Là vựa rau lớn cung cấp cho TP. Hà Nội, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) hiện có khoảng 200 ha diện tích trồng rau củ quả các loại từ củ cải, cải ngồng, cải ngọt, cải bẹ Đông Dư, rau muống, cà chua… Với 20 ha diện tích trồng rau ăn lá, mỗi ngày xã Tráng Việt cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 10 – 15 tấn rau.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, nông dân trồng rau tại đây hiện vừa thực hiện giãn cách xã hội, nhưng vẫn đảm bảo được công tác tổ chức sản xuất theo quy định "5K" của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, công tác lưu thông vận chuyển vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất cũng như vận chuyển sản phẩm đầu ra tới các chợ đầu mối, các siêu thị và hệ thống phân phối đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, đơn vị này đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội vừa tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất.
“Để đảm bảo nguồn cung ứng, thực hiện tự cung tự cấp rau xanh trên địa bàn Thành phố khi dịch bệnh có diễn biến xấu hơn, bên cạnh việc lên phương án ứng phó khi khâu lưu thông, tiêu thụ gặp khó khăn, Hà Nội cũng khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích sản xuất các loại rau ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu tại chỗ của người dân Thủ đô”, ông Nguyễn Mạnh Phương cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tình hình sản xuất chăn nuôi của TP. Hà Nội hiện nay đang gặp những khó khăn lớn, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bị suy giảm mạnh do các trường học, các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể... phải tạm dừng hoạt động.
Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Sở NN-PTNT Hà Nội đã chỉ đạo toàn hệ thống ngành chăn nuôi - thú y đảm bảo duy trì hoạt động, không được để bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm, tránh làm đứt gãy nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân.
"Thời gian qua, Hà Nội có 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N8, lực lượng chức năng đã ngay lập tức được tiêu hủy khi có kết quả dương tính. Sau khi tiêu tủy, Chi cục đã đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ người nông dân tái sản xuất. Bên cạnh đó, Chi cục đã tổng tẩy uế toàn bộ khi vực xã có ổ dịch, tổ chức tiêm phòng bao vây, thắt chặt kiểm soát vận chuyển", ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Trong thời gian tới đây, TP. Hà Nội sẽ tổ chức tiêm phòng đại trà cho các bệnh cúm gia cầm, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tai xanh…
TP. Hà Nội đã xây dựng phương án sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND để phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác, kết nối các sản phẩm nông sản từ các tỉnh thành phía Bắc, trọng tâm là 21 tỉnh thành đã xây dựng 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho Thủ đô. Đồng thời phối hợp tiêu thụ rau, củ quả với 8 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La.
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/dam-bao-nguon-cung-thuc-pham-cho-thu-do-d298873.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã