Trong ý niệm của đa số người nhà quê, phàm những nơi được gọi là phường, quận thì mặc nhiên không còn canh tác nông nghiệp nữa, chỉ có dịch vụ thương mại, du lịch, hoặc tiểu thủ công nghiệp. Nhưng tôi đã phải thay đổi cách nghĩ ấy, kể từ khi bất ngờ được mục sở thị cánh đồng bạt ngàn ổi VietGAP của phường Cự Khối, quận Long Biên - Hà Nội, rộng tới hơn 100ha, cây nào quả cũng sai trĩu trịt và phảng phất hương thơm quyến rũ.
Chị Đinh Thị Khuyến - Tổ trưởng tổ dân phố 2 (Cự Khối) tiết lộ: Phường vẫn duy trì được sản xuất nông nghiệp là nhờ chính quyền thành phố, rất coi trọng hỗ trợ những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả cùng vào cuộc giúp chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, giá trị gia tăng cao. Các thương lái bao tiêu kịp thời mọi nông sản làm ra trên địa bàn. Nhà nông biết khai thác sự ủng hộ của các bên liên quan, để nỗ lực nhân rộng mô hình sản xuất...
Theo đó, vựa ổi VietGAP phường Cự Khối đã từng bước hình thành và phát triển trù phú, được người tiêu dùng và du khách thập phương biết đến. Phần lớn sản lượng ổi được thương lái tiêu thụ tại thị trường các tỉnh phía nam, số còn lại bán trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và địa phương lân cận.
Chị Khuyến còn cho biết thêm: Cách nay ngoài 20 năm, cánh đồng này còn là vùng bãi lầy lội, đi lại khó khăn, mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ ngô, nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ khi thủy điện sông Đà đi vào hoạt động, đã giúp các khu vực bãi bồi ven sông Hồng thoát cảnh ngập lụt vào mùa mưa lũ, tạo điều kiện để các địa phương, trong đó có Cự Khối chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng nhanh thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Có thể nói, nhờ trồng ổi mà hầu hết các hộ trên địa bàn Cự Khối đều trở lên khá giả. Hộ ông Hoàng Minh Đức (tổ dân phố 1) mỗi năm đã thu được 400 triệu đồng từ thâm canh 400 gốc ổi, sau khấu trừ chi phí vật tư sản xuất và thuê mướn thêm công lao động, còn “bỏ ống” 250 triệu đồng. Hộ ông Đinh Văn Đán (tổ dân phố 2) chỉ trồng 8 sào ổi cũng cho thu nhập quân bình 10 triệu đồng/tháng.
Vào thăm cánh đồng ổi VietGAP của phường Cự Khối, từ xa hàng trăm mét chúng tôi đã thấy nổi bật trên nền xanh của các vườn cây ăn trái, là hai tấm biển ghi rõ từng loại thuốc bảo vệ thực vật, không nằm trong danh mục nhà nước cho phép sử dụng trên rau quả an toàn, bao gồm cả những loại thuốc hạn chế sử dụng. Tấm biển còn lại ghi mức xử phạt từ 200.000-5000.000 đồng, đối với những vi phạm qui định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tùy theo mức độ.
Sau một hồi dạo quanh các xứ đồng của địa phương, anh bạn cùng đoàn vốn rất kiệm lời, cũng phải tấm tắc lên tiếng: Thủ đô có khác! VietGAP ra VietGAP. Đồng ruộng không một vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật hay túi nilon vứt bỏ tùy tiện. Cây quả được cắt tỉa đúng kỹ thuật, phát triển cân đối, không có cành tăm, cành khô, cành già cỗi hay cành sâu bệnh. Góc vườn nào cũng đặt thùng gom rác, có nắp che đậy cẩn thận.
Anh Hoàng Văn Long (Tổ trưởng tổ VietGAP phường Cự Khối) cho biết: Mô hình VietGAP này được thực hiện từ năm 2010 đến nay. Hoạt động chủ yếu theo hình thức tự quản – tự giác chấp hành và tự kiểm tra chéo. Hàng năm ngành nông nghiệp thành phố đến lấy mẫu đất, nước và ổi quả, gửi đi phân tích đánh giá, đảm bảo đúng qui định về vùng sản xuất rau quả an toàn, mới tiếp tục được canh tác và khai thác sản phẩm cung ứng ra thị trường. Các hộ trồng ổi cũng được tập huấn VietGAP trên rau quả mỗi năm 2-3 lần, được hỗ trợ bao gói sản phẩm, biểu tượng logo và tem nhãn truy xuất xứ hàng hóa.
Theo anh Long, tại thời điểm, chưa có cây trồng nào có thể thay thế được cây ổi ở đồng đất này. Vi ổi là cây dễ trồng, tốn ít công lao động, nhanh cho thu hoạch, hiệu quả sản xuất cao. Canh tác 1 sào ổi sẽ cho thu 2 tấn quả, trị giá 20 triệu đồng, lợi nhuận 15-17 triệu đồng, 1 lao động duy trì sản xuất 5 sào ổi vẫn được coi là nhàn nhã.
“Ổi Cự Khối có dạng quả hình cầu, khi chín chuyển màu xanh sáng trắng, vỏ sần, ruột trắng, cùi dày ít hạt, ăn giòn, ngọt và thơm, giống cho quả quanh năm, trọng lượng bình quân 70-80g/quả”, anh Hoàng Văn Long - Tổ trưởng tổ VietGAP phường Cự Khối cho hay./.
Nguồn tin: Hải Tiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã