Tham dự chương trình còn có sự tham gia của bà Hà Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương các tỉnh và đại diện UBDN Thành phố Hà Nội; đại diện các Đại sứ quán, Tổ chức XTTM và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Chương trình kết nối giao thương được phối hợp tổ chức giữa cơ quan trung ương và các địa phương theo tinh thần đổi mới phương thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia, thích ứng với tình hình bình thường mới.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ quý I năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ra khắp các nước trên thế giới khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phải đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội. Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.
Để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình bối cảnh mới, Bộ Công Thương - trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ đã bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và có chỉ đạo sát sao các đơn vị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Các kế hoạch công tác cụ thể đã được xây dựng và chủ động thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tập trung triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, Bộ Công Thương liên tục tăng cường theo dõi sát tình hình, duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, từ đó có biện pháp đề xuất, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ.
Với chủ trương trên, trong 9 tháng vừa qua, Bộ Công Thương thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và hệ thống thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác xúc tiến thương mại quốc tế và tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng.
“Các hoạt động kết nối giao thương trên đang và sẽ góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và ổn định kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu theo hướng bền vững trong bối cảnh đại dịch” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh liên kết, khai thác tốt thị trường nội địa, tìm đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ, địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp giữa các địa phương, đưa hàng hóa Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, cũng như kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Đẩy mạnh hoạt động cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng nội địa, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thêm vào đó, hội nghị sẽ cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện lần này, bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, chương trình sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Tỉnh Hà Giang đánh giá cao việc Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương chủ động tổ chức sự kiện này; đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp khó lường và các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, tiếp cận mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc khó tiếp cận thị trường đầu ra đặc biệt là thị trường quốc tế, đó cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp ở tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp của tỉnh càng gặp nhiều khó khăn cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. “Tỉnh Tuyên Quang mong muốn sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, để mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh Tuyên Quang cam kết có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối phát triển thương mại, dịch vụ giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng trong và ngoài nước” – Ông Hoàng Việt Phương nhấn mạnh.
Với các thông tin hữu ích từ các địa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ được các khó khăn thời gian qua và tìm ra những giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã