Tăng HTX, tăng thu nhập
Trước khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, trên địa bàn huyện Krông Nô có 27 HTX Nông nghiệp thì có tới 15 HTX ngừng hoạt động. Các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh manh mún, thụ động, thiếu bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.
Luật HTX ra đời, huyện Krông Nô đã bắt đầu triển khai, hướng dẫn các HTX tổ chức lại sản xuất. Trong đó, huyện kiện toàn 13 HTX theo Luật HTX năm 2012.
Các HTX đã tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ. Một số HTX chủ động tự đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, tổ chức lại hoạt động.
Có những HTX còn mạnh dạn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ những thay đổi đó, các HTX đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến tháng 8/2021, toàn huyện Krông Nô có 28 HTX nông nghiệp, với gần 500 thành viên. Tổng vốn điều lệ của các HTX hơn 56,3 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt hơn 100 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Nhiều chương trình hỗ trợ HTX
Sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, huyện Krông Nô đã có những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác. Trong đó, huyện chú trọng khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Huyện đẩy mạnh hỗ trợ về hạ tầng, đất đai cho các HTX trên địa bàn. Cụ thể, các chương trình đã hỗ trợ cho HTX Phát triển nông nghiệp công bằng Thanh Thái, HTX Nông nghiệp Krông Nô, HTX Tín True coffee tổng cộng hơn 4,1 tỷ đồng.
Các HTX đã mua sắm thiết bị gồm 7 máy chế biến cà phê quả tươi, 9 máy sấy, 2 dây chuyền chế biến cà phê quả tươi, 1 máy sấy tĩnh đơn chiều, 2 máy rang xay cà phê, 1 máy chế biến ca cao, đầu tư công nghệ tưới nước nhỏ giọt...
Hằng năm, từ nguồn ngân sách, huyện đã hỗ trợ các HTX gần 100 triệu đồng để tập huấn, tuyên truyền... Huyện đã xây dựng quầy trưng bày giới thiệu sản phẩm của các HTX.
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho biết, các HTX thường thiếu vốn để thực hiện các khâu sản xuất. Do đó, việc hỗ trợ kịp thời, đúng nhu cầu đã giúp HTX tiến nhanh hơn tới việc nâng cao chất lượng sản xuất, hoạt động có hiệu quả hơn.
Nhờ hỗ trợ, nhiều HTX ngày càng được củng cố, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhiều sản phẩm của các HTX đưa ra thị trường đã trở thành đặc trưng của địa phương như: lúa gạo Buôn Choáh, ca cao bột, socola… Một số sản phẩm của HTX như lúa gạo Krông Nô, cà phê bột… đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng từ 3 – 4 sao.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô cho biết, Luật HTX năm 2012 đã làm thay đổi cơ bản cách tổ chức sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên và các HTX.
Các quy định của pháp luật góp phần thu hút nhiều người dân tham gia HTX. Huyện có nhiều hỗ trợ, tạo đà để các HTX phát triển hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế hiện có.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã