Ông Phạm Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương cho biết, tích tụ đất đai trở thành chìa khóa để phát triển nông nghiệp hàng hóa, từng bước thay đổi tư duy, ý thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Lực, Thọ Xương là xã miền núi, có trên 60% là đồng bào công giáo với 2 nhà thờ và một nhà dòng mến thánh giá, 7 giáo họ, 6/9 thôn có đồng bào công giáo. Xưa nay, lương, giáo ở Thọ Xương luôn đoàn kết một lòng phát triển kinh tế. Năm 2013, Thọ Xương trở thành một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Thọ Xuân.
Tước đây, mỗi hộ dân ở Thọ Xương sở hữu 4-5 thửa ruộng, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng gần như không thể. Từ khi dồn điển đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1-2 mảnh ruộng, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, thủy lợi thuận tiện, cộng cơ giới hóa trong nông nghiệp đã giúp những vụ mùa bội thu, rút ngắn thời gian sản xuất lẫn thu hoạch.
Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp lớn, nông nghiệp hàng hóa cần những thửa ruộng lớn hàng ha, cần những ông chủ đất lớn, vừa có tiềm lực canh tác sản xuất vừa say mê với ruộng đồng. Đó là nhu cầu bức thiết, khách quan, tất yếu của việc tích tụ đất đai với quy mô lớn.
Những năm trước, ngoài diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64, xã Thọ Xương còn một ít diện tích đất 5%. Diện tích này, sau khi trưng cầu ý kiến của nhân dân, UBND xã Thọ Xương đã đem chia đều cho tất cả các hộ dân có nhu cầu. Vì vậy, mỗi gia đình được vài trăm mét vuông, chỉ đủ để trồng các loại hoa màu tự cung tự cấp hàng năm chứ không thể sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Trăn trở của lãnh đạo xã Thọ Xương về phát triển kinh tế, duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tưởng chừng rơi vào bế tắc, không lời giải.
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tích tụ đất đai hướng tới sản xuất nông nghiệp lớn, UBND xã Thọ Xương đã đưa vấn đề ra bàn bạc công khai trước toàn thể nhân dân. Qua nhiều cuộc họp, người dân vẫn giữ quan điểm phải chia đều đất 5% cho các hộ dân có nhu cầu canh tác.
Chủ trương tích tụ đất đai hoàn toàn đúng đắn nhưng nếu không thuyết phục được nhân dân việc thực hiện chủ trương cũng chỉ nằm trên giấy. Tích tụ đất đai, hơn ai hết cần phải có được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Sau nhiều cuộc họp thường vụ, các thành phần chủ chốt từ xã đến thôn, Đảng ủy, UBND xã Thọ Xương đưa vấn đề bàn với các linh mục trên địa bàn. Lúc đầu, cũng với lối tưu duy cũ, các linh mục vẫn cho rằng, đất đai là tài sản chung, mọi giáo dân, công dân đều được chia công bằng như nhau. Nhưng khi đã thấm nhuần chủ trương, câu chuyện về tích tụ đất đai được các linh mục đem ra bàn với giáo dân, bàn mãi, bàn mãi rồi giáo dân cũng đồng thuận.
Tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân và giáo dân, chỉ trong một thời gian ngắn, UBND xã Thọ Xương đã thu hồi một phần diện tích đất 5% và đưa ra đấu thầu công khai. Chỉ sau gần 2 năm, toàn xã đã giao được gần 20ha đất 5% cho 7 hộ dân. Các hộ nhận đất ngay sau đó đã lên kế hoạch phát triển kinh tế trang trại. Nhiều hộ giáo dân nay đã bắt đầu có sản phẩm trên chính trang trại của mình.
Dẫn chúng tôi đi thăm Vùng Bãi Đá và Khu Giữa xanh mướt cây ăn quả đã được gia đình bỏ vốn đầu tư mấy năm nay, Giáo dân Nguyễn Văn Tư thuộc Giáo xứ Mục Sơn, giáo họ Thủ Chinh cho biết, trước đây, vùng đất này trồng cây hàng năm như ngô, đậu, lạc. Do đất pha cát, nóng, lại thiếu nước tưới nên hiệu quả kinh tế từ cây hàng năm không cao.
Thực hiện chủ trương tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp lớn, năm 2020, gia đình ông Tư tiếp tục nhận khoán 1ha đất 5% ở vùng bãi giữa để trồng ổi, bưởi. Đến nay, mô hình phát triển tốt, chỉ 1-2 năm nữa sẽ cho thu nhập khá. Đàn lợn rừng của gia đình ông mỗi năm bán con giống cũng thu về trên dưới 50 triệu đồng. Sau một thời gian chuyển đổi, diện tích trên cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, mỗi năm gia đình ông đều thu về trên dưới 200 triệu đồng.
Ông Tư cho hay, để có được 2ha đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi lợn, ông đã phải thuyết phục rất nhiều hộ hộ dân được chia đất. UBND xã thực hiện chính sách tích tụ đất đai đã tạo điều kiện cho gia đình ông đầu tư phát triển kinh tế, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích.
“Nếu chia nhỏ diện tích này ra cho hàng trăm hộ dân cùng lắm cũng chỉ trồng ngô, đậu, lạc giải quyết được nhu cầu nhỏ trước mắt. Tích tụ đất đai để làm ăn lớn mới mong có được hiệu quả kinh tế cao. Cũng giống như gia đình tôi, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn nhận đất, đầu tư phát triển kinh tế. Tất cả đều mong Nhà nước có chính sách giao đất lâu dài để chúng tôi yên tâm đầu tư”, ông Tư chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giáo xứ Mục Sơn, thuộc Giáo họ Thủ Chinh cũng vừa nhận thêm 1,5ha đất 5% của xã để trồng cây ăn quả lâu năm, xen dứa và nuôi lợn. Ông Tâm cho rằng, tích tụ đất đai là một chính sách lớn, phù hợp với nguyện vọng phát triển kinh tế của người dân địa phương.
“Đã qua rồi cái thời mỗi hộ chỉ được nhận vài trăm mét vuông đất canh tác trồng cây hàng năm. Bây giờ các giáo dân tại Thọ Xuân đều nhận ra lợi ích của tích tụ đất đai, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Những hộ không nhận khoán diện tích đất này sẽ tập trung canh tác trên diện tích đất 64 và chuyển đổi sang làm ngành nghề phụ”, ông Tâm cho hay.
Ông Phạm Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương cho biết thêm, nhờ chính sách tích tụ đất đai, phát triển kinh tế, đế nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,2%. Năm 2021, Thọ Xương phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao. Kinh tế địa phương phát triển là điều kiện thuận lợi tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp xã tiếp tục huy động tối đa nguồn lực nâng cao đời sống người dân.
“Có được kết quả tích tụ đất đai trên có công rất lớn nhờ các linh mục đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Giai đoạn 2020 -2025 chúng tôi được giao nhiệm vụ tích tụ 25ha đất nông nghiệp để hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, toàn xã đã tích tụ được gần 20ha và chắc chắn sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra." Ông Phạm Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương.
Theo Võ Dũng - Việt Khánh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/giao-xu-doi-thay-nho-tich-tu-dat-dai-d293574.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã