Nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện mục tiêu phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Bản thân chữ “sinh thái” đã bao gồm “xanh”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam bền vững. Diễn đàn này là cơ hội để chúng tôi tiếp thu thông tin và kiến thức cho chiến lược mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng.
Chúng ta đề cập đến đại dịch Covid-19 trong phiên thứ nhất về chuyển đổi số. Có thông tin cho rằng, sau khi Covid-19 xuất hiện thì dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 tạo ra rất nhiều các loại bệnh khác. Đó có thể là khởi nguồn của mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên.
Tôi không làm trong ngành Y nhưng đó là thông tin để chúng ta thấy rằng giữa phát triển xanh và Covid-19 cũng có mối quan hệ nào đó.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội ở một số nơi. Tâm lý lo lắng vì bệnh tật xảy ra, song ngược lại chúng ta lại được sống trong môi trường xanh và sạch.
Như vậy, có thể thấy Covid-19 vừa là nguyên nhân, vừa là hệ lụy và vừa là gợi ý với chúng ta.
Tất nhiên không ai mong muốn có Covid-19 để được sống trong môi trường xanh nhưng chúng ta mong muốn vẫn có thể sống trong môi trường xanh mà vẫn hạn chế được dịch bệnh.
Chúng ta đang sống trong một thời đại biến động phức tạp đa chiều mà các chuyên gia gọi là VUCA: biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Dịch bệnh Covid biểu hiện cho sự bất định, biến động, phức tạp, mơ hồ đó.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Trong thách thức có thời cơ. Và, đối với ngành nông nghiệp, chúng tôi cũng đang tư duy như vậy.
Nông nghiệp xanh là thành phần của nền kinh tế xanh và điều này được nêu rõ trong thông điệp của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vì một Việt Nam xanh. Theo mạch đó, tôi xin chia sẻ về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sắp tới để làm sao áp dụng được cái “xanh” đó.
Tôi có tổng kết được nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 cái biến rất lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, và biến đổi xu thế tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng xanh.
Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua một nông sản hay sản phẩm bằng một giá cả hữu hình mà còn bao gồm cả giá trị vô hình: xuất xứ nguồn gốc với các đặc tính của nền nông nghiệp xanh, nền nông nghiệp có trách nhiệm, và bền vững.
Nền nông nghiệp Việt Nam sau rất nhiều thành tựu đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế khi khó khăn. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi nền kinh tế rất khó khăn không còn trụ đỡ nữa thì còn cái gì?
Tôi xin trích dẫn câu nói của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (nguyên Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương): “Phải đo độ bền vững của quốc gia bằng nông nghiệp” (đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam). Ở đây có nghĩa nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ đơn thuần mà là thước đo cho sự bền vững của nền kinh tế, dù đóng góp vào GDP của nó không cao.
Hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới thì nền nông nghiệp Việt Nam sản lượng cao nhưng chi phí cũng cao.
Một trong những chi phí cao đó là việc sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào, trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hệ lụy gì? Một là nó bào mòn lợi nhuận của người nông dân, làm giảm giá trị gia tăng của nông nghiệp, và đặc biệt là phát thải khí nhà kính.
Điều này được chứng minh trong một nghiên cứu của một nhà khoa học đang làm việc tại Đồng Tháp. Nghiên cứu này cho thấy việc lạm dụng hóa chất ngoài tăng chi phí cho người nông dân còn tạo ra hiệu ứng khí nhà kính vì các loại hóa chất này không tiêu hủy hết ngay mà tan chậm từ từ, dẫn đến độ hữu dụng chỉ đạt 50% và phần còn lại phát lên khí quyển hoặc hệ sinh thái mặt đất mặt nước.
Điều này cho thấy đây là nền nông nghiệp thiếu bền vững. Một nền nông nghiệp nếu không tính hết chi phí sẽ là một nền nông nghiệp đánh đổi.
Chi phí đó không phải là chi phí đầu vào của nông dân, doanh nghiệp mà còn là chi phí xã hội, môi trường, những chi phí toàn cầu mà Việt Nam cam kết với thế giới để cùng nhau xây dựng trái đất ngày càng xanh.
Đây là câu chuyện mà sắp tới nông nghiệp Việt Nam theo đuổi: không chỉ gia tăng sản lượng mà còn phải tính đầy đủ chi phí, trong đó gồm chi phí đầu vào và “chi phí ẩn” như tôi đề cập là chi phí môi trường, chi phí làm biến dạng đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững gồm 3 yếu tố: kinh tế, môi trường, xã hội. Trong đó có nhấn mạnh, chúng ta không thể đánh đổi tăng trưởng của ngày hôm nay bằng tài nguyên của thế hệ mai sau. Nghĩa là chúng ta bàn giao cho thế hệ mai sau đầy đủ những cái mà thế hệ mai sau cần.
Mục tiêu này là điều mà ngành Nông nghiệp Việt Nam hướng tới thông qua rất nhiều các buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế hy vọng được tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật để chuyển động vì nền nông nghiệp sinh thái.
Tôi muốn chia sẻ thêm về việc phát triển nền nông nghiệp nằm trong tư duy tăng trưởng xanh. Trước đây, chúng ta muốn giảm vật tư đầu vào của nền nông nghiệp thì chúng ta thấy tốn nhiều công sức, kể cả truyền thông, huấn luyện người nông dân, hoặc ngân sách để cải tạo, phục hồi môi trường.
Nhưng tại sao chúng ta không tư duy ngược lại là chúng ta đầu tư cho sự phát triển? Bởi vì sự phát triển bền vững kèm theo điều kiện đó. Một trong những xu thế tiêu dùng xanh, du lịch xanh là hướng tới những điều đó.
Chúng ta không phải tốn tiền để xử lý môi trường mà chúng ta đầu tư môi trường có đủ khả năng tạo ra chất lượng nông sản, thương hiệu của ngành nông nghiệp, thương hiệu của một địa phương, một quốc gia.
Thương hiệu đó sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản. Nếu chúng ta tư duy như vậy thì việc này không tốn kém, xa xỉ. Nếu các địa phương xoay trục, xoay chuyển được tư duy thì tất cả 63 tỉnh thành đều có cơ hội tiếp cận kinh tế xanh, nông nghiệp xanh.
Khi tôi làm việc với các tổ chức nước ngoài, họ nói rằng trên những bao bì của sản phẩm, họ ghi trên đó: đây là những sản phẩm được sản xuất với hạn chế lượng carbon - thành phần có thể gây ra hiệu ứng nhà kính. Và người ta bắt đầu thay đổi xu thế tiêu dùng - một trong 3 cái “biến” tôi đã đề cập. Đây là điều chúng ta phải làm. Ai đi trước thì đạt trước, chứ không còn là chuyện đâu đâu nữa.
Chúng ta đeo đuổi sự phát triển dựa trên sản lượng, giờ ta phải thay đổi, phát triển dựa trên bền vững. Tôi tin rằng nếu chúng ta cùng tư duy tập thể, hành động tập thể, cùng mức độ ở 63 tỉnh thành, chúng ta sẽ tạo ra thương hiệu của nền nông nghiệp, góp phần làm nên thương hiệu quốc gia, góp phần tạo giá trị tương lai. Và tương lai ở đây xa hay gần tùy thuộc vào chúng ta chứ không phải yếu tố khách quan bên ngoài.
Người Việt Nam ta có câu “nước đến chân mới nhảy” và bây giờ chúng ta phải nhảy ngay. Có thể lúc này chúng ta đã hơi chậm nhưng chậm còn hơn không.
Và chúng ta cần thay đổi mô hình, tư duy, không gian phát triển, chiều sâu phát triển. Nó không chỉ gói gọn cục bộ là năng suất lao động, sản lượng, giá trị mà chúng ta cần tiếp cận nền nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị, bao gồm giá trị kinh tế, giá trị vật chất, giá trị vô hình, văn hóa, lịch sử địa phương, sức mạnh cộng đồng và công nghệ. Sự tích hợp này sẽ tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc. Nếu chúng ta chỉ theo đuổi sản lượng thì dù có tăng chúng ta cũng chỉ nhìn thấy một giá trị nằm ngang và mang nhiều rủi ro. Kể cả không có Covid-19, đã có lúc chúng ta thấy phải giải cứu nông sản - vì sản lượng dư thừa. Vấn đề quan trọng là tư duy lãnh đạo, tư duy chính quyền.
Một chị trồng cà phê ở Tây Nguyên chia sẻ khi giá thành đầu vào cao quá chị lấy những phế phẩm để ủ làm bón phân. Năng suất không cao hơn nhưng chất lượng cao hơn và giá bán cao hơn. Chị có lợi nhuận nhiều hơn. Đó là tư duy của một người dân bình thường và cần tư duy của cả hệ thống nông nghiệp để thay đổi. Đây cũng là yếu tố nằm trong khái niệm chúng tôi gọi là kinh tế tuần hoàn.
Chúng ta cần thay đổi việc thống kê theo sản lượng sang thống kê theo giá trị trên một đơn vị diện tích để làm sao tuần hoàn trên một đơn vị diện tích đó, lấy các sản phẩm từ vụ trước làm phân cho vụ sau, lấy phế thải giống con này làm nguồn phân cho giống cây kia. Tất cả điều đó tôi tin rằng chúng ta làm được nếu ta thay đổi tư duy.
Du lịch hiện nay chỉ là tích hợp những khu nhà ở biển hay đảo có những tài nguyên du lịch vượt trội. Nếu ta chuyển về du lịch xanh thì giúp kích hoạt người đô thị trở về với người nông thôn, người nước ngoài đến trải nghiệm với nông dân Việt Nam. Nghĩa là ta tích hợp nông nghiệp vào giá trị du lịch và giá trị nông sản của chúng ta. Và chúng ta càng thấy sự quan trọng của môi trường xanh để thu hút lữ khách đến làng quê.
Tôi hay nghe các địa phương chia sẻ phát triển du lịch nông thôn sao nhỏ bé quá và chờ các nhà đầu tư lớn để làm khu phức hợp. Tôi nghĩ rằng mỗi cái đều có một giá trị riêng. Có thể nguồn thu trực tiếp vào du lịch nông nghiệp nông thôn không lớn nhưng nó tích hợp vào cả hình ảnh địa phương.
Hiện nay, việc chi phí đầu tư vào sử dụng tài nguyên hợp lý cần tính đến việc tài nguyên thiên nhiên, đất, nước đều đang suy giảm. Và ta không thể cưỡng lại được xu thế đó mà ta chỉ có thể thích ứng với xu thế đó bằng cách thay đổi tư duy, áp dụng công nghệ số. Như tôi đã nêu, chúng ta có chi phí ẩn nhưng mọi thứ đều có thể đo được dù là hơi khó khăn một chút.
Giá trị nông nghiệp bền vững không phải làm chậm đà phát triển mà chuẩn bị cho sự phát triển. Chúng ta sẽ tạo ra được hình ảnh nông nghiệp gắn với toàn cầu, nhấn mạnh vào hình ảnh nông nghiệp Việt Nam xanh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã