Người có ý tưởng và biến vùng đất đồi khô cằn ở phía tây TP Đồng Hới (Quảng Bình) thành khu thâm canh rau sạch hữu cơ là một doanh nhân chuyên về ngành gas. Ông Lê Văn Sư, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Xanh Đông Dương (Cty Đông Dương) nói: “Cần có nền nông nghiệp sạch để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”.
Vùng đất cằn cỗi, sỏi đá ở thôn Thuận Hòa (xã Thuận Đức, TP Đồng Hới) từ hàng chục năm nay chỉ được trồng cây keo tràm. Năm 2017, Công ty Đông Dương chọn đây làm nơi triển khai trang trại nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Ông Lê Xuân Sư, Giám đốc Cty cho hay: “Xuất phát từ doanh nghiệp chuyên về gas, chúng tôi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp quả là nhiều cam go. Tuy nhiên, trên tinh thần vì một nền nông nghiệp sạch đã làm đòn bẩy để Cty vượt lên thử thách”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng ban dự án Cty Đông Dương cho biết, mô hình được triển khai trồng từ tháng 3/2017 với quy mô 5,5 ha, có tổng mức vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng. “Trong trang trại, chúng tôi xây dựng 5 nhà kính (mỗi nhà có diện tích trên 2.200m2), được phân ra nhiều khu có khoảng cách để canh tác nhiều loại rau quả khác nhau. Tất cả đều sử dụng phân hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”- ông Minh cho biết. Để phù hợp với vùng đất nhiều mưa bão, Cty thiết kế khung mái nhà kính cơ động. “Có nghĩa là hệ thống khung thép, mái lợp được kết cầu không có định mà nâng lên, hạ xuống theo các trụ đứng ở các góc. Khi có bão, chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống ròng rọc hạ mái nhà xuống thấp gần sát mặt đất để tránh gió bão làm hư hại. Sau khi bão tan, hệ thống ròng rọc lại đưa mái nhà lên vị trí cố định. Như vậy là cơ bản tránh được tổn thất về cơ sở vật chất khi có bão lớn đến”- ông Minh giải thích thêm.
Trong các nhà kính trồng rau quả xứ lạnh, được áp dụng hệ thống làm lạnh, nhằm hạ nhiệt độ trong khu vực. Diện tích còn lại, công ty trồng các loại cây khác, như hoa, cây cảnh, cây ăn quả... Tham quan mô hình sản xuất rau sạch của Công ty Đông Dương, chúng tôi thấy có nhiều loại rau quả như xà lách Nga, dưa lưới, cà chua, dâu tây, rau cải, dưa chuột... Đưa chúng tôi vào khu nhà kính trồng cà chua, ông Minh chia sẻ, khi bắt tay vào xây dựng dự án, Công ty đã đưa ra tiêu chí, người tiêu dùng phải được dùng sản phẩm sạch thật sự.
Để bảo đảm tiêu chí này, các loại rau trồng ở trang trại đều áp dụng công nghệ trồng thủy canh hồi lưu, thủy canh trong giá thể, khí canh. Theo chị Nguyễn Thị Như Ý, kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật cho hay, trồng rau theo phương pháp thủy canh có ưu điểm là chủ động được mùa vụ, đặc biệt cách ly hoàn toàn với các mầm bệnh tiềm ẩn trong đất. Phương pháp thủy canh giúp cây phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, sau 6-7 tuần là rau đã cho thu hoạch. “Rau thủy canh không trồng trên đất nên tiết kiệm tối đa chi phí nhân công vì không phải làm cỏ, xới đất như thổ canh thông thường. Hạt giống sẽ được ươm trong các giá thể có chứa chất hữu cơ là các xơ dừa đã được xử lý nấm bệnh”- kỹ sư Như Ý nói thêm.
Hàng năm, sản phẩm rau quả sạch của Công ty Đông Dương cung ứng cho thị trường khoảng 1.000 tấn. Doanh thu mang về khoảng 30 tỷ đồng. Trang trại sử dụng thường xuyên trên 30 lao động và hàng chục lao động thời vụ khác.
Vụ hè - thu năm nay, Công ty Đông Dương đã thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình). Ông Nguyễn Lê Minh, cho biết: “Đây là mô hình lúa hữu cơ đầu tiên thực hiện trên vùng đất Hàm Ninh. Chúng tôi chọn giống lúa DT 18 đưa vào sản xuất. Hy vọng từ mô hình này, người nông dân cùng Công ty mở rộng sản xuất và có hiệu quả cao trong nền nông nghiệp sạch”..
Ngày thu hoạch lúa, nhiều nông dân trong vùng đã đến xem để học hỏi. Ai cũng tấm tắc khen cây lúa cứng cáp, bông lúa dài và chắc hạt dù vùng ruộng thực hiện mô hình thuộc vào đất bạc màu. Năng suất lúa mô hình đạt khoảng 60 tạ/ha. Trong khi đó, năng suất trung bình lúa sản xuất theo sử dụng phân bón vô cơ của địa phương chỉ đạt 54 tạ/ha.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Lê Minh nhìn nhận, khi sản xuất hữu cơ ngoài có sản phẩm sạch, môi trường sạch thì bảo vệ sức khỏe cho nông dân là điều đạt được.“Doanh nghiệp cũng mong muốn nông dân hiểu và liên kết để sản xuất lúa gạo hữu cơ ngay trên chính đồng ruộng của mình. Hướng vụ tới, Công ty kết hợp với nông dân mở rộng khoảng 50 ha mô hình lúa hữu cơ”- ông Minh nói thêm.
Cùng với việc sản xuất rau sạch, hiện, Công ty Đông Dương đầu tư và hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm đến từng vùng, địa phương nhằm giảm giá thành qua khâu trung gian và bảo đảm cho người tiêu dùng mua được sản phẩm nông sản sạch với giá thành cạnh tranh nhất. Bước đầu, Công ty đưa vào hoạt động Cửa hàng rau sạch Đông Dương (trung tâm TP Đồng Hới), cung cấp các loại nông sản sạch được sản xuất theo chuẩn VietGap. Với việc đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra, Cửa hàng rau sạch Đông Dương được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) lựa chọn triển khai mô hình điểm bán hàng nông sản Việt đầu tiên của tỉnh.
Chị Lê Thị Lý, Phụ trách cửa hàng cho biết, ngoài đưa sản phẩm sạch của Công ty Đông Dương đến tay người tiêu dùng, cửa hàng còn giới thiệu nhiều sản phẩm sạch khác nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. “Cửa hàng đã trở thành địa chỉ quen của hàng ngàn khách hàng trên địa bàn vì sản phẩm sạch”- chị Lý cho hay. Chị Hoàng Bảo Châu (phường Bắc Lý, TP Đồng Hới), một khách hàng thường xuyên ở đây vui vẻ cho hay: “Trước đây, khi đi chợ, tôi luôn lo lắng bởi mua phải các loại rau quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứa chất kích thích, chất bảo quản gây hại cho sức khỏe. Từ khi có cửa hàng rau sạch Đông Dương với các loại rau quả sạch thì tôi đã yên tâm mua về sử dụng”.
Ông Lê Xuân Sư, Giám đốc Công ty Đông Dương trao đổi, với những nỗ lực trong thời gian qua, sản phẩm của Công ty đã nhận được Cúp vàng cho sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2017. Top 100, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017. Thời gian tới, công ty sẽ liên kết, đào tạo và bao tiêu sản phẩm cho nông dân quanh vùng trồng theo chuẩn VietGap.
Định hướng xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của tỉnh, như đậu lạc, sắn khô, ớt, tiêu... ra thị trường thế giới. “Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư trang trại và chuỗi cung ứng. Đồng thời thực hiện sản xuất lúa hữu cơ trên đồng ruộng”- ông Sư nhấn mạnh.
Nguồn tin: Nguyễn Tâm - Trung Hiếu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã