Vĩnh Phúc: Đảm bảo cân đối cung cầu và xây dựng các chuỗi liên kết
Sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn đã và đang gặp không ít khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Giá bán thấp, tốc độ tiêu thụ chậm, trong khi giá các loại vật tư đầu vào tăng làm cho người sản xuất, chăn nuôi điêu đứng. Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp đã tích cực vào cuộc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản tăng trưởng, ổn định.
Năm 2021, dịch Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Cụ thể, hoạt động vận chuyển, lưu thông gặp khó khăn; các kênh, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn; giá bán thấp… khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải thu hẹp quy mô SXKD.
Ông Phạm Đăng Kiên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP, xã Liên Châu (Yên Lạc) chia sẻ: Trước kia, mỗi ngày, công ty cung cấp cho thị trường từ 5 - 6 tạ rau, củ, quả các loại, nhưng từ khi làn sóng dịch Covid - 19 thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, các bếp ăn tập thể (trường học, doanh nghiệp) tạm dừng, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, khiến sản lượng rau tiêu thụ của đơn vị giảm hơn hơn 50%.
Điều này làm ảnh không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người lao động và gây ra sự lãng phí lớn.
Đơn cử, trong tháng 6 vừa qua, nhiều ruộng rau của công ty đến kỳ thu hoạch, nhưng do các bếp ăn dừng lấy hàng đột ngột, không tiêu thụ được nên đành phải phải nhổ bỏ. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến công ty gặp không ít khó khăn và tăng chi phí trong việc vận chuyển hàng hóa ra ngoại tỉnh.
Tương tự như vậy, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn chuyên sản xuất rau củ quả cung cấp cho các bếp ăn các trường học, công nghiệp trong và ngoài tỉnh như HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương), HTX Rau an toàn Đại Lải (Phúc Yên)… cũng đang trong tình cảnh bị ùn ứ sản phẩm và buộc phải thu hẹp sản xuất.
Không chỉ các doanh nghiệp, HTX, người trồng trọt sản xuất rau củ quả gặp khó khăn vì dịch bệnh mà người chăn nuôi trên địa bàn, nhất là chăn nuôi lợn cũng đang điêu đứng, tổn thất nặng nề khi giá thức ăn chăn nuôi đang tỷ lệ nghịch với giá lợn xuất chuồng.
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lập Thạch cho biết: Dịch bệnh ảnh hưởng đến sức mua, trong khi nguồn cung tăng đã khiến thịt lợn hơi những tháng gần đây lao dốc. Với giá bán dưới 40.000 đồng/kg thịt hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng/con khi xuất bán.
Sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn rơi vào tình cảnh hiện tại, ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh thì vấn đề chính vẫn là do sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được nhiều vùng sản quy mô lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, HTX và các hộ chăn nuôi, trồng trọt cũng chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong SXKD; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên việc bị thương lái ép giá vẫn diễn ra phổ biến.
Đặc biệt, khi gặp những tình huống bất ngờ, đột xuất như dịch Covid - 19 thì việc bị đứt gãy kênh, chuỗi sản xuất tiêu thụ, thiệt hại lớn về kinh tế là khó tránh khỏi.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản tăng trưởng ổn định, giảm thiểu tác động dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp, Công thương, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả, cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và tháo gỡ, tiêu thụ nông sản ứ đọng.
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiêu thụ nông sản ứng cứu, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong tỉnh và các tỉnh bạn trong mùa thu hoạch hàng hóa nông sản.
Bên cạnh đó, yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm soát tốt vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm nhập lậu trái phép có giá rẻ gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, trên địa bàn.
Hướng tới phát triển bền vững và thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo lộ trình đề ra, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như tổ chức, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn; vận động, hướng dẫn, giúp đỡ thành lập các Tổ hợp tác, HTX sản xuất tại vùng quy hoạch; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến thương mại…
Thanh Hóa: “Tiếp sức” cho doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể đầu tư công nghệ chế biến
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện có tới 78% sản lượng lương thực hàng năm và 85% sản lượng rau, quả của tỉnh được sơ chế, bảo quản bằng phương thức truyền thống. Chỉ có 355.000 tấn/năm, chiếm khoảng 22% sản lượng lương thực hàng năm và hơn 109.000 tấn rau, củ, quả, chiếm khoảng 15% sản lượng rau quả mỗi năm của tỉnh được sơ chế, bảo quản theo phương thức sấy. Việc sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng hình thức thủ công không những làm tổn thất từ 10 - 13% sản lượng sản phẩm sau thu hoạch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản.
Để giảm tổn thất và nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, thời gian qua cùng với việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, ngành nông nghiệp cùng các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tỉnh ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản; chính sách hỗ trợ cho HTX, doanh nghiệp làm đầu mối sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha canh tác/năm.
Theo đó, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã vay và được hỗ trợ lãi suất để mua các loại máy thu hoạch, máy sấy, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, với tổng số tiền vay 197.000 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ gần 20 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ 5 dự án xây dựng cơ sở chế biến nông sản, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng theo cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ riêng để các đơn vị, hộ cá nhân đầu tư mua, lắp đặt các loại máy sấy nông sản.
Được khuyến khích và “tiếp sức”, nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt các dây chuyền ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, lò sấy bằng điện bán công nghiệp và xây dựng khu nhà sơ chế nông sản để sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản sau thu hoạch.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), nhiều năm nay, các xã viên không còn phải lo lắng mỗi khi thu hoạch nông sản đúng với thời điểm mưa gió, bởi HTX đã trang bị hệ thống máy sấy nông sản với công suất lớn và công nghệ hiện đại. Bà Đỗ Thị Hoa, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, cho biết: Với hơn 600 ha sản xuất nông nghiệp mỗi năm, trong đó có 440 ha sản xuất lúa giống, nên vào thời điểm thu hoạch, lượng nông sản được thu mua, tập kết về sân, kho của HTX khá lớn. Trước đây, hầu hết các nông sản sau thu hoạch trên địa bàn huyện đều được sơ chế theo phương thức thủ công, nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trong điều kiện trời nắng, khô ráo, việc phơi, sơ chế nông sản khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu gặp mưa kéo dài thì việc phơi sẽ bị gián đoạn, nông sản vừa thu hoạch về dễ bị mọc mầm hoặc mốc, hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, việc sơ chế nông sản theo phương thức truyền thống được thực hiện trên nền gạch, xi măng tại các hộ gia đình hoặc đường làng khu dân cư, nên bị bám bụi bẩn, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, năm 2018, từ nguồn kinh phí hỗ trợ mua máy sấy nông sản của huyện Thọ Xuân và nguồn vốn huy động được của các xã viên, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy sấy nông sản, ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, với công suất 80 tấn/ngày/máy. Sau khi áp dụng công nghệ sấy công nghiệp vào bảo quản, sơ chế các loại nông sản, HTX thấy hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt.
Được biết, ngoài HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã có 4 HTX nông nghiệp đầu tư lắp đặt máy sấy nông sản ứng dụng công nghệ sấy điện và sấy công nghiệp. Theo đó, toàn huyện hiện đã có 6 máy sấy được sử dụng để bảo quản, sơ chế các loại nông sản. Ông Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Với số lượng máy sấy hiện có trên địa bàn huyện, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 350 triệu đồng so với phương pháp phơi, bảo quản theo hình thức thủ công. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm còn được nâng lên.
Là đơn vị có diện tích sản xuất lúa, ngô giống lên tới 800 ha/năm. Mỗi mùa thu hoạch, việc tìm được vị trí phơi, rồi yếu tố thời tiết để bảo đảm lúa đúng quy chuẩn luôn là vấn đề khiến ban giám đốc và các xã viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tường, xã Định Tường (Yên Định) trăn trở. Do đó, sau khi tìm hiểu, năm 2016, HTX đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt 1 máy sấy nông sản công nghiệp, công suất 30 tấn/ngày/máy. Từ khi đầu tư máy sấy, chất lượng lúa giống của HTX được nâng cao, toàn bộ sản phẩm lúa giống đều được các doanh nghiệp bao tiêu. Do đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, HTX đã tiếp tục đầu tư thêm 1 máy sấy nông sản. Hiện HTX có 2 máy sấy nông sản, với công suất sấy đạt 90 tấn/ngày/máy.
Hà Nội: Siết quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thị trường dần tăng cao. Nhằm quản lý chặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm có nguy cơ cao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hiện, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại và nhu cầu thị trường nông sản dự báo tiếp tục tăng cao từ nay đến dịp Tết. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội mới chủ động được 65% nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô, số còn lại phải liên kết với các tỉnh bạn để đưa về thành phố… Do vậy, việc quản lý chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần được đặt ra với những yêu cầu cao hơn.
Để giám sát các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã lấy 821 mẫu để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm và đã phát hiện 45 mẫu vi phạm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiêu hủy hơn 7.233kg hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc…, tổng giá trị hơn 224 triệu đồng.
Cũng về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT đã xử phạt vi phạm hành chính 10 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...) với số tiền gần 190 triệu đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến vi phạm an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định: Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc xây dựng các cơ sở sản xuất an toàn ở một số địa phương chưa được chú trọng…
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung nêu thực tế: Địa bàn rộng, quản lý đa lĩnh vực nhưng số lượng cán bộ quá ít, lại kiêm nhiệm nhiều việc dẫn tới công tác tham mưu chưa hiệu quả; hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm ở một số địa phương còn hạn chế, mới dừng lại ở việc nhắc nhở, nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ít được cải thiện, nhất là với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… là những khó khăn trong thực hiện giám sát an toàn thực phẩm hiện nay.
Từ nay đến cuối năm 2021, do nhu cầu về tiêu thụ nông sản tăng cao nên ngành Nông nghiệp xác định việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, bên cạnh xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Phú Xuyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Huyện đề xuất ngành Nông nghiệp thành phố tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm ở cấp huyện, cấp xã.
Còn ở góc độ người sản xuất, theo Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc...; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Trước yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, Sở đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm với nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp thành phố trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên diện rộng... Cùng với đó thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
“Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản an toàn để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường. Mặt khác, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố thường xuyên cập nhật, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm để đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã