Nhà vườn thất thu
Tại Hà Nội, người trồng đào, hoa đã bị ảnh hưởng nặng vì khâu vận chuyển đi tiêu thụ gặp khó, giá bán thấp, lượng người mua giảm khiến nhiều nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sâm, người trồng đào ở phường Phú Thượng (Tây Hồ) cho biết, năm nay gia đình có 40 gốc đào cho thuê. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu và giá thuê giảm nhiều. Cây to giảm tới 30%, ví dụ, trước đây cho thuê 10 triệu đồng/cây thì nay còn 7 triệu đồng.
“Trồng đào chủ yếu lấy công làm lãi, vườn nhà tôi hai người làm cả năm, nếu làm tốt, giá ổn định mỗi công được 8-10 triệu đồng/tháng, nếu không chỉ đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, tôi cho thuê trước 2 ngày khi có dịch nên tiền công được 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Sâm cho biết. Ông Sâm là hộ may mắn vì đã tiêu thụ hết hàng trước khi dịch bùng phát.
Anh Hải, nhà vườn trồng đào ở phường Nhật Tân (Tây Hồ) cho biết, gia đình có gần 80 cây cho thuê nhưng không được giá, năm ngoái cho thuê 20 triệu đồng/cây thì năm nay còn 12-15 triệu đồng/cây. Thông thường, ngày mùng 10 tháng Chạp, các công ty, doanh nghiệp đã đến xem, đặt thuê; dịp Tết này, người đến thuê, người mua cũng ít hơn.
Bác Nguyễn Văn Thuần, ở làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, năm trước hoa cúc bán 3.000 đồng/bông, năm nay, chưa được 1.000 đồng/bông. Với giá này, mỗi sào lỗ khoảng 15 triệu đồng. Nhà có gần 3 sào (mỗi sào khoảng 2 vạn bông) cúc bán vào Tết nhưng hiện vẫn còn 1 vạn bông chờ phá bỏ vì giá quá thấp.
Cô Hằng tin tưởng dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi, sản xuất sẽ hồi phục, giá nhiều mặt hàng sẽ cao trở lại.
Không chỉ hoa cúc, hoa ly cũng giảm giá liên tục. Cô Hằng, ở làng hoa Tây Tựu tâm sự, nhà vườn trồng hoa năm nay trượt Tết nhiều. Hoa ly chỉ bán được 20.000 - 300.000 đồng/cành, ra Tết giảm xuống còn 10.000 đồng/cành.
Tái sản xuất sau Tết
Mặc dù giá thuê đào, bán hoa có thấp hơn so với các năm trước, chi phí đầu tư nhiều hơn, nhưng sau Tết, nhà vườn đã chủ động tái sản xuất vì đây là “nghề truyền thống” của cha ông để lại. Ông Sâm nhẩm tính, nhận đào về trồng lại, mua 600.000 đồng/xe đất trồng được 3 cây, trồng hết 1 công chi phí khoảng 600.000 đồng. Dự kiến cả vườn phải mua 30 xe đất hết 18 triệu đồng, và 12 triệu tiền công, vị chi hết 30 triệu đồng. Hiện, gia đình đã thu, trồng lại xong cách đây mấy ngày.
Theo ông Sâm, quá trình chăm sóc cây đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đặc biệt, để hoa ra đúng vào dịp Tết, nhà vườn phải nuôi cây ngay từ tháng 6 âm lịch. Cùng với đó, người trồng chăm sóc sao cây không bị sâu bệnh tấn công; đến tháng 8 phải hoạn cây ( thiến đào), tháng 9 phải đốn, rồi tuốt lá…
Anh Hải, nhà vườn ở làng đào Nhật Tân, cho biết, đào bán được giá hay không vẫn phải thu về trồng lại, vì nó đã trở thành làng nghề. Để cây khoẻ khi trồng lại, trước khi đưa lên chậu khoảng 1 tháng đã phải đốn đào, lúc cho thuê phải hướng dẫn khách lượng nước tưới để tránh đào bị thối rễ dẫn tới chết do tưới nhiều. Gia đình đã thu trồng lại xong từ ngày 20 tháng Giêng.
Liên quan tới việc tái sản xuất, cô Hằng, ở làng hoa Tây Tựu, tâm sự, giá hoa đắt hay rẻ thì gia đình vẫn trồng gối vụ với các trà hoa đã thu hoạch. Dự kiến tới đây cô sẽ xuống giống mấy sào hoa cúc. Hy vọng những vụ hoa sau giá bán sẽ cao hơn.
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến giá bán hoa, đào và nhiều mặt hàng nông sản khác, làm giảm nguồn thu của người trồng. Tuy nhiên, các nhà vườn vẫn chủ động tái sản xuất vụ mới, với niền tin sẽ thắng lợi cả trong sản xuất lẫn phòng chống dịch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã