TS. Bùi Sỹ Tiếu, Phó chủ tịch Thường trực HLVVN, thăm trang trại rộng 18ha của gia đình ông Phạm Quang Lân ở xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang - Hà Giang), cho thu lãi 3,3 - 3,7 tỷ đồng/năm.
Những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta còn rất nhiều vườn tạp, ao hoang, đất trống đồi trọc. Lúc đó, chúng ta kêu gọi các hộ gia đình nông dân phá bỏ vườn tạp, cải tạo ao hoang, trồng cây trên đất trống đồi trọc, trồng - nuôi cây - con có giá trị kinh tế để xóa đói, giảm nghèo.
Sau một thời gian dài phong trào phát triển mạnh, Nhà nước khuyến khích các hộ nông dân mở rộng quy mô, tăng cường đầu tư, đưa những giống cây - con có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, hình thành nên các trang trại VAC, sản phẩm làm ra tiêu thụ được trên thị trường.
Nền kinh tế thị trường sản xuất ra hàng hóa để bán, nếu bán ra thị trường trôi nổi với số lượng và chất lượng được chăng hay chớ thì nông dân bị ép giá và thua thiệt rất nhiều. Vì vậy, trước hết, muốn tiêu thụ được trên thị trường phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc thực hiện nông nghiệp hữu cơ (không thuốc trừ sâu bệnh hóa học và phân hóa học, nước tưới sạch…) để có sản phẩm an toàn. Thứ hai là thực hiện liên kết các đơn vị sản xuất với nhau để có sản phẩm đủ nhiều, chất lượng đồng đều. Đây là con đường tốt nhất, là tất yếu khách quan.
Từ thực tế sản xuất sống động, nông dân đã tìm ra nhiều mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác… để sản phẩm VAC trở thành hàng hóa. Tiêu thụ được nhiều sản phẩm với khối lượng lớn, ổn định lâu dài. Nhiều mô hình liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi đã hình thành và rất hiệu quả. Xin giới thiệu 2 loại liên kết và một số mô hình:
Mô hình liên kết ngang
Là liên kết giữa các hộ nông dân, giữa các trang trại VAC với nhau thành đơn vị kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích… Để có sự cạnh tranh trên thị trường nông sản, rất cần khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh, hộ nông dân cá thể không thể làm được, điều này đòi hỏi tạo ra liên kết ngang trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình này xuất hiện ở nhiều nơi, các hộ nông dân, các trang trại tự nguyện góp ruộng, vườn, góp vốn điều lệ, vốn lưu động hàng trăm triệu đồng để sản xuất kinh doanh, sản phẩm làm ra bảo đảm ATTP, tiêu thụ được trong và ngoài nước. Xin giới thiệu một số mô hình:
HTX Trang trại Hạ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên: HTX có 17 hộ gia đình thành viên, sản xuất trang trại cá (A), có 19,5ha ao nuôi các loại cá trắm đen, trắm cỏ, chép lai. Tận dụng diện tích ruộng trũng hiệu quả kinh tế không cao, chuyển trồng lúa sang nuôi trồng thủy - hải sản. Các thành viên thành lập HTX trang trại sản xuất cá, mọi người đầu tư ao nuôi, đường đi, hệ thống sục khí, máy hút bùn, quạt nước…
Quy định các thành viên không sử dụng chất kháng sinh, không cho ăn cám nuôi có hóc-môn tăng trọng, thực hiện quy trình VietGAP…
HTX hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với các cửa hàng, siêu thị ở TP. Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh khác…, sản phẩm được dán mác, tem xuất xứ đảm bảo uy tín với khách hàng.
Năm 2017, thu 12 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng, thu nhập gấp 10 lần lúa.
HTX trang trại trồng xoài Chiềng Hặc (bản Văng Lùng, xã Chiềng Hắc, Yên Châu, Sơn La): Yên Châu trồng 1.500 ha xoài gồm xoài Đài Loan, Thái, Úc và bản địa, có 523 ha xoài kinh doanh với 7.200 tấn đã xuất được sang Úc, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Dubai…
HTX Chiềng Hặc tập hợp 20 trang trại trồng xoài với diện tích 14,5 ha. HTX thống nhất quy trình chăm sóc từ giống, phân hữu cơ, phòng trừ ruồi vàng bằng bả sinh học. Đặc biệt, bọc quả xoài tránh được nhiều sâu bệnh, mã quả đẹp nên đạt tiêu chuẩn VietGAP xuất được đi các nước, mỗi trang trại bình quân 0,5ha, thu 10 tấn, thu nhập hơn 250 triệu đồng.
HTX trang trại nuôi trồng thủy sản nước lợ Mắt Rồng xã Lập Lễ - Thủy Nguyên, Hải Phòng: HTX liên kết trên 65 trang trại nuôi cá vược nước lợ ở Lập Lễ với tổng diện tích ao đầm là 210 ha, tổ chức theo hình thức doanh nghiệp, có giám đốc, phó giám đốc, Ban kiểm tra…
Phó chủ tịch Thường trực HLV Việt Nam Bùi Sỹ Tiếu (người ngoài cùng bên phải) thăm cơ sở chế biến thức ăn cho cá của HTX trang trại nuôi trồng thủy sản nước lợ Mắt Rồng xã Lập Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng.
Do thống nhất quy trình nuôi VietGAP, được tập huấn kỹ thuật, nhất là đào ao sâu về phía Bắc chắn gió bờ Bắc, chống được gió rét nên cá không bị chết rét, chất lượng cá tốt, có dán tem truy xét nguồn gốc, hàng năm thu 2.000 tấn cá vược, hiệu quả cao gấp 7- 10 lần trồng lúa.
Mô hình liên kết dọc
Liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Để sản xuất hiệu quả, nông sản chúng ta làm ra có thể cạnh tranh được cả trong và ngoài nước thì cần mở rộng liên kết dọc. Các hình thức này sẽ phân bổ hài hòa lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân.
Liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển theo chuỗi giá trị nông sản, phải chú ý thống nhất và đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất tới tiêu dùng.
Hiện nay đã có nhiều mô hình HTX liên kết với các doanh nghiệp, cả quốc doanh, tư doanh, cả quy mô lớn, vừa và nhỏ, cụ thể là:
Doanh nghiệp đầu tư vốn, cung cấp giống tốt, kỹ thuật vật tư cho sản xuất, tiến hành chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho HTX.
HTX góp vườn, ruộng, lao động, tập trung ruộng đất quy hoạch lại thành những diện tích lớn “liền vùng, cùng trà”, sản phẩm đủ lớn thành hàng hóa được doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Mô hình này diễn ra rất sôi động ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều dạng.
Xin giới thiệu một vài mô hình theo dạng này.
HTX kiểu mới Tuấn Tú, An Hải (Ninh Phước - Ninh Thuận): Năm 2016, chỉ có 13 thành viên, nay phát triển tới 63 thành viên, lợi dụng đất cát pha vùng Ninh Phước phù hợp với phát triển cây măng tây xanh, HTX đã trồng 35ha măng tây xanh và liên kết với Công ty Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến tại TP. Hồ Chí Minh để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao như tưới nước nhỏ giọt, bón phân hữu cơ, dùng chế phẩm sinh học để trừ sâu bệnh hại, năng suất tăng 1,5 lần so với canh tác truyền thống. Năm 2019, thu 40 tấn măng tây xanh, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng/ha trên vùng đất cát khô cằn ở Ninh Thuận.
HTX kiểu mới quy mô nhỏ liên kết với tập đoàn lớn: HTX Tứ Đại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh liên kết với Tập đoàn Vingroup qua hệ thống tiêu thụ Vinmart.
7 thành viên thành lập HTX sản xuất cây ăn quả với 7ha. Năm 2016, HTX đầu tư 10 tỷ đồng sản xuất ổi Đài Loan và cam Canh, lúc đầu không có thị trường phải bán sản phẩm cho thương lái, đại lý nhỏ nên giá bấp bênh, không bền vững. HTX đã liên kết với Công ty VinEco (là thành viên của tập đoàn Vingroup). Công ty VinEco hướng dẫn các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm và kiểm tra nguồn nước, đất, môi trường xung quanh, cũng như chất lượng từng loại quả… Từ 2 tấn quả ban đầu, tới nay HTX đã cung cấp 60 tấn quả/năm, riêng ổi Đài Loan 40 tấn doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích lên gấp 2 lần để cung cấp sản phẩm hoa quả cho VinEco. Mục tiêu sẽ đưa sản phẩm hoa quả ra nước ngoài.
HTX Anh Đào ở Đà Lạt - Lâm Đồng: Lúc đầu có 22 hộ thành viên sản xuất rau quả sạch, sau liên kết với 80 hộ nông dân sản xuất rau quả với tổng diện tích 270ha, tổng số lao động cả cố định và thời vụ lên tới 200 người. Lúc khởi đầu năm 2013 đầy khó khăn, tổng số vốn điều lệ 5 tỷ đồng, sau nâng lên 19 tỷ đồng, nay HTX đã có trên 90 tỷ đồng, tổng số doanh thu 220 tỷ đồng/năm, sản phẩm làm ra 50.000 tấn rau củ/năm
HTX đã liên kết với các doanh nghiệp lớn trong tỉnh, hệ thống siêu thị trên toàn quốc cung cấp các loại sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết với Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh xuất khẩu ra các nước Singapore, Campuchia, Hàn Quốc.
So với 15 năm trước đây, đời sống bà con xã viên thu nhập ngày càng cao, đều có nhà lầu, xe hơi, giàu lên rất nhanh.
Mô hình các HTX kiểu mới liên kết dọc với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh: Năm 2001, TP. Hồ Chí Minh xây dựng 7 mô hình HTX kiểu mới tiên tiến như Tân Thông Hội, Tiền Phong, Phú Lộc (Củ chi), Mai Hoa (Hóc Môn), Phước An (Bình Chánh), Hiệp Thành (Nhà Bè), Thuận Yến (Cần Giờ).
Điển hình là HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, năm 1999 có 50 trang trại của xã viên, nay phát triển lên 300 xã viên, vốn điều lệ 5 tỷ đồng, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Lothamik (Long Thành), Công ty Cổ phần thực phẩm CMT (Bông Milk), Công ty Cổ phần TM (Healthy milk), Công ty TNHH Thực Phẩm Ánh Hồng…
Hiện HTX có tổng số bò sữa 7.500 con, cung ứng 9.600 tấn sữa/năm, doanh thu đạt trên 123 tỷ đồng/năm. Vừa qua, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa bò tươi “Củ Chi - CuchiMilk”, tiếp tục giải quyết sản phẩm đầu ra cho xã viên, nhờ đó mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Như vậy, mô hình liên kết các trang trại VAC, tổ hợp tác, HTX kiểu mới thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng - vật nuôi chủ lực của địa phương. Hoạt động của HTX đã đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra mà hộ nông dân cá thể không làm được, hoặc làm nhưng không hiệu quả. Cụ thể như dịch vụ giống, phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Do đó, hướng đi chuyển đổi các mô hình hộ nhỏ, các trang trại, tổ hợp tác trở thành HTX liên kết nông nghiệp kiểu mới là đúng đắn và hiệu quả.
Theo TS. Bùi Sỹ Tiếu, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã