, còn lợi nhuận chính là việc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Nhờ đó, mỗi năm HTX đã tiêu thụ được 2-3.000 tấn rau, lợi nhuận ngoài phân bổ vào vốn tái sản xuất, vốn dự phòng, còn chia lãi trên vốn góp cho các thành viên ở mức 15%.
Quỹ Khuyến nông là một “đặc sản” riêng của TP. Hà Nội mà các tỉnh, thành khác không hề có. Nó được lập ra với mục đích cho vay không vì mục đích lợi nhuận và với mức thu phí quản lý quỹ thấp nên tạo điều kiện thuận lợi để cho nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn Thủ Đô được vay vốn và mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, quỹ cho vay không quá 500 triệu đồng/1 dự án, vốn vay được sử dụng chủ yếu để mua giống, vật tư kỹ thuật. Việc thẩm định dự án vay vốn quỹ được thực hiện qua 2 bước: thẩm định cấp cơ sở ở dưới huyện và thẩm định cấp Thành phố.
Theo Đinh Thanh Huyền/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/chuyen-quy-khuyen-nong-o-mot-huyen-chuan-bi-len-quan-d304995.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã