Tối ngày 9/10, tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, đã khai mạc sự kiện "Quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản các tỉnh đồng bằng sông Hồng" với 150 gian hàng cùng hàng nghìn dòng sản phẩm OCOP đặc sản vùng, miền thuộc các tỉnh ĐBSH và các tỉnh, thành phố trên cả nước được trưng bày, giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng Thủ đô.
Sự kiện "Quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản các tỉnh đồng bằng sông Hồng" sẽ diễn ra từ ngày 9/10 và kéo dài đến hết ngày 12/10 nhằm chào mừng kỉ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô; chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kì 2020-2025.
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá trên 150 gian hàng gồm hàng nghìn dòng sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của các tỉnh ĐBSH và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các tỉnh ĐBSH, hát ca trù, hát xẩm, viết thư pháp... Trình bày ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền như: thưởng ngoạn trà sen, bún ốc, bánh tôm Hồ Tây, cốm làng vòng...
Đặc biệt, lần đầu tiên tại khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ trưng bày các tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, trong đó tác phẩm được mong đợi nhất là "Tứ linh hội tụ"; trình diễn hơn 200 tác phẩm hoa lan quý hiếm, đột biến có giá trị lớn; trưng bày 66 bức tranh nhân kỉ niệm 66 năm ngày giải phóng Thủ đô và các hoạt động xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP.
Ông Vương Xuân Nguyên – Chánh Văn phòng Hiệp hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, tác phẩm "Tứ linh hội tụ", với sắc thái riêng về văn hoá, nghề nghiệp, đặc biệt là thông điệp về sản phẩm OCOP, trong đó hội tụ tất cả những đặc sản của vùng ĐBSH và những tỉnh tham gia chương trình này.
Thậm chí, trên tác phẩm độc đáo này, Ban tổ chức còn gắn mã truy xuất nguồn gốc để khách thăm quan có thể trải nghiệm, biết được quy trình làm ra tác phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội nhận định, hội chợ là cơ hội giúp các chủ thể kết nối giao thương sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, giúp các đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đơn vị kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ.
"Hội chợ cũng là điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng Thủ đô, người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP…" - ông Chí chia sẻ.
Anh Mạc Văn Minh - Giám đốc HTX Dược liệu nam dược Mạc Minh, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) cho biết, đây là lần đầu tiên HTX có sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP. Anh Minh cũng rất kỳ vọng, sau khi tham gia chương trình này, người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm của HTX.
Được biết, HTX Dược liệu nam dược Mạc Minh đang sản xuất và cung cấp các sản phẩm được chiết xuất từ dược liệu hoàn toàn từ tự nhiên. Trong đó, nổi bật là sản phẩm nam dược Kháu Vài Lèng của đồng bào dân tộc Tày. Hiện sản phẩm này đã được cấp truy xuất nguồn gốc.
"Toàn bộ sản phẩm của HTX được bà con đồng bào dân tộc sinh sống trên đỉnh Tây Côn Lĩnh thu hái và chiết xuất tự nhiên, nên luôn được đảm bảo về độ tự nhiên cũng như nguồn gốc" - anh Minh cho hay.
Trước đó, Sở NNPTNT Hà Nội, cũng đã tổ chức hội thảo "Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Hồng". Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM Trung ương; Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam… và các chuyên gia, các doanh nghiệp nhằm kết nối giao thương.
Tại hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về tiêu thụ sản phẩm. Sự kiện cũng đã tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các chủ thể tham gia sự kiện với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, 95 biên bản ghi nhớ trong tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết giữa Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp với các tỉnh khu vực ĐBSH và các chủ thể OCOP.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, qua chương trình “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng”, Ban tổ chức mong muốn những sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương được kết nối, giao thương, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn cung và tìm kiếm phát triển thị trường, mang đến nhiều sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.
ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
Bà Vũ Thị Hậu- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, đây là lần thứ ba trong năm 2020, đơn vị phối hợp với các sở, ngành của Hà Nội tổ chức các sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Trong đó, 65% sản phẩm được các hệ thống siêu thị ký kết và đưa vào tiêu thụ.
"Tôi rất mong muốn các nhà bán lẻ sẽ tiếp cận gần hơn với các nhà sản xuất được chứng nhận OCOP. Việc kết nối này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững" - bà Hậu nói.
Theo Minh Ngọc/danviet.vn
https://danviet.vn/ha-noi-hang-tram-dac-san-ocop-quy-tu-nhieu-hoat-dong-hap-dan-khien-du-khach-thich-thu-20201010022050754.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã