Thạc sỹ về quê nuôi ếch khép kín
Sinh ra và lớn lên tại huyện Cảm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh học đại học Đại học Nông nghiệp 1.
Ra trường với tấm bằng thạc sỹ chuyên ngành thủy sản, anh Đặng Xuân Kỳ công tác tại Viện nghiên cứu thủy sản 1 đóng tại Bắc Ninh. Cùng với công tác tại cơ quan, anh Kỳ thực hiện dự án nhân giống nhân tạo các giống thủy sản.
Năm 2012, anh Kỳ bắt tay vào nghiên cứu và nuôi, nhân giống ếch Thái Lan theo mô hình khép kín. Sau đó, anh phát triển và thành công với hệ thống trại nuôi ếch giống có tiếng tại các tỉnh phía Bắc.
Thấy hiệu quả từ việc nuôi ếch tại các cơ sở của mình, đặc biệt là nuôi ếch giống, anh đã đưa mô hình nuôi ếch về quê.
Vừa điều chỉnh lại ánh sáng cho những ao ếch giống, anh Kỳ cho biết: Ở các tỉnh phía Bắc phong trào nuôi ếch thương phẩm khá nhiều, nhưng ở Hà Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung mô hình này còn rất ít. Hơn nữa, khí hậu ở miền Trung cũng thuận lợi cho việc sinh sản của ếch giống hơn ở những vùng khác. Nên tôi quyết định về làm mô hình nuôi ếch tại quê hương.
Đầu năm 2020, anh Kỳ về quê đầu tư hệ thống ao lót bạt trên vườn để thực hiện mô hình nuôi ếch sinh sản và nuôi ếch thịt thương phẩm Thái Lan tại Hà Tĩnh.
Đầu tháng 4/2020, anh bắt đầu cho ếch đẻ lứa đầu tiên. Tuy nhiên, lúc này lại gặp đợt dịch Covid -19, thực hiện giãn cách xã hội nên con ếch giống không vận chuyển đi các nơi được. Anh quay trở ra để làm việc tại các cơ sở ở phía Bắc. Tháng 6/2020, anh trở lại quê để tiếp tục với mô hình nuôi ếch tại quê hương.
Nuôi ếch đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả.
Vùa đi thăm những ao ếch giống, anh Kỳ chia sẻ với phóng viên DANVIET.VN: Việc nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vốn ít và kỹ thuật cũng không quá cầu kỳ nên người dân ai cũng có thể nuôi ếch được.
Trên diện tích hơn 1.000m2 vườn nhà, anh tiến hành lót 20 ao bằng bạt, mỗi ao có diện tích khoảng 11m2 để nuôi và ương ếch giống. Đến nay, ếch tại trại của anh Kỳ đã đẻ được lứa thứ 9, và đã xuất được 3 đợt.
Những ngày này, vừa phải đảm bảo quy trình kỹ thuật tại trại ếch giống của mình, anh Kỳ còn phải thường xuyên đến các hộ nuôi ếch thương phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An để hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch và chuyển giao công nghệ cho các hộ nuôi.
Anh Kỳ cho biết: Hiện nay, nhu cầu ếch giống của thị trường rất lớn. Những ngày này, ngày nào tôi cũng có ếch để xuất cho khách hàng. Giá bán mỗi con ếch giống từ 1.000 - 1.200 đồng/con. Mỗi ngày tôi xuất bán từ 2.000 - 2.400 con ếch giống thu về hơn 2 triệu đồng.
Anh Kỳ cho phóng viên DANVIET.VN biết: Việc nuôi ếch thương phẩm thì dễ, còn nuôi ếch sinh sản không phải ai cũng làm được. Vừa qua, nhiều hộ nuôi ếch đã thử nuôi ếch sinh sản nhưng không thành công. Khi biết tôi về nuôi ếch giống tại đây, có khá nhiều người đến đây để được tôi chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi cặp ếch bố mẹ có giá 300 ngàn đồng, hiện cơ sở của anh có gần 600 cặp ếch bố mẹ. Mỗi cặp ếch bố mẹ mỗi lần sinh sản đẻ từ 1.500 - 2.000 trứng/cặp.
Tại Hà Tĩnh, anh Kỳ thực hiện mô hình nuôi ếch theo quy trình khép kín: Từ ếch bố mẹ - trứng - nòng nọc - ếch con - ếch thịt thương phẩm. Các cặp ếch bố mẹ được anh Kỳ luân chuyển qua các cơ sở để kích thích cho ếch sinh sản.
"Mỗi ếch mẹ đẻ 5 lứa mỗi năm, thời gian sinh sản liên tục trong vòng 3 năm. Nhưng tại các cơ sở nuôi của tôi chỉ đẻ 2 năm là cho nghỉ để đảm bảo chất lượng con giống. Thời gian sản xuất ếch giống từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Còn nuôi ếch thịt thương phẩm thì từ tháng 4 - 11." - anh Kỳ cho phóng viên DANVIET.VN biết.
Hiện tại cơ sở nhân giống của anh Kỳ tại huyện Cẩm Xuyên cung cấp con giống cho các hộ nuôi tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Theo anh Kỳ, việc nuôi ếch sinh sản đòi hỏi phải có kiến thức vững kết hợp kinh nghiệm thực tế. Và tùy điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để có những điều chỉnh phù hợp. Còn việc nuôi ếch thịt thương phẩm dễ hơn, việc làm ao chuồng nuôi khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp.
Việc lót bạt làm ao chi phí không đáng kể, cũng không ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc cũng như sự phát triển của ếch. Tính ra, mỗi ô chuồng làm ao bạt chi phí ở tầm 500 ngàn đồng nên người dân ai cũng có thể nuôi được.
Về kỹ thuật nuôi ếch, anh Kỳ chia sẻ: Khi lót bạt làm ao nuôi ếch, phải có hệ thống mái che. Tùy từng giai đoạn của con giống, người nuôi sẽ điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng phù hợp với mỗi ao giống.
Nguồn nước nuôi ếch được lấy từ kênh thủy lợi, sau đó được xử lý trước khi cho vào các ao nuôi. Mỗi ngày, sẽ kiểm tra nguồn nước trong ao để thay nước cho ao nuôi cho phù hợp.
Vợ anh Kỳ cũng là người học cùng ngành nên vợ anh thực hiện việc hỗ trợ tự vấn kỹ thuật và kết nối với khách hàng qua điện thoại.
Anh Kỳ nói: Như vườn của tôi sẽ làm được khoảng 40 ao nuôi, nên thời gian tới tôi sẽ tăng thêm số lượng ao, mở rộng mô hình nuôi ếch sinh sản, ếch thịt.
Hiện tại trang trại của anh ngoài sự giúp sức của bố, còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Đặc biệt là đào tạo các kỹ thuật viên tại chỗ. Đặc biệt, anh đang thực hiện việc trợ giá ếch giống cho người dân thực hiện các mô hình.
Theo Nguyễn Duyên/danviet.vn
https://danviet.vn/ha-tinh-thac-sy-bo-ve-que-nuoi-ech-trong-vuon-tho-tay-xuong-bat-toan-con-to-20200811214107598.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã