Hơn 260 tỷ làm nông nghiệp hữu cơ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025. Với đề án này, Lâm Đồng đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn có chứng nhận phù hợp. Từ đó, đưa sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng trở thành một trong các địa phương hàng đầu trong cả nước.
Theo đề án này, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ đạt 1.600ha, với sản lượng 11.750 tấn. Đối với chăn nuôi, phát triển đàn bò sữa hữu cơ 2.000 con, sản lượng 5.800 tấn; đàn bò thịt hữu cơ 400 con, sản lượng thịt 50 tấn; đàn gà hữu cơ lấy trứng đạt 20.000 con, sản lượng trứng đạt 3.200.000 quả.
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Để thực hiện thành công đề án này, địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi.
Từ đó nghiên cứu, rà soát tích hợp kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất đất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng, đặc biệt là quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Lâm Đồng cũng ưu tiên các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Ông Châu cũng cho biết thêm, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cần dàn đều ở hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Tỉnh sẽ phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kháng sinh.
Từ đó, thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học. Với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau, lúa, chè, cà phê, mắc ca, dược liệu, nấm, cây ăn quả thì địa phương phấn đấu trên 90% sản lượng đảm bảo đầu ra ổn định có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững thông qua các hợp đồng tiêu thụ hoặc tham gia các chuỗi giá trị.
Cần giải tỏa "cơn khát vốn"
Nói về việc thiếu vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như khó khăn trong việc vay vốn, ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang (phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cho hay: "Lâu nay, việc vay vốn của người dân gặp nhiều khó khăn. Thực tế, tài sản chúng tôi đã đầu tư gồm máy móc, nhà kính, vật tư, công nghệ trên đất nông nghiệp của mình rất nhiều.
Tuy nhiên, theo quy định thì tài sản đó không được dùng để làm tài sản thế chấp. Trong khi đó, khi xảy ra sự cố thì không được các công ty bảo hiểm chi trả. Có một số đơn vị chi trả bảo hiểm nhưng họ lại chỉ trả bảo hiểm cháy nổ, không phải bảo hiểm thiên tai. Vì vậy, người dân muốn đầu tư mảng nông nghiệp công nghệ cao này đang gặp khá nhiều khó khăn".
Ông Trần Nguyễn Vũ Dũng – Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Agribank Lâm Đồng cho biết: trước đây, người dân chỉ cần xây dựng nhà kính, canh tác trong đó và mang lại giá trị cao thì đã được gọi là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2017 trở về trước thì dư nợ cho vay về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ngân hàng này lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và quyết định 738 của Bộ NNPTNT nói về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp thì việc cho vay trở nên "khó khăn" hơn.
Các tiêu chí để xác định có phải là nông nghiệp công nghệ cao khá mập mờ; các cá nhân, doanh nghiệp làm nông nghiệp phải có chứng nhận VietGAP, Global Gap mới được gọi là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…mới thuộc diện cho vay vốn. Vì vậy, hàng năm dư nợ cho vay mảng này chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng", ông Trần Nguyễn Vũ Dũng giải thích.
Cũng theo ông Dũng, việc định giá tài sản trên đất thì đã có trong Luật Đất đai. Tuy nhiên, để định giá được thì lại liên quan đến các Sở, ngành khác nên rất khó cho các ngân hàng. Thế nhưng, điều quan trọng nhất quyết định mức vay lại là việc khách hàng chứng minh được phương án kinh doanh của mình có hiệu quả hay không.
Trên thực tế, Ngân hàng Agribank Lâm Đồng có thể cho vay 1 phần không cần tài sản bảo đảm nếu là khách hàng uy tín, vay vốn lâu năm, có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, hiệu quả.
Từ đó thực hiện chương trình với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại theo quy định.
Theo Văn Long/danviet.vn
https://danviet.vn/hon-15-nam-phat-trien-nncnc-o-lam-dongbai-3-nong-nghiep-huu-co-se-la-huong-di-moi-20201224205106108.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã