Mặt khác, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân. Phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, vẽ bích họa trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Người dân ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm; giúp đỡ lực lượng Công an trong công tác phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự, trong đó nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm tội phạm ở cơ sở.
Cùng với đó, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình” đã thực sự trở thành phong trào ý nghĩa, mang tính nhân văn và có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Đặc biệt, một số địa phương cán bộ cùng người dân kiên trì, bền bỉ, tổ chức họp, tuyên truyền, phổ biến, vận động để người dân được bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm. Những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được Nhân dân đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch và phát huy tính chủ thể của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động của một số địa phương, đoàn thể chưa sâu rộng, chưa thường xuyên và kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, thiếu thuyết phục. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều địa phương chưa quyết liệt, nhiều nơi nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến tiêu chí phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn. Môi trường nông thôn đang còn là vấn đề bức xúc, các địa phương đang thiếu bãi chứa rác, phương tiện xử lý thu gom rác, nước thải; kiến thức về xử lý rác thải, vệ sinh môi trường còn hạn chế… Tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm để xây dựng NTM còn hạn chế; khả năng đóng góp và huy động nguồn lực ở một số thôn, bản vùng cao, vùng xa trong xây dựng NTM còn gặp rất nhiều khó khăn...
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có tối thiểu 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 87% xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM (112 xã); 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao (khoảng 39 xã); 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (khoảng 13 xã); không còn xã dưới 10 tiêu chí và 80% thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM theo tiêu chí công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế đảm bảo đồng bộ, liên thông và thích ứng với biến đổi khí hậu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các cấp, ngành và địa phương tiếp tục phát động, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng NTM; đa dạng hóa hình thức, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm đưa xây dựng NTM trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Các ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá mức độ đạt được của các tiêu chí đối với xã mới sát nhập; kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chí do ngành mình phụ trách; tiếp tục chỉ đạo rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 nhằm phấn đấu thực hiện theo đúng lộ trình đề ra; chủ động bắt tay vào xây dựng Chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, sát với điều kiện thực tiễn; chủ động nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là đối với các xã miền núi, khó khăn để sớm tiệm cận với quy định đạt chuẩn tiêu chí NTM hiện hành; lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, thống nhất cơ chế triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Trong xây dựng NTM sau năm 2020, toàn tỉnh phát huy vài trò chính quyền cấp huyện trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết nối với nông thôn và đô thị, các chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân, công tác bảo vệ môi trường; tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (Vietgap, Globalgap) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Các địa phương tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản, thế mạnh theo chu trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, trong đó tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Các ngành, địa phương tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn theo hướng đáp ứng yêu cầu, đi sâu vào chất lượng và bền vững; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương tăng cường thực hiện có hiệu quả giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; tiếp tục giữ vững và củng cố bộ máy triển khai thực hiện Chương trình theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, nghiên cứu đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả tham mưu. Mặt khác, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng NTM mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí quy định hiện hành, đồng thời xác định nội dung, giải pháp thực hiện, đảm bảo giữ vững và đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí trong tình hình mới đối với đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; duy trì, giữ chuẩn, nâng chuẩn, xây dựng kế hoạch phấn đấu xã đạt chuẩn NTK nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với các xã đã đạt chuẩn.
Các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2020 và các năm tiếp theo khẩn trương xây dựng lộ trình, khái toán kinh phí; tập trung triển khai công trình, phần việc liên quan đến tiêu chí chưa đạt; huy động mạnh mẽ sự tham gia của người dân, phối hợp chặt chẽ với sở, ngành được phân công chỉ đạo để triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với hạng mục có khối lượng công việc lớn, thời gian thi công dài cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện... Ngoài ra, toàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.
Theo Mai Anh/quangbinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã