Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang, để làm rõ hơn việc làm nhiều ý nghĩa này.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang.
Những năm qua, HLV tỉnh Bắc Giang đã thực hiện các phong trào thi đua ra sao, thưa ông?
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, HLV Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai, phát động phong trào thi đua tới HLV các huyện, thành phố với các nội dung, tiêu chí cụ thể, ký giao ước thi đua, hướng dẫn đăng ký thi đua, bình xét thi đua, tổ chức sơ, tổng kết các phong trào thi đua, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cấp Hội.
Đặc biệt, các phong trào thi đua do Hội phát động đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, trong đó, tập trung vào 03 phong trào: “Thi đua làm VAC-trang trại giỏi, xây dựng tổ chức hội vững mạnh”, “Hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
Ông có thể cho biết kết quả nổi bật từ các phong trào thi đua mà ông vừa nêu?
Năm năm qua, HLV tỉnh Bắc Giang thường xuyên quan tâm tới công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên kịp thời cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội cũng như trong phát triển kinh tế VACR, trang trại, nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay.
Kết quả được thể hiện qua 3 phong trào lớn như sau:
Phong trào thi đua làm VAC -trang trại giỏi, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Đây là phong trào nòng cốt vì vừa phát triển được mô hình vừa xây dựng, củng cố, phát triển được tổ chức Hội, hội viên đây là phong trào được HLV tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng ở cả 3 cấp. Hiện, Bắc Giang có 9 huyện, thành phố, 182 xã, phường, thị trấn, 1.440 thôn, bản, tổ dân phố có HLV. Đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, năng động, sáng tạo, là chỗ dựa tin cậy cho hội viên trong việc phát triển kinh tế VAC, trang trại.
Nhiệm kỳ qua, Bắc Giang trồng mới 1.520.475 cây ăn quả các loại, diện tích trồng mới là 4.639ha, cải tạo 10.302ha vườn tạp, xây dựng và cải tạo hàng nghìn mét vuông chuồng trại chăn nuôi, nâng cấp cải tạo 3.144ha ao hồ, có gần 1.500 hộ nuôi con đặc sản… Hàng trăm trang trại hoạt động hiệu quả, doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm.
Nổi bật trong phong trào này là HLV huyện Lục Ngạn, Hội đã thành lập 455 tổ liên kết; 30 xã, thị trấn thành lập chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều; HLV huyện Yên Dũng tham mưu UBND huyện thành lập HTX nuôi ong Phương Đông - Nham Biền trực thuộc HLV huyện…
Phong trào hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Phong trào này thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, nông dân. Từ phong trào này, nhiều hội viên, chủ trang trại đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, từ đó xuất hiện nhiều hội viên, chủ trang trại năng động, sáng tạo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh VAC, trang trại, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, sử dụng đất đai, đồng vốn có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Nhiều hội viên, chủ trang trại sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Báo thu nhập bình quân trên 5 tỷ đồng/năm. Ông Báo đã hướng dẫn 50 hộ làm theo mô hình kinh doanh, giúp đỡ 300 hộ bằng hình thức cung cấp thức ăn chăn nuôi, vật tư theo phương thức trả chậm. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Hộ ông Bùi Đức Long giúp đỡ nhiều gia đình hội viên về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ phân bón trả chậm, tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên với thu nhập 5- 8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy mà một số hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu, đặc biệt ông còn là thành viên sáng lập Câu lạc bộ cây có múi huyện Lục Ngạn đang hoạt động hiệu quả.
Phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Năm năm qua, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã hiến trên 5 triệu mét vuông đất làm đường GTNT và các công trình phúc lợi; tự nguyện đóng góp hàng nghìn tỷ đồng; hàng vạn ngày công lao động, làm mới, sửa chữa, nạo vét trên 4.000km kênh mương nội đồng; cứng hóa 4.000km đường GTNT; nâng cấp, sửa chữa trên 7.000km đường GTNT, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm…
Hiện, Bắc Giang có 116/184 xã đạt chuẩn NTM; 03 huyện đạt huyện NTM; 01 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Từ kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hội viên, nông dân đã thật sự đóng vai trò “chủ thể” của quá trình phát triển, xây dựng NTM của tỉnh.
Với những kết quả đạt được, nhiều tập thể, cá nhân ở HLV Bắc Giang được tặng Bằng khen, Giấy khen. Năm 2019, HLV Bắc Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Từ các phong trào thi đua thành công nói trên, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm mà Hội đã thực hiện?
Từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng trong những năm qua, HLV Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, bám sát sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự quan tâm phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Hội trong việc tổ chức, triển khai hưởng ứng các phong trào thi đua.
Thứ hai, nội dung thi đua cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của Hội là mục tiêu, là động lực quan trọng để tổ chức thực hiện phong trào thi đua.
Thứ ba, việc bình xét khen thưởng phải được tổ chức kịp thời, công bằng, công khai, dân chủ, chặt chẽ. Quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Hội.
Thứ tư, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu cách làm hay, mô hình mới, chú trọng công tác phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến để các gương điển hình có điều kiện lan tỏa, nêu gương trong cộng đồng, xã hội.
Thứ năm, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng ở các cấp hội, để kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn còn vướng mắc.
Ông có thể chia sẻ kế hoạch triển khai các phong trào thi đua thời gian tới của HLV Bắc Giang?
Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, sức mạnh đoàn kết của hội viên, nông dân các cấp Hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết của tỉnh, HLV Việt Nam và Nghị quyết HLV tỉnh đề ra.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả 03 phong trào thi đua của Hội gắn với các phong trào thi đua của tỉnh.
Thực hiện tốt công tác khen thưởng, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng; chú trọng việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên, có nhiều đóng góp cho tổ chức Hội.
Lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua; đa dạng hóa nội dung và hình thức nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thi đua khen thưởng trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội.
Để thực hiện tốt các phong trào thi đua, ông có kiến nghị đề xuất gì?
Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của HLV Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, HLV Bắc Giang đề nghị Ban Thi đua khen thưởng tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi đua khen thưởng cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ đổi mới.
Trân trọng cảm ơn ông!.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã