Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, trong những chặng đường phát triển đã qua, do đã rất nhanh chóng chinh phục được nhiều thị trường, cho nên xuất khẩu nông sản đã đạt được nhịp tăng thuộc loại hàng đầu thế giới, cho nên cũng đã rất nhanh chóng cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng của thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sẽ góp phần đặc biệt quan trọng trong việc củng cố nguồn động lực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển trong những năm tới, định hướng phát triển thị trường là điều không thể không quan tâm.
Nếu nhìn lại lịch sử 35 năm đổi mới, có lẽ ai ai cũng biết rằng, chặng đường 10 năm đầu tiên cực kỳ khó khăn, do đất nước vẫn còn bị bao vây, cấm vận, xuất khẩu quá èo uột, nhập khẩu và nhập siêu quá lớn. Và trong bối cảnh như vậy, nông nghiệp đã giữ vai trò vô cùng đặc biệt.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm năm đổi mới đầu tiên, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 7 tỷ USD, còn nhập khẩu lên tới 12,7 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu “khủng” 80,7%, mục tiêu mà Chiến lược Ổn định và Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 đặt ra cho xuất khẩu trong năm năm đầu tiên là 12 - 15 tỷ USD, còn thực tế đã đạt 17, 2 tỷ USD, còn cả thập kỷ là 37 - 45 tỷ USD và thực tế đạt 69 tỷ USD, vượt mục tiêu tới 53,3 - 86,4%.
Còn trong hai thập kỷ gần đây, do năm 2020 đã đạt 282,63 tỷ USD, xuất khẩu vẫn tăng bình quân 16%/năm, cao hơn so với 262,7 tỷ USD và nhịp tăng 15,2%/năm trong nhập khẩu, lần đầu tiên nền kinh tế đạt kỷ lục xuất siêu 19,94 tỷ USD và tỷ lệ 7,6%.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, những thành tựu đã đạt được đó là có một không hai của thế giới, bởi nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 18,7%/năm trong 35 năm không chỉ là độc nhất vô nhị thế giới, mà còn vượt rất xa so với 13,9%/năm của “người khổng lồ phương Bắc”.
Cũng chính vì vậy, trong vòng 35 năm, từ chỗ chỉ đứng thứ 95, bình quân mỗi năm chúng ta được thăng hạng hơn hai bậc để hiên ngang lọt vào tốp 20 quốc gia xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới hiện nay.
Trong đó, đúng như nhận định trong kế hoạch năm năm đầu tiên khi đất nước vừa thống nhất: “Nguồn xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, thuỷ sản, lâm sản”, cũng như định hướng “Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội” trong chiến lược, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong năm năm đầu thực hiện Chiến lược đã đạt 8,3 tỷ USD, tăng “sốc” 1,14 lần, chiếm tới 48,3% “rổ hàng xuất khẩu”, còn cả thập kỷ đạt 25,8 tỷ USD, chiếm 37,4% và tăng “sốc” 3,81 lần so với thập kỷ trước đó.
Không chỉ có vậy, đóng góp có lẽ còn quan trọng hơn nữa của xuất khẩu hàng nông sản chính là ở chỗ, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn triền miên nhập siêu trong hầu như trọn 3 thập kỷ đổi mới đầu tiên, nhưng cán cân thương mại của nhóm hàng này luôn luôn nghiêng hẳn về xuất khẩu, cho nên tổng kim ngạch xuất siêu trong 34 năm 1986 – 2019 đạt hơn 271 tỷ USD, còn tỷ lệ xuất siêu đạt 3,52 lần.
Cũng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, những thành tựu đã đạt được đó trong xuất khẩu nông sản cũng không kém cạnh so với xuất khẩu nói chung bình diện toàn cầu.
Đó là, theo số liệu thống kê của WTO, từ chỗ chỉ đạt gần 3,1 tỷ USD và xếp hạng thứ 38 thế giới năm 1997, chúng ta cũng được thăng hạng 18 bậc trong hơn hai thập kỷ vừa qua để lọt vào nhóm 20 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, do đạt nhịp tăng 10,9%/năm, chỉ thua kém sát nút duy nhất một quốc gia là Ba Lan trong Top 20 danh giá này.
Hẳn nhiên, việc chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong xuất khẩu nông sản là nhờ chiếm lĩnh được rất nhiều thị trường. Chẳng hạn, trải qua hơn 30 năm xuất khẩu gạo với quy mô lớn, cho đến nay chúng ta đã chinh phục được 172 thị trường, hoặc ở mặt hàng hồ tiêu mà chúng ta giữ vị trí cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới lâu nay thì con số này là 112...
Cho dù vậy, các số liệu thống kê của nước ta cho phép khẳng định rằng, chinh phục được các thị trường xuất khẩu chủ yếu giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn. Đó là, nếu như ba thị trường chủ yếu của nước ta là Trung Quốc, EU - 28 (EU và Anh) năm 2001 chỉ mới chiếm 39,8% tổng kim ngạch và năm 2010 vươn lên chiếm 43,5%, còn năm 2020 tiếp tục vươn lên chiếm 52%.
Xét trên phương diện này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi quy mô xuất khẩu nông sản đã lớn, muốn tiếp tục gia tăng, việc tăng cường chiếm lĩnh thị trường gần có sức cầu lớn là điều đặc biệt quan trọng. Mexico bên cạnh Mỹ, hoặc Tây Ban Nha trong lòng châu Âu là những minh chứng rất rõ ràng.
Cụ thể, các số liệu thống kê của WTO cho thấy, cách nay 22 năm, xuất khẩu nông sản của Mexico tuy đã đạt gần 7,9 tỷ USD đứng thứ 19 thế giới, nhưng đến năm 2019 vẫn đạt 39,75 tỷ USD, tức là tăng bình quân 7,6%/năm, cho nên vươn lên thứ 13 thế giới.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, nguyên nhân chủ yếu và trước hết là bởi họ luôn luôn bám chặt thị trường Hoa Kỳ, biến cường quốc nhập khẩu nông sản số 2 thế giới Hoa Kỳ thành “túi đựng” nông sản của mình.
Đó là, các tính toán từ số liệu thống kê của ITC cho thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8,24 tỷ USD năm 2001 của nước này, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 6,52 tỷ USD và 79,16%, còn bộ ba con số này năm 2020 là 39,35 và 31,92 tỷ USD và 81,1%.
Gần tương tự như vậy, nhưng ở quy mô “khủng” hơn là câu chuyện của Tây Ban Nha trong lòng châu Âu. Đó là, ở thời điểm năm 2001, trong tổng kim ngạch 17,79 tỷ USD nông sản xuất khẩu của nước này ra thị trường thế giới, riêng thị trường EU - 28 đã chiếm 14,52 tỷ USD và 81,6%, còn bộ ba con số này năm 2020 là 61,81 và 43,66 tỷ USD và 70,6%.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, thị trường gần có sức mua lớn tại sao lại “hút hàng” của quốc gia xuất khẩu nông sản lớn mạnh như vậy?
Câu trả lời hẳn nhiên chỉ có thể là, bên cạnh việc nguồn cung lớn đương nhiên dễ dàng giành được đơn hàng của các “ông lớn”, không ít nông sản là những sản phẩm tươi, sống, thời gian bảo quản hữu hạn, chi phí lưu thông rất lớn, cho nên lợi thế thị trường gần là yếu tố then chốt.
Nếu nhìn vào các số liệu thống kê của ITC thì có thể thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả khổng lồ của Mexico, có tới 84 - 85%, tương ứng với 7,5 - 7,6 tỷ USD là để đáp ứng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ trong hai năm vừa qua, còn của Tây Ban Nha thì tỷ trọng cũng tương tự, nhưng con số tuyệt đối lên tới 11,2 - 12,4 tỷ USD là để đáp ứng nhu cầu của EU - 28.
Trong đó, trong hai năm vừa qua, nếu như trên dưới 80% quả bơ tươi trong kim ngạch đáng nể 2,75 - 2,91 tỷ USD của Mexico là nhắm vào thị trường Hoa Kỳ và cũng chiếm trên dưới 80% tiêu thụ của thị trường này, còn Tây Ban Nha, ngoài bơ, còn có cam, chanh... đều có giá trị trên dưới 1 tỷ USD đổ bộ vào thị trường EU - 28, chiếm hầu như 100% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này ra thị trường thế giới...
Trong khi đó, tuy cũng núi liền núi, sông liền sông với “người khổng lồ phương Bắc”, cường quốc nhập khẩu nông sản số 1 thế giới từ năm 2011 trở lại đây, nhưng xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường này lại khác rất xa.
Đó là, nếu như cách nay 20 năm, xuất khẩu nông sản sang thị trường này của nước ta chỉ chiếm 14,5% “rổ” nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới, còn tỷ trọng này hiện nay cũng chỉ là 24,5%, thấp “một trời một vực” so với hai “vị tiền bối” của chúng ta nói trên. Còn đối với riêng nhóm hàng rau quả, tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường này của chúng ta so với tổng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm rất mạnh từ 37,1% cách đây 20 năm xuống chỉ còn 17,1%.
Trong điều kiện như vậy, phải chăng vấn đề đặt ra trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong những năm tới là, đồng thời với việc khai thác tốt hơn nữa các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và các thị trường khác, cần đặc biệt chú trọng mở rộng thị trường Trung Quốc, cho dù không ít các thương nhân đã chịu không ít “trái đắng” tại đây.
Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, cho dù là có quỹ đất nông nghiệp khổng lồ nhất thế giới, nhưng với dân số cũng khổng lồ nhất thế giới, cho nên Trung Quốc vẫn là quốc gia nghèo đất nông nghiệp thứ 101 thế giới với chỉ 3.781 m²/người.
Trong khi đó, do đã đạt được nhịp độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu thế giới trong hơn ba thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã lọt vào nhóm quốc gia có GDP bình quân đầu người từ 10.000 USD trở lên, cho nên tiêu dùng nông sản chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng nhanh. Hai điều này có nghĩa là, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc trong những năm tới gần như chắc chắn sẽ còn tăng mạnh.
Nói tóm lại, do thị trường nông sản trong nước đã, đang và sẽ còn bất cập hơn nữa với sản xuất nông nghiệp của chúng ta, cho nên cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản để củng cố nguồn động lực trong những năm tới đặt ra như một tất yếu.
Và để đạt được điều đó, để tận dụng lợi thế núi liền núi, sông liền sông, có lẽ chúng ta không thể không tăng cường nghiên cứu thị trường này để mở rộng đầu ra cho nông nghiệp. Không những vậy, đây có lẽ cũng là phương cách tốt nhất để giảm nhập siêu khổng lồ với thị trường này vẫn đang tăng rất mạnh trong những năm qua.
Theo Nguyễn Đình Bích/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/don-hang-thu-4-trung-quoc-se-la-thi-truong-trong-diem-nhap-khau-nong-san-d297413.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã