“Thôi! Cán bộ nhìn nhà cửa thế này, đồ đạc thì cũ nát hết cả rồi còn không có tiền mua mới đây này, nhà tôi nói chung còn khó khăn lắm, cơm còn bữa có bữa không. Nhà nước không hỗ trợ thì thôi chứ nói gì đến chuyện thoát nghèo, thoát khổ hả cán bộ?!”. Vừa dứt câu nói, người chủ hộ quay ngoắt trở vào nhà, mặc kệ những vị khách không mời mà tới mắt chữ “A”, miệng chữ “O”, họ quay lại nhìn nhau lắc đầu đầy ngao ngán.
Rồi không ai bảo ai, tất thảy ra về. Người đàn ông có vẻ nhiều tuổi nhất nhóm, tay mở tập danh sách các hộ nghèo và cận nghèo, nhìn một lượt rồi chỉ về ngôi nhà đơn sơ phía xa xa. Đoàn người lại bắt đầu cuộc “hành trình” đến hộ gia đình tiếp theo.
Những vị khách không mời mà tới đó chính là những cán bộ phụ trách công việc vận động bà con xã Đồn Đạc rũ bùn “nghèo” mà đứng dậy làm kinh tế, hướng đến cuộc sống khấm khá hơn chứ không còn cảnh “cơm lo ăn từng bữa, quần áo lo mặc từng ngày” như trước.
Ấy thế mà, “hôm nay cán bộ đến có cho chúng tôi cái gì không?”, người đàn ông mặc bộ quần áo sờn màu hỏi. Vợ ông ngồi trong nhà cũng được thể nói với ra, “được nhà nước chu cấp hàng tháng, tự nhiên xin ra làm gì, tôi mà chưa đủ “điều kiện” nghèo thì tôi cũng xin được nghèo, tội gì mà không làm”. Hộ thứ hai tình hình vẫn vậy. Câu nói như gáo nước lạnh được dội thẳng vào những người đến vận động thoát nghèo mà không chút mảy may e dè.
Ông Ty Xí Sằn, cán bộ xã Đồn Đạc, bồi hồi kể lại những câu chuyện trên. Hai tay ông Sằn khoanh siết trước ngực, hai hàng lông mày hơi nheo lại, ông khẽ gật gật đầu, đôi mắt thoáng buồn lúc nhớ lại quãng thời gian hơn 3 năm trước, khi ông và các cán bộ thôn bản đến từng nhà vận động bà con tìm lối thoát nghèo.
Ông Sằn nhìn về phía tấm bản đồ địa chính huyện được treo trang trọng ngay giữa căn phòng, ông tâm sự với tôi về quê hương, về mảnh đất “chôn rau cắt rốn” mang tên Ba Chẽ của mình.
Là một trong những huyện miền núi nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, nơi đây tập trung phần lớn đồng bào dân tộc sinh sống và làm việc như Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa… chiếm hơn 80% dân số huyện. “Đến bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số”, ông Sằn chia sẻ.
“Kinh tế của huyện chủ yếu là nông, lâm nghiệp nhưng vì trước đây còn manh mún, nhỏ lẻ nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn lắm”, ông Sằn nói.
Được biết, năm 2017, số hộ nghèo ở Ba Chẽ là 1.052, chiếm đến 19,91%, còn cận nghèo là 808 hộ, chiếm 15,29%. Hiểu nôm na, cứ 10 hộ thì có gần một nửa là nghèo và cận nghèo.
Là người trực tiếp đến từng hộ gia đình để vận động, trải qua đủ các cung bậc hỉ nộ ái ố, ông Sằn thấy một sự trái khoáy luôn hiện hữu, mà theo ông, xã nào cũng có, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Rằng thì là, bên cạnh một số hộ có hoàn cảnh khó khăn nghèo thật thì rất nhiều hộ dân có tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bà con cho rằng "còn nghèo là còn lợi". Nhất là khi thông qua các đợt rà soát hộ nghèo, nhiều gia đình đã đủ điều kiện song vẫn kiên quyết không muốn thoát nghèo.
Suy nghĩ đó khiến cho kinh tế xã hội ngày càng trì trệ, còn người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái nghèo đeo đuổi cộng thêm tư tưởng ỷ lại, lười biếng càng khiến một số hộ dân không muốn bị cắt đi khoản trợ cấp hàng tháng, hàng năm. Dù rằng, Bác Hồ từng dạy “gia đình là hạt nhân của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, khi một hạt nhân “nghèo” sẽ kéo theo xã hội “nghèo”, cả về vật chất và tinh thần.
Rất may đó đã là câu chuyện của quá khứ. Giờ thì tư tưởng ấy đã dần bị loại bỏ. Đến Ba Chẽ bây giờ người dân đã thay đổi nhận thức, nhiều người đã muốn xin ra khỏi diện hộ nghèo, vươn lên làm kinh tế với khát khao thoát khỏi “giặc” nghèo.
“Ngày ấy, mỗi lần đi họp trên huyện là xã tôi lại được réo tên là xã có một cái nhất, không chỉ trên địa bàn huyện mà có khi còn nhất cả tỉnh lúc bấy giờ, đó là xã có nhiều hộ nghèo nhất”, ông Sằn nhoẻn miệng cười. “Nhất cái gì chứ nhiều hộ nghèo nhất thì chúng tôi phải quyết tâm không đeo “danh hiệu” này mãi được”.
Việc người dân huyện miền núi Ba Chẽ tự nguyện xin thoát nghèo trở thành câu chuyện truyền miệng mỗi khi có người từ nơi khác đến. Từ những quán cóc vỉa hè cho đến mỗi gia đình trong thôn bản, từ người già đến trẻ nhỏ, đâu đâu cũng thấy người ta kháo nhau rằng “gia đình ông A, gia đình anh B từ khi viết đơn thoát nghèo thì chịu khó làm ăn lắm, giờ cũng có của ăn của để rồi đấy”.
Đơn cử như gia đình chị Bàn Thị Nhung (thôn Khe Mười, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) trước kia là một trong những hộ nghèo nhất xã. Dù chăm chỉ, chịu khó làm ăn, nhưng vì chưa tiếp cận được phương pháp nuôi trồng khoa học, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi còn thiếu, chị liên tiếp gặp thất bại, hết lần này đến lần khác, đến nỗi vốn liếng cũng không thể thu hồi.
Năm 2018, xét trên nhiều tiêu chí, gia đình chị Nhung vẫn chưa đủ nằm trong diện thoát nghèo. Cái nghèo, cái khó vẫn bám riết lấy chị. Thế nhưng, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và quyết tâm của gia đình, vợ chồng chị quyết định làm đơn xin thoát nghèo.
Chị Nhung cho biết, lý do đơn giản, chỉ là "thoát nghèo để còn có động lực mà làm kinh tế". Nói là làm, vợ chồng chị đăng ký được hỗ trợ chăn nuôi lợn đàn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ xã, chị Nhung mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang nuôi gà, trồng mía, đến nay, đời sống gia đình chị dần khấm khá.
Cùng chung hoàn cảnh như gia đình chị Nhung, anh Triệu A Năm (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc) lại chọn cho mình cách làm khác. Năm 2015, anh Năm bắt đầu trồng cây trà hoa vàng, một giống cây bản địa cho thu nhập ổn định. Thời gian đầu, anh Năm cũng chỉ biết cây trà hoa vàng là sản vật của địa phương, ngoài ra, mọi thứ về giống cây này với anh Năm vẫn còn rất mơ hồ.
“Tôi thấy nhiều người trồng lại cho thu nhập ổn định, với cả được cán bộ xã động viên, tuyên truyền thì tôi bắt tay vào làm thôi”, anh Năm thật thà chia sẻ. Gia đình anh vốn đông người, anh lại là lao động chính nên gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên vai. Nhưng không vì thế mà anh Năm buông xuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó mà gần 1ha trồng trà hoa vàng của anh ngày càng tốt tươi.
“Cây này trồng bán được lá, bán được hoa, thậm chỉ bán được cả cây đấy anh phóng viên ạ”, anh Năm phổng mũi khoe về giống cây nhà trồng. Anh cho biết, hoa tươi bán ra có giá 600.000 đồng/kg, còn lá phơi khô cũng có giá 100.000 đồng/kg. “Tôi nghe người ta nói nếu làm hoa khô chuẩn công nghệ cao thì giá bán ra lúc ấy có khi lên tới 13 triệu/kg ấy chứ”, anh Năm vừa nói vừa nhìn về phía đồi trà xanh mướt. Giờ đây, việc làm kinh tế đã trở thành niềm đam mê với anh, đến nỗi, mỗi khi nghe được ở đâu đó trong hoặc ngoài huyện có mô hình kinh tế mới cho năng suất cao, anh cũng “bám lấy” người kể mà hỏi cho “ra ngô ra khoai”.
Sau một thời gian làm kinh tế cho thu nhập ổn định, cuối năm 2018, anh Năm lên xã viết đơn xin thoát nghèo. “Mình nuôi được gia đình, mỗi năm dành dụm được chút tiền, vậy là mình không phải là hộ nghèo nữa rồi”, anh Năm tự hào nói.
Có thể thấy, ý chí tự lực vươn lên, chăm chỉ làm kinh tế như gia đình anh Năm, chị Nhung đã và đang được nhân rộng trên mảnh đất Ba Chẽ đầy nắng gió.
Thời điểm năm 2018, có 44 hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo ở xã Đồn Đạc, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện lúc bấy giờ và trên toàn địa bàn huyện có tổng cộng 104 “bức tâm thư” như vậy.
Những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo ấy chính là những tấm gương sáng lan tỏa trong toàn huyện Ba Chẽ, phá vỡ sức ì không muốn thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và các tổ chức xã hội nhiều năm trước đây của người dân.
Theo Tiến Thành/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-mien-nui-viet-don-thoat-ngheo-104-buc-tam-thu-d298752.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã