Gia đình ông Quyên ở xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) từ lâu đã nổi tiếng với tài nuôi cá lóc mát tay và luôn đi đầu trong gây nuôi các con nuôi đặc sản ở địa phương.
Ăn Tết to nhờ nuôi cá lóc dày đặc, bắt lên toàn con to bự
Trước kia, gia đình ông Quyên chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm đen, trắm cỏ, cá chép, cá trôi, cá mè...Nhưng thời gian gần đây các loại cá này cho lợi nhuận thấp, cá bán cá lên xuống thất thường.
Vốn là người nhạy bén trong chăn nuôi, sau khi thấy loại cá truyền thống này không hiệu quả bằng các loại cá đặc sản khác, ông Quyên đã tìm tòi và đưa loài cá lóc về nuôi.
Ông đã chuyển đổi một phần diện tích mặt nước sang làm ao nuôi cá lóc đầu nhím, một loại cá đặc sản được ưa chuộng vào các dịp cận Tết.
Nuôi cá lóc đầu nhím, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn so với nuôi các loại cá truyền thống khác.
Dù mới đưa vào nuôi 4 năm nay, nhưng con cá lóc đầu nhìm đã chứng minh được hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Quyên cho hay, mặc dù ông đang nuôi rất nhiều loại cá khác nhau, nhưng doanh thu chính vẫn đến từ đàn cá lóc đầu nhím.
Với diện tích mặt nước hơn 4.000m2, mỗi năm ông Quyên thả nuôi trên 100.000 con cá lóc, sản lượng đánh bắt đạt trên 35 tấn cá lóc thương phẩm. Doanh thu từ nuôi cá lóc đầu nhím của gia đình ông Quyên mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng, sau khi hết trừ chi phí gia đình lãi hàng trăm triệu đồng.
Hôm PV Báo điện tử DANVIET.VN đến đúng lúc ông Quyên đang kéo cá lóc lên bán. Dưới cái lạnh thấu xương, hàng chục con người đang vội vàng làm cho xong việc kéo bắt cá, kịp giờ thương lái cân.
Lưới kéo đến đâu là nghe thấy tiếng cá lóc vùng vẫy trong nước, cùng tiếng nhảy tanh tách, lao xao lên khỏi mặt nước như mưa rào nghe thật đã tai, xé tan đi cái lạnh của buổi sáng sớm mùa đông.
Chỉ mất chừng hơn 20 phút, mẻ lưới đầu tiên cũng cập bờ, gần chục tấn cá lóc nằm gọn trong lưới, con nào con đấy to bự "trơn lông đỏ da, nhất dáng nhì da".
Mọi người vội vợt cá lóc lên cân, mấy bà dân buôn thì cẩn thận ghi chép lại. Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ ông Quyên đã bắt đủ mấy tấn cá lóc giao bán cho thương lái.
Sau khi xong xuôi việc, ông Quyên vui vẻ nói: "Năm nay cá lóc vừa được mùa lại được giá. Người nuôi cá lóc như chúng tôi năm nay thắng lớn. Mặc dù chưa bán hết nhưng tôi nhẩm tính thì Tết năm nay cũng kiếm được mấy trăm triệu đồng từ nuôi cá lóc" - ông Quyên tiết lộ.
Nông dân tỷ phú nuôi cá lóc nhạy bén, sáng tạo.
Bên tách trà nóng, ông Quyên vui vẻ nói, năm nay bị ảnh hưởng từ dịch Covid -19 khiến nhiều loại cá rớt giá thê thảm, ế ẩm khó bán.
Nhưng đối với cá lóc thì ngược lại. Hiện giá cá lóc đang ở mức 40.000 đồng/kg, so với giá từ 35.000- 37.000 đồng/kg những năm trước và đầu ra tương đối ổn định.
"Chi phí từ thức ăn, men vi sinh, thuốc men....cho mỗi kg cá lóc thương phẩm rơi vào tầm 30.000 đồng/kg. Hiện giá bán cá lóc đang ở mức 40.000 đồng/kg, mỗi kg cá lóc người nuôi lãi khoảng 10.000 đồng.
Với sản lượng ước tính rơi vào 35 tấn thì tôi lãi khoảng 350 triệu đồng" - ông Quyên tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.
Ban đầu ông Quyên nuôi cá lóc bằng cá mồi là các loài cá rẻ tiền do ngư dân đánh bắt ngoài biển. Trong quá trình nuôi ông thấy cách cho cá lóc ăn cá mồi này có rất nhiều nhược điểm như: khó chủ động được nguồn thức ăn, ao nuôi dễ bị ô nhiễm.
Đặc biệt, nếu nuôi cá lóc bằng cá mồi thì ao thả được mật độ thấp, cá lớn không đồng đều nên bán hay mất giá.
Sau khi đi thăm quan một số mô hình nuôi cá lóc quy mô lớn, ông chuyển sang nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp.
Cách nuôi này kiểm soát được nguồn nước ao nuôi tốt hơn, cá lóc lớn nhanh và đồng đều nên bán được giá hơn. Đặc biệt, nuôi cá lóc bằng cám viên công nghiệp có chi phí thấp, thả được mật độ dày hơn, từ đó có lợi nhuận cao hơn.
Trong quá trình nuôi cá lóc, ông Quyên thường xuyên sử dụng men vi sinh sục khí do ông tự ủ để xử lý nước ao nuôi.
Trong loại men vi sinh này có nhiều vi sinh có lợi giúp cải thiện môi trường nước ao nuôi, từ đó giúp con cá lóc sinh trưởng tốt hơn.
Cứ một tuần ông Quyên dùng men vi sinh một lần xử lý nước ao thì đảm bảo đàn cá luôn khoẻ mạnh.
Nói về con cá lóc này, ông Quyên khẳng định, so với các loại cá truyền thống mà ông đang nuôi thì con cá lóc cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Tuy nuôi cá lóc chi phí đầu tư ban đầu lớn gấp đôi, nhưng đổi lại năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với nuôi các loài cá truyền thống.
Ông Trần Văn Quyên còn cho biết, làm nông dân, nuôi con gì có hiệu quả kinh tế cao thì nuôi. Nhu cầu thị trường thay đổi thì nông dân cũng nên phải nghĩ ra cách thích ứng.
Hãy nắm bắt nhu cầu của thị trường để nông dân tìm loại vật nuôi cho hợp lý. Trong quá trình nuôi cá lóc cần tục cập nhật kỹ thuật chăn nuôi, những cách làm mới, diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời.
"Người nuôi cá lóc thời này cũng chẳng khác gì mấy ông dân buôn, cần nắm bắt được thời cuộc, nhạy bén với thị trường, liên tục đổi mới, chịu khó tìm tòi, cứ có con gì hay thì nuôi. Ngoài ra, phải nắm bắt được kĩ thuật nuôi cá, có kỹ thuật, có vốn rồi thì đôi khi phải liều một tý thì mới thành công được" - ông Quyên chia sẻ.
Theo Phạm Quân/danviet.vn
https://danviet.vn/nam-dinh-nuoi-ca-loc-day-dac-trong-ao-tung-thuc-an-ca-nhay-nhu-lam-xiec-keo-me-luoi-bat-duoc-hang-tan-20201226160522397.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã