Nói đến nuôi vịt nhiều người sẽ nghĩ tới phương thức truyền thống là nuôi thả trên ao hồ. Tuy nhiên, nuôi vịt theo hình thức này cũng làm phát sinh và khó quản lý dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục thực trạng trên, năm 2019 ông Ngô Thế Tranh ở xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động), áp dụng mô hình nuôi vịt trên cạn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị cho chủ nuôi và bảo vệ môi trường.
Từ bỏ cách nuôi truyền thống
Trang trại của ông Tranh nằm trên cánh đồng chuyển đổi của thôn Cốc Ngang, xã Phạm Ngũ Lão. Thoạt đầu, khi quan sát bên ngoài, nhiều người lầm tưởng đây là 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, tuy nhiên bên trong nó lại là “mái nhà” của 10 nghìn con vịt Grimaud của Pháp đang trong thời kỳ sinh sản.
Ông Tranh có thâm niên nuôi vịt hơn 20 năm, những năm trước, ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi vịt theo lối truyền thống. Mặc dù có kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng ông Tranh cũng phải thừa nhận: “Nuôi vịt thả trên ao hồ dù có xử lý tốt đến đâu cũng khó tránh khỏi ô nhiễm nguồn nước và khó quản lý được nguồn lây dịch bệnh. Đã từng có năm, cả đàn vịt hàng nghìn con của gia đình tôi chuẩn bị sinh sản lăn ra chết vì bệnh, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể”.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2019, ông Tranh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 chuồng lạnh với tổng diện tích 8.000 m2. Bên cạnh đó ông trang bị quạt điện, hệ thống chống nóng, đèn chiếu sáng, dòng dọc vận chuyển thức ăn trong chuồng vịt và 9 máy ấp trứng tự động với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Trang trại nuôi vịt trên cạn của ông Tranh được đánh giá hiện đại nhất tỉnh Hưng Yên.
Thu nhập vượt trội
Ngồi giữa đàn vịt hàng nghìn con đang trong độ tuổi sinh sản, ông Tranh làm một phép tính: “Với diện tích 8.000 m2 tương đương hơn 2 mẫu ruộng, nếu nuôi vịt theo cách truyền thống thì chỉ có thể nuôi được 1.000 – 2.000 con, còn đầu tư chuồng lạnh nuôi trên cạn thì tôi nuôi số lượng gấp 8 – 10 lần cũng không lo quá tải”.
Trang trại hiện có gần 10 nghìn con vịt sinh sản Grimaud, được nuôi trong chuồng lạnh khép kín, trên nền đệm lót sinh học. Vịt được cho ăn tự động và uống nước sạch nên sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Trong chuồng có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ luôn duy trì ở mức 23 độ C, độ ẩm từ 60 – 70%.
“Vịt nuôi thả trên ao hồ sinh sản phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, nếu thời tiết quá nắng hay quá lạnh sẽ đẻ thất thường, giảm năng suất trứng. Khi áp dụng mô hình này, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được kiểm soát, vịt đẻ đều quanh năm và tăng thời gian khai thác trứng trên 12 tháng, tỷ lệ đậu phôi và ấp nở tốt”, ông Tranh cho biết.
Với tỷ lệ đẻ đạt trên 90%, trung bình 1 tháng ông Tranh xuất bán 25 vạn con vịt giống Grimaud của Pháp với giá bán 15 – 20 nghìn đồng/con, xuất đi hầu khắp các tỉnh thành miền Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình… cho doanh thu trên 4 tỷ đồng. Trừ chi phí ông Tranh thu lãi 200 – 300 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có nguồn thu “khủng” từ bán con giống, lượng phân thải ra của vịt được gia đình rắc chế phẩm sinh học, tạo ra nguyên liệu làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sau mỗi lứa số lượng phân vịt trên được ông bán với giá 7 - 10 nghìn đồng/bao cũng cho ông thu lãi hàng chục triệu đồng.
Trong chuyến thăm mô hình kinh tế của một số hội viên nông dân xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động), bà Trần Thị Tuyết Hương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đánh giá cao hiệu quả mô hình nuôi vịt trên cạn của nông dân Ngô Thế Tranh, không chỉ cho giá trị kinh tế vượt trội mà còn giải bài toán về vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, rất cần nhân rộng.
Theo Hoàng Dân
https://nongnghiep.vn/nuoi-vit-sinh-san-tren-can-d278929.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã