Loài cây từng bị hắt hủi, chặt bỏ
Năm 2017, ông Nguyễn Bá Hoàng - nông dân xã Xà Bang (huyện Châu Đức) - là một trong những người đắn đo dữ lắm mới quyết định giữ lại vườn cây ca cao hơn 5 sào (5.000m2) đất của mình.
"Thực tình vì tiếc cái công chăm sóc, chứ hạt ca cao lúc đó không có đầu ra. Trồng ca cao hiệu quả kinh tế thấp lắm" - ông Hoàng kể.
Cũng trong 2017, bà con ở xã Xà Bang tiếp cận mô hình trồng ca cao theo quy trình hữu cơ và được doanh nghiệp hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cũng như bao tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hoàng cũng thử chuyển hướng canh tác cho vườn cây ca cao của mình.
Ông kể, trước kia trồng ca cao bón phân vô cơ nên phân, rồi thuốc cứ bỏ thí đại. Giờ trồng ca cao theo hướng hữu cơ, nông dân phải học cách tạo ra các chế phẩm hữu cơ để bảo vệ cây ca cao. Khó nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh khi không được sử dụng thuốc hóa học.
Nhờ nỗ lực thay đổi, quyết định giữ lại vườn ca cao năm xưa nay đã giúp ông mỉm cười. Trên diện tích đang trồng ca cao xen canh với cây ăn trái, ông Hoàng thu nhập riêng từ ca cao trên 150 triệu đồng/năm.
Hạt ca cao bình thường có giá khoảng 60.000 đồng/kg thì ca cao hữu cơ có giá 100.000đồng/kg. "Tôi đang mở rộng trồng ca cao thêm 3 sào nữa, cũng canh tác hữu cơ, chuẩn bị cho thu hoạch trong năm tới" - ông Hoàng kể.
Ngụ cùng xã, ông Trương Ngọc Lân cũng là nông dân trồng ca cao từ sự khuyến khích của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đầu năm 2020, ông Lân áp dụng quy trình canh tác hữu cơ trên trên 8 sào ca cao của mình.
Nhờ khí hậu ấm áp, đất đỏ bazan màu mỡ và kỹ thuật canh tác bền vững, vườn cây ca cao ra hoa đều, tỉ lệ đậu trái cao; sản lượng đạt trên 2,4 hạt khô/ha và được công ty thu mua toàn bộ.
Ông Lân chia sẻ, cây điều, cà phê, hồ tiêu còn chịu giá cả trôi nổi hoặc lúc cao lúc thấp nhưng với ca cao, từ ngày trồng tới nay chỉ thấy có lên giá chứ không có xuống.
Liên kết chuỗi
Từ năm 2010, trong cơ cấu cây trồng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch, ca cao là loại cây trồng xen canh, với vùng thổ nhưỡng phù hợp hơn 1.500 ha. Mục tiêu phát triển ca cao không chú trọng mở rộng diện tích mà nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Từ đó, tỉnh xây dựng thương hiệu riêng cho ca cao Bà Rịa - Vũng Tàu, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
Giá trị cây ca cao càng được nâng lên khi mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất này là được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ giữa năm 2010, Công ty TNHH MTV ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã vận động nông dân trồng ca cao theo quy trình hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.
Ông Trịnh Văn Thành - Giám đốc Công ty Thành Đạt kể: Các nông hộ tham gia liên kết đều tích cực hưởng ứng quy trình hữu cơ, vì cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định.
Quy trình chế biến tại nhà máy cũng được kiểm tra chặt chẽ từ khâu lựa quả, tách vỏ, lên men, phơi khô, rang hạt để cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Năm 2020, sản phẩm của công ty đạt chứng nhận tiêu chuẩn Organic của Nhật Bản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm chocolate cao hơn 40% so với bình thường.
"Giá trị gia tăng này càng làm nông dân thêm tin tưởng và có trách nhiệm hơn, để sản phẩm "Made in Bà Rịa-Vũng Tàu" của mình chinh phục thị trường khó tính" - ông Thành nói.
Năm 2018, sản phẩm ca cao hữu cơ 92% của Thành Đạt đã đạt giải bạc tại cuộc thi chocolate khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đến năm 2019, những tấn hạt cao đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cuối năm 2020, 1,5 tấn hàng đầu tiên về sản phẩm chocolate hữu cơ của Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch. Những đơn hàng kế tiếp cho thị trường này cũng đang chuẩn bị lên đường xuất ngoại vào cuối tháng 3/2021.
Theo ông Nguyễn Chí Đức - Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và BVTV, sản xuất có chứng nhận là con đường đúng đắn để gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập, trong đó có chứng nhận hữu cơ.
Ca cao Bà Rịa - Vũng Tàu chinh phục được các thị trường khó tính không chỉ nhờ chế biến sâu, mà còn vì doanh nghiệp đồng hành nông dân tạo ra vùng nguyên liệu sạch ngay từ đầu vào.
Nhu cầu tiêu thụ ca cao của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cao nhưng nguồn nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều. Ông Đức cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng hữu cơ cao. Đồng thời sẽ phát triển lên 650ha ca cao ở huyện Châu Đức; trong đó có 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đang tăng cao.
Theo Nguyên Vy/danviet.vn
https://danviet.vn/loai-cay-tung-bi-hat-hui-chat-bo-nay-lam-rang-danh-chocolate-huu-co-made-in-ba-ria-vung-tau-20210301175537157.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã