Người Mông Trạm Tấu (Yên Bái) gọi củ khoai sọ là “kò cay”. Dịch ra: Kò nghĩa là củ, cay có nghĩa là củ có hình dạng như quả trứng. Củ khoai sọ có hình dáng và kích thước bằng quả trứng gà, trứng vịt.
Tất cả 12 xã và thị trấn huyện Trạm Tấu đều trồng khoai sọ, đây là cây lương thực đặc sản đứng sau lúa và ngô. Những năm trước đây người dân trồng khoai sọ chủ yếu nấu canh và chăn nuôi, năm nào mất mùa người dân dùng khoai sọ làm lương thực.
Khoai sọ Trạm Tấu được trồng trên nương, nơi đất tơi xốp có nhiều mùn đen, thời gian trồng từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 khi trời bắt đầu mưa xuống đất nương đồi ẩm ướt, vụ thu hoạch từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 khi mùa mưa đã chấm dứt. Đây là giống khoai bản địa, cây thấp, củ tròn hình quả trứng, vỏ mỏng, da trắng khi luộc chín vỏ vẫn bám vào củ, ăn dẻo và đậm.
Khoai sọ Trạm Tấu ngoài luộc người ta còn dùng để nấu canh hoặc ninh xương thì rất tuyệt, ngon không kém khoai Lệ Phố. Mấy năm gần đây khoai sọ Trạm Tấu được khách hàng lùng mua và trở thành một loại hàng hóa đặc sản hiếm có của Trạm Tấu.
Do nhu cầu và giá trị của cây khoai sọ mang lại, năm 2019 Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ nông nghiệp huyện Tạm tấu xây dựng mô hình trồng khoai sọ trên nương kém hiệu quả, diện tích 3 ha ở xã Bản Công. Năng suất 10-12 tấn/ha. Do trồng có kỹ thuật, chăm bón nên củ khoai to, đều được khách hàng mua với số lượng lớn.
Năm 2020 toàn huyện Trạm Tấu trồng khoảng 80 ha, dự kiến thu trên 800 tấn, HTX Hưng Thùy đã lập hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP khoai sọ Trạm Tấu hạng 3 sao. Ông Hoàng Văn Hưng- GĐ HTX cho biết: Năm 2019 HTX tiêu thụ khoảng 30 tấn cho bà con, năm 2020 dự kiến tiêu thụ trên 40 tấn thu mua ở các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ…giá thu mua 20.000đ/kg. Hiện khoai sọ Trạm Tấu đang bán ở các chợ đầu mối Phú Thọ, Hà Nội. Tính ra trồng khoai sọ thu nhập cao hơn trồng lúa, lại không phải dùng thuốc BVTV, nên chi phí thấp…
Sản phẩm thứ hai HTX Hưng Thùy xây dựng OCOP là măng ớt Trạm Tấu hạng 3 sao. Đây là món ăn nổi tiếng của vùng cao Trạm Tấu, từ ngàn đời nay người Mông Trạm Tấu làm măng ớt để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình của mình.
Măng thu hái từ loài cây họ trúc có tên là măng Lay mọc trên các sườn núi đá, thân nhỏ hơn thân trúc chỉ bằng ngón tay, mọc trong rừng tự nhiên thành búi, ruột đặc, măng ra vào khoảng tháng 9, tháng 10. Mùa măng đồng bào Mông vào rừng thu hái về ngâm với ớt đựng trong các ống bương hoặc trong các lọ sành. Măng ớt ăn kèm với các loại thức ăn khác rất ngon.
Cách làm món măng ớt thật đơn giản. Măng đem về bóc vỏ, rửa sạch để cho ráo nước, sau đó xếp măng vào chum sành hoặc thùng. Cứ một lượt măng lại rắc một lượt ớt tươi giã nhuyễn trộn với muối trắng và tỏi. Gia đình nào thích ăn cay, hoặc mặn thì họ cho thêm ớt, hoặc muối để hợp với khẩu vị của họ. Khi măng đã đầy thì nén chặt lại, chừng một tháng thì ăn được, họ cho vào các lọ ăn dần.
Măng ớt không thể thiếu trong bữa cơm thường ngày của người Mông Trạm Tấu. Măng ớt xào thịt, xào trứng, mì tôm…người dân có thể ăn măng ớt kèm thịt, hoặc ăn không với cơm, với bánh dày.
Với sức hấp dẫn đặc biệt của măng ớt, những năm gần đây măng ớt Trạm Tấu trở thành hàng hóa được nhiều người biết tới, HTX Hưng Thùy đã SX hàng trăm tấn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng .
Mỗi năm HTX thu mua khoảng 250-300 tấn măng tươi sơ chế của bà con nông dân, giá 20.000- 22.000đ/kg. Sau đó chế biến rồi đựng trong các lọ, mỗi lọ 1 kg. Ông Hưng cho biết: Giá mỗi lọ 50.000đ, HTX đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho một số DN ở Hà Nội, Phú Thọ, sau khi họ dán tem thêm nhãn của Cty thì được bày bán ở nhiều cửa hàng lớn trong các thành phố và các siêu thị…
Nguồn tin: Thái Sinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã