Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao, Sở NN-PTNT An Giang đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhưng An Giang vẫn giữ vững được đà tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn gia cầm, gia súc của toàn tỉnh như trâu, bò gần 69 ngàn con, heo trên 58 ngàn con và đàn gia cầm gà và vịt trên 5 triệu con…
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết: Sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, ngành thú y tập trung hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).
Tại tỉnh An Giang, từ đầu năm 2021 chỉ xảy ra DTLCP tại 1 hộ dân tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới với số con tiêu hủy là 51 con. Đến nay không xảy ra dịch bệnh DTLCP.
Rất mừng các loại bệnh dịch khác như cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng (LMLM), heo tai xanh, dịch bệnh dại và bệnh viêm da nổi cục (VDNC)… tại tỉnh An Giang hiện nay không xảy ra ổ dịch nào.
Riêng đối với bệnh VDNC ở trâu bò, tuy chưa xuất hiện ở An Giang nhưng ngành thú y luôn chủ động khuyến cáo và đã vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vacxin VDNC trên đàn trâu, bò được 31.708 con trên tổng đàn 64.510 con, đạt tỷ lệ 49,2%.
Hiện nay, tổng số bò được nghi mắc bệnh VDNC là 669 con/250 hộ và 49 xã, thị trấn của các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú và Tân Châu, nhưng số con mắc bệnh đã giảm dần nhờ được nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn thực hiện phun tiêu độc sát trùng, điều trị, hướng dẫn cách chăm sóc theo dõi và đến nay đã kiểm soát tốt. Các huyện, thành phố còn lại như Chợ Mới, Phú Tân, Long Xuyên và Châu Đốc cho đến nay tình hình bệnh VDNC ổn định.
Theo ông Trần Tiến Hiệp, nhìn chung, dịch bệnh VDNC lây lan nguyên nhân chủ yếu là do đường truyền lây đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát, thời tiết có nhiều diễn biến như mưa làm ảnh hưởng sức đề kháng vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bệnh xảy ra ở dạng nhẹ và được can thiệp kịp thời của nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn nên tình hình ổn định
Để chủ động kiểm soát tốt và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, ngành thú y tỉnh xây dựng kế hoạch tiêm phòng bổ sung cho đàn trâu, bò của tỉnh đạt 100% trong diện tiêm và tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC năm 2022.
Đồng thời, tăng cường công tác vận động tiêm phòng vacxin VDNC, LMLM, cúm gia cầm, dại…, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan. Chỉ đạo nhân viên chăn nuôi và thú y thực hiện tiêm phòng phải đảm bảo phòng chống Covid-19 theo quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò ra vào địa bàn cấp tỉnh và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm xuất, nhập.
Tại Đồng Tháp, địa bàn giáp với An Giang, thời gian qua toàn tỉnh ghi nhận 239 hộ chăn nuôi có bò, trâu mắc bệnh VDNC, với số lượng 400 con bị bệnh.
Tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 2 ổ dịch cúm gia cầm trên gà với trên 25.000 con được tiêu hủy, 8 ổ DTLCP với tổng đàn bị bệnh 358 con.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, bên cạnh việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã chấn chỉnh công tác quản lý chăn nuôi gia súc trên địa bàn và các giải pháp tăng đàn, tái đàn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo sau đợt DTLCP. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm từ đây đến cuối năm.
Tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, nông hộ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn, tăng đàn heo theo hướng bền vững.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm, nhất là bệnh VDNC và cúm gia cầm đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trong diện tiêm phòng. Song song đó, tăng cường kiểm tra vịt chạy đồng, tuyệt đối không cho vịt chạy đồng từ tỉnh khác đến mà chưa có sự đồng ý của địa phương.
Theo Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/an-giang-day-manh-tang-dan-tai-dan-chan-nuoi-d305312.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã