Mục tiêu của Đề án là cung cấp cơ sở thực tiễn về HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả góp phần thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng các mô hình HTX trở thành kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX; làm cơ sở để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển trên phạm vu cả nước.
Theo Quyết định, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là lựa chọn được tối thiểu 300 HTX/liên hiệp HTX xã tham gia, hoạt động theo 12 mô hình của Đề án; 100% HTX thí điểm hoạt động hiệu quả cao, được đánh giá xếp loại Tốt, đạt từ 80 điểm trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/01/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và đánh giá HTX; xây dựng Phương án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên phạm vi cả nước trong 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2026-2030).
Đối tượng tham gia Đề án là các HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động hiệu quả trên phạm vi cả nước, có nhu cầu tham gia Đề án, được các địa phương lựa chọn, đáp ứng các điều kiện tham gia. Số lượng tham gia, khoảng 300 HTX trên phạm vi cả nước, trong đó mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tối đa 5 HTX tham gia.
Thời gian thực hiện Đề án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Lựa chọn mô hình HTX thí điểm (trong năm 2021); giai đoạn 2: Hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng một số mô hình HTX kiểu mới đã hoàn thiện (đến ngày 30/6/2025); giai đoạn 3: Tổng kết, đề xuất phương án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả (6 tháng cuối năm 2025).
Về điều kiện tham gia Đề án, theo Quyết định, điều kiện bắt buộc là HTX phải hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; HTX đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được Đề án lựa chọn; HTX kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính; HTX nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tham gia Đề án, trong đó có Bản đánh giá HTX năm 2020 đạt loại Khá (65 điểm) trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ban hành thêm các điều kiện khác, tùy theo nguồn lực và tình hình thực tế các HTX thí điểm trên địa bàn.
Điều kiện ưu tiên là các HTX có nhiều thành viên tham gia, được sự đồng tình, nhất trí của thành viên và Chính quyền cơ sở nơi HTX đặt trụ sở. Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các HTX sản xuất quy mô lớn, sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh; các HTX có đông thành viên là nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tạo việc làm, hỗ trợ cho người yếu thế; do thanh niên khởi nghiệp; các HTX đã tham gia thí điểm HTX kiểu mới đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Các mô hình HTX lựa chọn hoàn thiện như mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; mô hình HTX hoạt động xây dựng; mô hình HTX giao thông vận tải; mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp gắn với phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống; mô hình HTX dịch vụ vì cộng đồng...
Về chính sách hỗ trợ, Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ các HTX thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bỏ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP; theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho HTX thí điểm.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án; chủ trì với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho Đề án; chủ trì với các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo, tập huấn; chủ trì với các bộ, ngành địa phương sơ kết, tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng phương án nhân rộng mô hình trong phạm vi cả nước; chủ trì phối với với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Thúy Quyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã