Dẫn chúng tôi ra thăm vườn măng tây xanh rộng 3.600m2 là lão nông Lò Văn Du. Mặc dù, năm nay đã 60 tuổi nhưng nom ông Du vẫn rất khoẻ. Ông có dáng người đậm, làn da sậm màu, đôi bàn tay gân guốc, chai sạn – minh chứng cho những năm tháng gắn bó với đất với rừng để mưu sinh.
Ông Du kể: Thời trẻ làm nương ngô, nương sắn nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Giờ già rồi mới bắt tay vào trồng măng tây xanh để thoả mãn khát vọng làm giàu bấy lâu nay.
Cuối tháng 4 năm 2020, nhận thấy mảnh đất của cộng đồng bản Nà Khá để hoang, cỏ mọc um tùm, rất xót xa nên ông Du đã mạnh dạn nhận thầu để trồng măng tây xanh.
Để có giống măng tây xanh đảm bảo chất lượng tốt nhất, ông Du tìm đến một hợp tác xã trồng măng tây xanh trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) - nơi cách bản Nà Khá, xã Dồm Cang gần 200km.
Bật mí kỹ thuật trồng măng tây xanh, ông Du chia sẻ: Để trồng được măng tây xanh, khâu đầu tiên là phải cải tạo làm sao cho đất thịt nhẹ, tơi xốp. Lên luống và cho thêm vôi bột trộn lẫn với đất để tiêu diệt các mầm bệnh; bón lót một lượng phân chuồng ủ hoai mục. Sau đó, tiến hành trồng măng tây xanh theo kỹ thuật hố sâu 25cm, rộng 50cm, cây cách cây 70cm, hàng cách hàng trên 1m.
Sau khi trồng cây giống măng tây xanh xong, phủ thêm một lớp đất mặt cho những gốc măng tây xanh vừa trồng và tiến hành tưới nước hàng ngày để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại mọc. \
Khoảng 15 ngày sau khi trồng, tiến hành bón phân chuồng ủ hoai mục cho cây. Ngoài ra, cần tưới nước đầy đủ cho cây ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng.
Ông Du lưu ý, chỉ tưới nước vào buổi sáng sớm và khoảng 17h chiều. Mùa mưa, cần chú ý việc tiêu thoát nước, tránh để cây măng tây ngập úng gập úng quá 24h.
Tiết lộ thêm về kỹ thuật chăm sóc măng tây xanh, ông Du cho biết: Khi cây măng tây xanh cao khoảng 1m phải cắm cọc cao từ 80cm - 1,2m, tuỳ độ cao của cây, cách nhau 3m, rồi căng dây thép thành hàng đôi nhằm giữ cho cây không bị đổ ngã.
Sau một thời gian trồng và chăm sóc, cây măng tây xanh phát triển có thể cao đến 2m. Muốn cây đẻ ra mầm to phải cắt tỉa cây mẹ và giữ chiều cao cây từ 1,2m trở xuống. Mặt khác, chỉ giữ lại từ 3 - 4 cây mẹ khoẻ mạnh, tỉa bỏ đi những cây già, cây nhỏ.
Để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng măng tây xanh, ông Du lên mạng internet tìm hiểu và đọc thêm sách, báo kỹ thuật trồng trọt.
"Theo quan sát của tôi, vào tháng 9, măng tây xanh hay bị nấm và chuyển sang màu vàng. Để khắc phục điều này, tôi mua chế phẩm sinh học từ hợp tác xã cung ứng giống cây để trị nấm. Nhờ đó, diện tích măng tây xanh phát triển tốt và đẻ ra những mầm măng mập mạp", ông cho biết thêm.
Đất không phụ công người, sau 4 tháng trồng, diện tích măng tây xanh của ông Du bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, lứa đầu tiên chỉ cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng. Trung bình mỗi ngày, ông Du thu hái được 9kg chồi măng.
"Mùa vụ năm nay, vườn măng tây xanh của gia đình bắt đầu cho thu hoạch liên tục từ giữa tháng 3 đến nay. Mỗi ngày, tôi xuất bán ra thị trường khoảng 10kg măng non. Với giá 50.000 đồng/kg, tôi thu được khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Ở cái tuổi này, mỗi ngày có 500 nghìn đồng tiêu là mãn nguyện lắm rồi", ông Du bảo vậy.
Theo đánh giá của lãnh đạo Hội Nông dân huyện Sốp Cộp, cây măng tây xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ, giá trị kinh tế cao.
Đây là mô hình trồng măng tây xanh đầu tiên trên địa bàn huyện. Với việc trồng thành công măng tây xanh ở vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn như Sốp Cộp sẻ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng mô hình. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
Theo Tuệ Linh/danviet.vn
https://danviet.vn/son-la-trong-rau-la-vi-nhu-rau-hoang-de-tren-dat-bo-hoang-bat-ngo-ngay-nao-cung-thu-tien-deu-deu-20210611072513907.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã