Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ TN&MT và UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng xã hội hoá.
Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bào vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 (Đề án 712), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/6/2017, thực hiện tại 21 tỉnh. Đề án tập trung vào 5 nhóm mô hình bảo vệ môi trường tại các xã khó khăn.
Đánh giá kết quả thực hiện các mô hình của Đề án Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, Đề án cơ bản đã đạt được các mục tiêu đã đạt ra. Trong công tác huy động vốn thực hiện Chương trình, Đề án đã huy động được nguồn lực xã hội hoá về bảo vệ môi trường nông thôn theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trong quản lý vận hành các mô hình bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đã tăng phân bổ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho công tác bảo vệ môi trường. Tỷ lệ bình quân khoảng 10,7%, tăng 1-2% so với trước khi có Đề án. Ngân hàng chính sách xã hội tăng mức cho vay nâng cấp cải tạo các công trình nước sạch từ 6 lên 10 triệu đồng/hộ. Quỹ bảo vệ môi trường cũng cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện Đề án.
Bước đầu, các mô hình vận hành khá hiệu quả nên khi xã hội hoá đạt được nhiều thuận lợi như: mô hình cấp nước sạch nông thôn khả năng thu hồi vốn cao do người dân càng ngày nâng cao ý thức sử dụng nước sạch. Các chủ trang trại bước đầu tích cực đầu tư thu gom chất thải chăn nuôi với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách.
Đặc biệt, mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được các doanh nghiệp tích cực tham gia thông qua Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Bước đầu, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý chất thải này.
Tại Sóc Trăng, thực hiện Quyết định 712 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh được Trung ương đầu tư hỗ trợ trên 26 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước uống cho 51 trường học, 11 trạm y tế trên địa bàn các xã đảo thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá: Dự án hết sức thiết thực trong điều kiện các địa phương đang chịu tác động biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn.
Về lĩnh vực môi trường, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 217 quy định hộ gia đình thực hiện 15 tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, các ấp thực hiện 7 tiêu chí ấp văn hóa nông thôn mới. Đến nay, Sóc Trăng có gần 170 nghìn hộ (trên 73%) được công nhận đạt chuẩn hộ văn hóa NTM. Tỉnh cũng có 159 ấp (đạt trên 27%) đạt chuẩn ấp văn hóa NTM.
Ngoài ra, các cấp còn tổ chức hội thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” để xây dựng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn ngày cáng sáng – xanh – sạch – đẹp. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt gần 99%, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt QCVN 02-BYT gần 60 %. Công tác thu gom, xử lý rác thải ngày càng được chú trọng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: thời gian lập, phê duyệt dự án kéo dài. Nhiều địa phương còn lúng túng thiếu kinh nghiệm triển khai. Việc phân công trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý chất thải còn chồng chéo. Huy động các nguồn lực thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn.
Định hướng công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác bảo vệ môi trường những năm qua đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong gia đoạn đến chúng ta cần đổi mới tư duy, cách làm cách nghĩ trong xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường nông thôn. Trước hết, cần tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, tiêu chí, nội dung bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình một cách bài bản.
“Đặc biệt, giai đoạn tới chúng ta có nhiều thuận lợi, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, Điều 58 quy định rất rõ các vấn đề về nội dung bảo vệ môi trường ở nông thôn Việt Nam nói chung, trong đó có NTM.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong bảo vệ môi trường và tiếp tục tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân tham gia trực tiếp vào công tác này. Cũng cần chuyển hướng thay đổi tư duy gắn sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn với những mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để đáp ứng nhu cầu tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần phát huy nội lực của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia trong quá trình bảo vệ môi trường nông thôn Việt Nam”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Theo Trọng Linh - Ngọc Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/xa-hoi-hoa-cong-tac-bao-ve-moi-truong-nong-thon-tien-trien-d278988.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã