Hiến đất mở đường
Con đường bê tông lên Khau Mút như dải lụa uốn lượn trên những sườn núi xanh mướt cây rừng. Đồng chí Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình cho biết, khi làm con đường này sẽ đi qua đất lâm nghiệp của 64 hộ dân thuộc 2 thôn Bản Phú và Bản Pước với gần 20.000 m2 đất. Để con đường sớm được thi công phải có sự tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình của người dân, bởi kinh phí hỗ trợ của Nhà nước không nhiều.
Từ trên núi có thể ngắm nhìn toàn cảnh xã Thổ Bình (Lâm Bình).
|
Xã đã tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rằng chính mình trực tiếp được hưởng lợi. Từ đó, tạo sự đồng thuận, các hộ dân tự nguyện hiến đất thi công con đường. Nổi bật là gia đình ông Ma Nhân Ra, thôn Bản Pước, dù hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng khi xã vận động, ông đã hiến hơn 1.000 m2 đất, chặt bỏ hàng trăm cây bồ đề đã 4 năm tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công con đường. Ông Ra chia sẻ: “Biết đất là tấc đất là tấc vàng, nhưng tôi nghĩ mình phải đóng góp để xây dựng quê hương phát triển hơn. Vậy nên, tôi không còn đắn đo gì nữa”. Không chỉ hộ ông Ra mà nhiều hộ dân khác cũng đã đồng thuận phá bỏ các công trình trên đất để mở rộng con đường.
Giấc mơ có thật
Thời điểm này đã bước vào vụ thu hoạch chè rộ. 11 giờ trưa, những chiếc xe máy chở những bao tải chè to nối đuôi nhau đổ về xưởng chế biến của HTX Đồng Tiến. Mở bao chè ra kiểm tra, ông Phượng Quý Chu, Giám đốc HTX Đồng Tiến nói với chúng tôi: “Chè cổ thụ đấy các chú ạ, người dân vừa chở từ trên núi Khau Mút về. Đấy, chè còn tươi nguyên thế này mới được nước”. Rót chén chè mời khách, ông Chu rôm rả, nước chè xanh, bắt mắt thế này mới được chứ. Theo ông Chu chất lượng sản phẩm chè ngày càng được cải thiện cũng là nhờ con đường lên vùng chè được đầu tư bê tông hóa.
Anh Phùng Thừa Kim, thôn Bản Phú, thành viên HTX Đồng Tiến cho biết, gia đình anh có 5 ha chè, trong đó có 1 ha chè cổ thụ còn lại là 4 ha chè được trồng từ năm 2008. Trước đây, chưa có đường bê tông, gia đình phải dậy từ sớm đi bộ theo đường mòn mất khoảng 3 tiếng thì đến được vùng chè cổ thụ, mỗi người cũng chỉ hái được từ 8 - 10kg chè, hái chè xong về đến nhà cũng 2 - 3 giờ chiều. Do di chuyển quãng đường xa, về đến nhà thì chè cũng đã héo quắt, chất lượng không được đảm bảo, vì thế mà chấp nhận bán giảm đi vài giá. Từ khi được đầu tư con đường từ thôn Bản Pước lên núi Khau Mút, xe máy lên đến vùng chè rồi, chè sau khi thu hái chỉ mất 20 phút để vận chuyển về xưởng chế biến, chè còn tươi nguyên, giá thành ổn định.
Đơn vị thi công đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng của con đường lên vùng chè Shan Khau Mút, xã Thổ Bình (Lâm Bình). |
Ông Lý Tiến Minh, thôn Tân Lập năm nay đã 70 tuổi kể, ông sinh ra trên núi Phia Chẩu, cây chè gắn bó cả tuổi thơ ông. Cuộc sống trên núi cao, cách biệt, đường xá đi lại khó khăn nên đến năm 1966 cả bản gần 10 nóc nhà được Nhà nước khuyến khích hạ sơn từ đỉnh núi Kéo Tấu, Kéo Ca, Phia Chẩu về các thôn trung tâm xã xây dựng cuộc sống mới. Ông Minh bảo, chả bao giờ ông nghĩ có ngày ô tô, xe máy lại có thể lên được dãy núi cao kia để thu hái chè búp về. Nhưng điều đó đã thành hiện thực.
Năm 2013, chè Shan Khau Mút được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa và được chứng nhận nhãn hiệu năm 2017. Hiện xã Thổ Bình có trên 240 ha chè Shan. Chè trồng chủ yếu trên núi cao thuộc địa phận thôn Bản Pước, Bản Phú với khoảng 40 hộ tham gia trồng. Trong đó có 50 ha chè cổ thụ, diện tích còn lại được trồng năm 2008 từ chương trình hỗ trợ người dân trồng rừng phòng hộ của tỉnh. Cây chè hầu như không được chăm sóc, chăm bón bất cứ loại phân hóa học nào, sản phẩm chè sạch được thị trường ưa chuộng. Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình 30a, vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác, UBND huyện Lâm Bình đã đầu tư xây dựng đường lên khu sản xuất chè Khau Mút dài hơn 3,3 km, mặt đường rộng 4m, có hệ thống rãnh thoát nước, cọc tiêu, biển báo, bãi để xe… Đến nay, con đường đã hoàn thành 95% khối lượng, đơn vị thi công đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để bàn giao cho xã.
Chúng tôi mỗi người chiếc xe máy phóng lên đỉnh núi Khau Mút, đi trên con đường bê tông len lỏi qua những đồi cọ, xuyên qua những vách đá dựng đứng. Sau 20 phút chúng tôi đến được Khau Mút với bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Đồng chí Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình cho biết, xây dựng con đường này hướng tới hai mục đích, vừa thúc đẩy sản xuất hàng hóa, vừa tạo tiền đề để xã phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
Bài, ảnh: Cao Huy/Báo Tuyên Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã