Tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm để phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Thiện Tâm. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tính đến thời điểm hiện tại Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm. Tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố là 5.351 trại chăn nuôi lớn, vừa và nhỏ (trong đó, số trại nuôi sinh sản 1.879 trại; số trang trại của công ty liên doanh 569 trại).
Đối với chăn nuôi lợn trong những tháng đầu năm 2021 nhìn chung còn gặp khó khăn. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác tại một số địa phương. Hoạt động tái đàn của các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn chậm do nguồn cung con giống hạn chế, giá con giống cao, bệnh chưa có vaccine phòng nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư, tái đàn. Đến nay đàn lợn đạt khoảng gần 1,4 triệu con trong đó đàn lợn nái đạt 160 nghìn con (bằng 95 % so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi).
Trong năm 2021, định hướng phát triển chăn nuôi của Hà Nội là phát triển theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Đồng thời thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi các khu vực nội thị, các thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngành chăn nuôi phấn đấu năm 2021, mục tiêu phát triển đàn bò khoảng 150 nghìn con, (tăng khoảng 11% so cùng kỳ); phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 13 nghìn tấn; chăn nuôi lợn phát triển đàn lợn khoảng 1,8 triệu con (tăng 32% so với cùng kỳ); sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 340-360 nghìn tấn; chăn nuôi gia cầm giữ ổn định 40 triệu con (khoảng 30 triệu con gà, 10 triệu con vịt, ngang, ngỗng và gia cầm khác), sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 156 nghìn tấn.
Phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine
Để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành Thú y Hà Nội sẽ tập trung tăng cường phổ biến kịp thời, có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới về chăn nuôi, thú y; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thông tin kịp thời chính xác về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật. Đồng thời tổ chức tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về công tác tiêm phòng vaccine, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người; các chế độ chính sách trong lĩnh vực giết mổ; các quy định đối với người sản xuất, kinh doanh về hoạt động giết mổ và định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát về chất lượng.
Phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò khi có vaccine sẽ tham mưu để Thành phố có chính sách hỗ trợ tiêm phòng ngay. Ngoài các loại vaccine bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định, tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vaccine cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng được hỗ trợ vắc xin của Thành phố. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, huyện để người dân biết, chủ động cung cấp thông tin; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng như tiêm phòng bao vây, khử trùng, tiêu độc khu vực có dịch, kiểm soát vận chuyển động vật cảm nhiễm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả, theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và Quyết định của UBND Thành phố về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Phấn đấu đưa các cơ sở giết mổ đã được Thành phố phê duyệt vào hoạt động, giảm các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ phân cấp quản lý; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn Thành phố. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật và Đội Kiểm dịch động vật lưu động. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch Thú y. Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề Thú y, đảm bảo việc hành nghề đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc hành nghề trái phép.
Theo Thiện Tâm/thanglong.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/ngan-chan-dich-benh-phat-trien-chan-nuoi-on-dinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã