Liên kết, cùng nhau phòng nguy cơ dịch bệnh
Có thể nói, các vùng nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn Quảng Bình đã có bước phát triển khá về năng suất, mức độ kỹ thuật, cơ sở vật chất… Nhưng phần lớn, giữa các hộ dân chưa có tính tập thể, liên kết với nhau. Mỗi người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo cách riêng, không có sự thống nhất, gây khó khăn trong công tác quản lý vùng nuôi.
Ông Lê Xuân Phi, hộ nuôi tôm nhiều năm ở xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), cho hay: Nghề nuôi tôm rất bấp bênh, khó chịu kiểu “đánh bạc với trời”. Năng suất năm được năm mất do đa phần người nuôi đều nuôi theo lối quảng canh, thiếu kỹ thuật nuôi trồng và chưa chú trọng đến vấn đề xử lý môi trường nên tôm hay xảy ra dịch bệnh.
Cũng theo ông Đường, người dân đang rất cần một mô hình mới để tạo nên hiệu quả cao và có tính bền vừng trong việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Sở NN-PTNT Quảng Bình cũng đã quan tâm và chú trọng đến vấn đề này. Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay, giúp các hộ nuôi thủy sản trong vùng liên kết thành một tổ chức cùng quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất là mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh đã đặt ra những năm qua.
Để triển khai định hướng này, đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản đã triển khai Dự án "Đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững”, qua đó đã tạo hiệu ứng tốt cho định hướng an toàn và bền vững vùng nuôi tôm tại Quảng Bình…
Mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững được thực hiện tại Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hói Hà ở xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Sản xuất kinh doanh tổng hợp Trung Minh (HTX Trung Minh) ở xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch).
Để giúp người dân thực hiện tốt mô hình, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, lựa chọn con giống, phòng ngừa dịch bệnh... Chi cục phối hợp với các tổ hợp tác, HTX xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Từ quy chế tổ chức, tổ hợp tác và HTX đã từng bước thực hiện quản lý và điều hành sản xuất như: Tổ chức họp định kỳ để trao đổi, thống nhất kế hoạch sản xuất, giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là những thời điểm xảy ra dịch bệnh; đóng quỹ duy trì hoạt động…
Để tạo sức bật cho mô hình, Chi cục Thủy sản còn hỗ trợ kinh phí mua giống tôm chất lượng, thiết bị đo môi trường nước ao nuôi, kinh phí mua vôi khử khuẩn và thực hiện biện pháp phòng dịch chung.
Tại HTX Trung Minh, có 45 hộ dân tham gia mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững với diện tích 18ha. Trước đây, người nuôi tôm trên địa bàn chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, tự phát, kiến thức nuôi còn hạn chế nên tôm thường hay xảy ra dịch bệnh, năng suất thấp.
Khi tham gia mô hình, các hộ cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thả nuôi theo hướng bền vững, không gây ô nhiễm môi trường. Vào mỗi vụ nuôi, các thành viên sẽ thống nhất thời gian tháo nước, lấy nước, thả nuôi và thu hoạch. Các thành viên trong HTX được phân công nhau để thực hiện việc quản lý, giám sát chặt chẽ những khâu này trong quá trình nuôi.
Ông Tưởng Văn Trúc, thành viên của HTX cho hay: Tham gia mô hình, ngoài đóng tiền quỹ hoạt động, các thành viên còn đóng thêm 1 triệu đồng/người để gây quỹ cho các thành viên khó khăn vay vốn đầu tư con giống và khen thưởng các hộ dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh.
ể đảm bảo tốt môi trường nuôi, các thành viên trong HTX Trung Minh phải quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng thức ăn, hóa chất trong ao nuôi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Khi tôm bị bệnh hay có biểu hiện khác thường, hộ nuôi phải nhanh chóng báo cho ban quản lý biết để có biện pháp xử lý chung.
Các hộ trong vùng nuôi cùng nhau hỗ trợ việc ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Những kinh nghiệm này sẽ được đúc rút để phổ biến rộng trong cộng đồng.
Nhằm tổ chức, hoạt động được suôn sẻ và hiệu quả, HTX tổ chức họp định kỳ 1 lần/tháng để điều hành sản xuất trong tổ. Qua đó, có sự thống nhất kế hoạch sản xuất giữa các thành viên và giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Hiệu quả rõ rệt, người nuôi hào hứng tham gia
Sự liên kết, hỗ trợ nhau trong nuôi trồng thủy sản đã giúp các hộ dân nâng cao chất lượng con giống, thức ăn, môi trường nước, kỹ thuật thâm canh, đem lại năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Long, thành viên Tổ hợp tác Hói Hà có 3 vuông nuôi tôm liền kề với nhiều hộ tôm trong vùng. Ông cho hay, khi mô hình đi vào hoạt động, các hộ dân đã nâng cao ý thức rõ rệt. Ngoài việc giữ gìn cho mình còn phải giữ cho người bên cạnh.
Việc lấy nước, xả nước vào ra ao nuôi đã được quản lý chặt chẽ hơn trước. Hiện tượng hộ dân xả trộm nước khi ao nuôi có hiện tượng nhiễm bệnh đã không còn nữa. “Tính cộng đồng và ý thức trách nhiệm với nhau đã tạo nên được một môi trường an toàn cho ao nuôi và yên tâm cho người nuôi”, ông Long bộc bạch.
Sau khi thực hiện mô hình, sản lượng tôm thu được của Tổ hợp tác Hói Hà đạt gần 46 tấn tôm thương phẩm, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Lòng tin của các hộ nuôi vào mô hình được nâng lên nhiều lần vì hiệu quả nuôi trồng cao.
Mấy năm qua, gia đình ông Lê Xuân Phi, thành viên Tổ hợp tác Hói Hà là một trong những hộ nuôi tôm hiệu quả bấp bênh tại địa bàn. Năm nay, gia đình ông nuôi 3 ao tôm với diện tích 1,3ha. Sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vụ tôm của gia đình anh đạt sản lượng trên 3,5 tấn. Trừ các khoản chi phí còn lại hơn 400 triệu đồng.
Sau khi tham gia mô hình, ông Đường chia sẻ: "Cũng như nhiều hộ dân trong Tổ hợp tác, nhờ môi trường nuôi thuận lợi, ít nguy cơ dịch bệnh nên mỗi năm sẽ thả nuôi 2 vụ tôm. Thả 2 vụ tôm, gia đình tôi thu hoạch hơn 7 tấn tôm thịt thương phẩm. Thu nhập của gia đình tăng lên khoảng 800 triệu đồng”.
Sản lượng thủy sản nuôi của HTX Trung Minh cũng đạt gần là 69 tấn tôm thương phẩm, tăng 120% so với cùng kỳ vụ tôm trước. Trongvụ nuôi tôm vừa qua, các thành viên trong HTX đều đạt năng suất cao, đem lại thu nhập ổn định từ 150 - 250 triệu đồng/vụ.
Từ thành công và hiệu quả của mô hình, nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích ao nuôi, hướng tới phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Gia đình các ông Đặng Xuân Lễ, Đàm Đức Cừ, Đàm Văn Đạt… đã tính toán đến việc mở rộng diện tích nuôi và vận động nhiều người tham gia mô hình để tăng thêm thu nhập, hạn chế rủi ro.
“Từ thành công của mô hình đồng quản lý trong nuôi thủy sản bền vững, rất nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn đã làm đơn xin đăng ký tham gia”, ông Trúc chia sẻ thêm.
Dù chỉ mới triển khai thực hiện trong một thời gian ngắn, nhưng mô hình đồng quản lý trong nuôi thủy sản bền vững đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. Mô hình đã giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, phòng chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, góp phần nâng cao hiệụ quả sản xuất, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn vùng nuôi, hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Theo Tâm Phùng - Công Điền/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/het-rui-ro-dich-benh-nho-lien-ket-cung-quan-ly-trong-nuoi-tom-d305400.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã