Học tập đạo đức HCM

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững

Thứ tư - 21/10/2020 22:23
(MPI) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/10/2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Kết quả đạt được của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua với tổng mức vốn đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 1,12 triệu tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng; Vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 880 nghìn tỷ đồng.

Về những kết quả đạt được của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và tiếp theo là Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều quy định mới giúp quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư đến lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư; thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công.

Các quy định này đã đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư công như ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư; khắc phục được tình trạng phê duyệt dự án nhưng không đảm bảo được nguồn vốn, phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.

Thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản đã được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư trung hạn, trong đó, đã bố trí đủ vốn NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW đến hết ngày 31/12/2014 của các dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn là 8.547,3 tỷ đồng. Thanh toán được một phần và kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước kế hoạch, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch vốn phù hợp với quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công; số ứng trước vốn NSTW phát sinh trong giai đoạn 2017-2020 là 1.843,101 tỷ đồng và đã thu hồi toàn bộ số vốn này theo quy định. Số nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước (nếu còn) sẽ được rà soát theo quy định và tiếp tục được thanh toán và hoàn trả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiệu quả đầu tư công đã từng bước cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần. Tổng số dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020 khoảng 11.100 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia), trong đó có 9.152 dự án hoàn thành (bao gồm 1.798 dự án đã hoàn thành giai đoạn trước), bằng 83,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn. Số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần, số vốn bố trí bình quân cho một dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1 thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu đầu tư cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Theo đó, một số công trình, dự án giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng trong những năm đầu giai đoạn 2016-2020. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 880 km đường bộ cao tốc, mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, đáp ứng nhu cầu vận tải của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hoàn thành cơ bản một số công trình thủy lợi lớn, một số dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán ở Tây nguyên, Đông Nam Bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành cơ bản các hồ chứa. Các dự án sau khi hoàn thành phát huy hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước cho nhiều vùng. Đã thực hiện cấp điện cho 11/12 huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch,... được tiếp tục củng cố và phát triển, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế cho người nghèo.

Cùng với đó, định hướng phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu và thực hiện các nhiệm vụ, chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Toàn cảnh Kỳhọp. Ảnh: Quochoi.vn

Việc giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công mặc dù đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được còn những tồn tại, hạn chế như cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách, vai trò chủ đạo của NSTW chưa được phát huy. Chi đầu tư trung ương thấp hơn chi đầu tư địa phương ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhiều nhiệm vụ chi chưa cân đối được nguồn vốn để giải quyết dứt điểm trong giai đoạn 2016-2020.

Thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng quy định quản lý đầu tư công còn bất cập, đặc biệt ở khâu lựa chọn, đánh giá hiệu quả dự án.

Việc giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công mặc dù đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Tiến độ của một số dự án trọng điểm còn chậm. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Tình trạng lãng phí, thất thoát, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được xử lý triệt để.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế gồm có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó nguyên nhân khách quan là do tác động ảnh hưởng từ những biến động của tình hình kinh tế chính trị, kinh tế thế giới ảnh hưởng tình hình kinh tế trong nước, dẫn đến việc huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn cũng như tác động trực tiếp đến nguồn thu NSNN; các tồn tại, bất cập về đầu tư công trong giai đoạn trước chưa thể xử lý dứt điểm ngay trong ngắn hạn, còn nhiều dự án chuyển tiếp từ các năm trước chuyển sang cần phải tiếp tục xử lý, sắp xếp…

Nguyên nhân chủ quan là do thể chế pháp luật về đầu tư công tuy đã khá đồng bộ, nhưng vẫn còn tồn tại các quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công như quy định về đất đai, về môi trường, xây dựng; lúng túng trong việc triển khai các quy định pháp luật về đầu tư công trong những năm đầu của kỳ của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt; chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án; việc chấp hành chưa nghiêm các quy định đầu tư công dẫn đến lập kế hoạch không sát khả năng thực hiện, phải điều chỉnh phương án phân bổ nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ giao kế hoạch của cả nước; chất lượng cán bộ, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư ở một số nơi còn hạn chế, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức,...

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu, định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, giữ vững vai trò chủ đạo của NSTW. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, NSTW dành nguồn lực tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, bố trí vốn đầu tư dự án trọng điểm, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Về nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch ngành được phê duyệt.

Việc phân bổ vốn tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bố trí đủ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời, bố trí đủ vốn đầu tư cho dự án quan trọng quốc gia; bố trí vốn đầu tư dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp và xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, trụ sở cơ quan tư pháp, nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 (nếu có).

Cùng với đó, ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.

Ngân sách trung ương bố trí cho các dự án thuộc nhiệm vụ của trung ương và hỗ trợ mỗi địa phương đầu tư hoàn thành 01 dự án khởi công mới trọng điểm, có tính kết nối, tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 2021-2025.

Về dự kiến phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 là 2.750 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn NSTW: 1.380 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn nước ngoài: 300 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước: 1.080 nghìn tỷ đồng. Dự kiến vốn nước ngoài: 300 nghìn tỷ đồng, trong đó: dự phòng chung 10% là 30 nghìn tỷ đồng, phân bổ chi tiết cho các dự án là 270 nghìn tỷ đồng. Vốn trong nước: 1.080 nghìn tỷ đồng, trong đó dự phòng chung 10% là 108 nghìn tỷ đồng, còn lại 972 nghìn tỷ đồng, dự kiến phân bổ bổ sung có mục tiêu cho địa phương tối đa không quá 270 nghìn tỷ đồng; Bố trí vốn cho các bộ, cơ quan trung ương không thấp hơn 270 nghìn tỷ đồng; Bố trí vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia là 100 nghìn tỷ đồng.

Bố trí vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể khoảng 332 nghìn tỷ đồng, bao gồm: dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm, kết nối, có tác động lan tỏa liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án đường ven biển, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, nghĩa vụ thanh toán của NSTW.

Vốn cân đối NSĐP là 1.370 nghìn tỷ đồng, sau khi để lại 10% dự phòng chung 137 nghìn tỷ đồng, còn lại 1.233 nghìn tỷ đồng, dự kiến phân vốn phân bổ theo nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 là 509 nghìn tỷ đồng; Vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 495 nghìn tỷ đồng; Vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 208 nghìn tỷ đồng; Bội chi NSĐP là 21 nghìn tỷ đồng, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư vốn NSĐP hằng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội quyết định bội chi NSĐP từng năm, nếu thiếu sẽ bổ sung từ dự phòng chung vốn NSĐP.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến kết quả đạt được kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Bố trí đủ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia; vốn đối ứng các Chương trình, dự án ODA, bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các vùng miền và cả nước, ưu tiên đầu tư để thực hiện các dự án lớn phục vụ nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới,...

Bên cạnh đó, thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước kế hoạch từ năm 2016 trở về trước còn lại chưa thu hồi. Trong giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển cả nước, các tuyến đường kết nối, các cảng hàng không, cảng biển,… góp phần giảm thời gian lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển,...

Hạn chế tác động, góp phần chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước cho một số vùng, khu vực chịu ảnh hưởng, bảo đảm đời sống Nhân dân và mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại Báo cáo của Chính phủ. Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết 26 đặt ra và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về cơ bản, việc phân bổ vốn đầu tư công đã tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức. Chính phủ đã thực hiện tương đối tốt định hướng ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, các đối tượng chính sách. Kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công được tăng cường. Công tác quản lý đầu tư công chuyển biến tích cực, tính công khai, minh bạch, hiệu quả đã được cải thiện. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Tổng mức vốn đầu tư từ NSNN, tỷ lệ dự phòng, cơ cấu, định hướng, nguyên tắc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay38,591
  • Tháng hiện tại922,147
  • Tổng lượt truy cập90,985,540
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây