Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Đào Huy Cương – chủ cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương, ở tổ 6 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu).
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Cương chậm rãi kể về những thất bại của mình trong thời gian đầu trồng nấm đông trùng hạ thảo.
Trước khi "bén duyên" với nấm đông trùng hạ thảo, anh Cương làm nghề sơn xe máy, ô tô. Một lần tình cờ đọc bài báo trên mạng viết về nấm đông trùng hạ thảo, anh Cương đã nảy sinh ý tưởng "thử sức" với loại dược liệu quý hiếm này.
"Tôi có ý tưởng trồng nấm đông trùng hạ thảo từ năm 2012, nhưng mãi đến năm 2014 tôi mới bắt tay vào thực hiện. Sau một thời gian theo học kĩ thuật trồng nấm ở dưới xuôi, tôi trở lại Lai Châu bắt đầu trồng thử nghiệm đông trùng hạ thảo, nhưng đều không thành.
Qua một số bạn bè, tôi biết được ông thầy người Thái Lan đang du lịch ở Việt Nam. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi kết nối với một số người có cùng sở thích, bỏ tiền thuê ông thầy này dạy kĩ thuật cấy nấm đông trùng hạ thảo" – anh Cương nhớ lại.
Qua ông thầy Thái Lan, anh Cương đã nắm bắt được kĩ thuật và tự tin đầu tư nhà xưởng, mua máy móc thiết bị trồng nấm đông trùng hạ thảo.
Thay vì cấy nấm đông trùng hạ thảo trên nhộng say như thầy dạy, anh Cương mầy mò trồng nấm đông trùng hạ thảo thuận tự nhiên, tức là cấy trên thân nhộng.
"Cấy nấm đông trùng hạ thảo trên con nhộng sẽ tốn chi phí hơn nhiều so với nhộng say. Bù lại, cấy trên thân nhộng thì sẽ thuận tự nhiên hơn và cũng sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn" – anh Cương lý giải.
Năm 2015, anh Cương trồng nấm đông trùng hạ thảo trên con sâu chít. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên anh chuyển sang cấy nấm đông trùng hạ thảo trên con nhộng tằm. Thành công từ việc trồng cấy nấm đông trùng hạ thảo thuận tự nhiên, anh Cương lại gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ.
Từ năm 2016 – 2019, anh Cương chỉ trồng nấm đông trùng hạ thảo cầm chừng và năm nào cũng phải bù lỗ, vì sản phẩm làm ra không bán được.
Mãi đến năm 2020, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của anh Cương mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Lúc này, anh Cương mới mạnh dạn sản xuất với quy mô lớn.
Dẫn chúng tôi đi thăm phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo phía sau nhà, anh Cương giới thiệu khá tỉ mỉ về các công đoạn làm nấm.
Phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Cương rộng chừng 400m2, được thiết kế bài bản, khoa học.
Bên trong phòng nuôi, anh Cương lắp điều hòa và hệ thống chiếu sáng để nuôi nấm. Hàng nghìn hộp nhựa đựng giá thể nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo được anh đặt trên từng giàn nuôi, với nhiều tầng khác nhau.
Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật trồng nấm đông trùng hạ thảo, anh Cương cho hay: "Tôi nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể chủ yếu là nhộng con và ít gạo tẻ râu cộng với nước nhộng.
Các giá thể nuôi nhộng được đựng trong hộp nhựa. Để trồng nấm đông trùng hạ thảo trước tiên phải tạo giống cấp 1 từ 5 – 7 ngày, sau đó tạo giống cấp 2 cũng từ 5 – 7 ngày nữa rồi mới đưa ra nuôi trồng.
Khi tạo phôi thì bắt buộc phải ủ tối từ 5 – 7 ngày, sau đó mới đưa ra ánh sáng. Tất cả các công đoạn từ tạo tạo phôi đến nuôi trồng đều được thực hiện ở phòng nuôi với nhiệt độ, ánh sáng phù hợp.
Độ ẩm phòng nuôi khoảng 85 độ C là phù hợp. Nhiệt độ thích hợp cho nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển dao động từ 18 – 20 độ C".
Cũng theo anh Cương, khâu quan trọng nhất của trồng nấm đông trùng hạ thảo là khử trùng, diệt khuẩn. Khi mua nhộng tươi về, anh Cương bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ âm 30 độ C để khống chế vi khuẩn phát triển. Trước khi tạo phôi, anh Cương cho nhộng vào lò hấp để diệt khuẩn ở nhiệt độ 220 độ C.
Mỗi ngày, anh Cương sản xuất khoảng 1400 hộp nấm đông trùng hạ thảo. Anh bán nấm đông trùng hạ thảo ra thị trường ở cả dạng tươi và khô.
Năm 2020, anh Cương lãi hơn 400 triệu đồng từ bán thanh phẩm nấm đông trùng hạ thảo ra thị trường. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo dạng khô của anh Cương là một trong những sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Huy Cương còn tạo việc làm, thu nhập cho gần 20 lao động ở địa phương.
Theo Thanh Ngân/danviet.vn
https://danviet.vn/trong-nam-dong-trung-ha-thao-thuan-tu-nhien-mot-ong-nong-dan-tinh-lai-chau-kiem-bon-tien-20210301163203647.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã