Những ngày qua, thương lái thu mua dưa hấu đã đi về vùng trồng dưa ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) để dạo mua dưa tại ruộng với giá 7.000đ/kg, những người trồng dưa hấu ở đây giải tỏa được nỗi lo lắng về đầu ra khi thời điểm thu hoạch đã cận kề.
Anh Nguyễn Văn Nhựt (SN 1970) ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), người chuyên lên Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu kể: “Năm trước tôi lên Gia Lai thuê 1ha để đất trồng dưa hấu. Vụ dưa ấy tôi thu hoạch vào mùng 10 tháng Chạp âm lịch, bán chỉ có 4.500đ/kg.
Trong khi trước đó 20 ngày, vào khoảng 20 tháng 11 âm lịch, những người có ruộng dưa thu hoạch sớm hơn tôi bán được đến 9.000đ-10.000đ/kg. Bán dưa xong mà lòng tôi cứ thấy tiếc vì thời điểm mình thu hoạch thì dưa bị tuột giá. Không ngờ những người thu hoạch sau tôi chỉ bán được 1.000đ/kg mà chẳng có ai mua, bởi lúc ấy dịch Covid-19 mới bùng phát tại Gia Lai nên bị tắt đường vận chuyển, thương lái chẳng thèm ngó ngàng đến dưa hấu”.
Xong vụ dưa ở Gia Lai, anh Nhựt về quê ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) thuê 1,5ha đất tại xã Vĩnh Thuận trồng dưa hấu vụ Đông Xuân 2020-2021. Vụ này anh Nhựt xuống giống vào mùng 2 tháng Chạp âm lịch, hiện còn hơn 10 ngày nữa là cho thu hoạch. Vụ dưa Đông Xuân thời tiết thuận lợi, trời mưa đều, nên năng suất dưa cho khá, ước đạt 2 tấn/sào (500m2).
Theo anh Nhựt, với giá 7.000đ/kg mua tại ruộng như thương lái đang cho giá hiện nay thì người trồng dưa có lãi khá.
“Trồng dưa tại quê nhà thì mức đầu tư cũng như trồng trên Gia Lai. Chi phí các khoản từ phân bón đến thuốc BVTV, bơm nước tưới dưa suốt cả vụ 70 ngày, chủ nhà vườn tốn khoảng 6 triệu đồng/sào. Công chăm sóc suốt vụ và công thu hoạch mất khoảng 4 triệu đồng/sào nữa, tổng cộng chi phí là 10 triệu đồng/sào.
Với giá bán tại ruộng hiện nay là 7.000đ/kg, mỗi sào thu hoạch được 2 tấn, bán được 14 triệu đồng. Sau khi trừ tất tần tật chi phí, tôi chắc mẩm còn lãi ròng 4 triệu đồng/sào. Với 1,5ha dưa vụ Đông Xuân này, tôi cầm chắc khoản lãi ròng 60 triệu đồng”, anh Nhựt tính toán.
Theo cho biết của những nông dân Bình Định chuyên du canh lên Tây Nguyên thuê đất trồng dưa hấu, thì trồng dưa tại Bình Định có chi phí thấp hơn trồng ở Gia Lai, nhờ chi phí công lao động thấp. Nếu ở Gia Lai giá phải trả cho 1 công lao động là 200.000đ/người/ngày mà chủ nhà vườn còn phải bao cơm, thì ở Bình Định giá chỉ có 150.000đ-160.000đ/người/ngày nhưng chủ nhà vườn không phải bao cơm. Nhờ đó trồng dưa hấu ở Bình Định chủ nhà vườn có lãi hơn trồng ở Gia Lai.
Ở Bình Định, dưa hấu là loại cây trồng không có trong quy hoạch, không được khuyến khích trồng vì đầu ra không ổn định. Diện tích dưa hấu trồng ở đây hầu hết là do nông dân trồng tự phát, nên nó được xếp chung vào chủng loại “rau dưa các loại”, không tách riêng ra, nên khó tính được diện tích đông đặc. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, diện tích dưa hấu trồng trên địa bàn tỉnh này hàng năm có đến hàng ngàn ha.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, dưa hấu trồng ở Bình Định không chất lượng bằng dưa trồng ở miền Nam nên không tiêu thụ được tại thị trường nội địa, đầu ra chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc, nên giá cả bấp bênh. Mỗi khi thị trường Trung Quốc “ẩm ương” hoặc đường vận chuyển bị trở ngại là lập tức dưa hấu “đại hạ giá”.
“Do nông dân Bình Định trồng dưa theo kiểu “ăn xổi”, mong nhanh thu hoạch và đạt năng suất cao. Do đó, trong quá trình cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển, người trồng cho dưa “ăn” phân bón hóa học và thuốc kích thích quá trớn. Đất bị áp lực quá cỡ nên bị phá vỡ độ bền vững, phát sinh nhiều sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết dây.
Trong khi đó, nông dân miền Nam trồng dưa hấu đúng quy trình, không tạo áp lực cho cây dưa và đất; lại đầu tư nhiều phân cá, phân hữu cơ, nên đất không bị suy thoái, thêm vào đó chất lượng quả lại rất ngon. Nhờ đó, dưa miền Nam không phải lệ thuộc thị trường Trung Quốc, chỉ với thị trường nội địa thôi đã tiêu thụ thoải mái”, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp ở Bình Định phân tích.
Nguồn tin: Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã