Học tập đạo đức HCM

Phú Thọ: Thúc đẩy thương mại nông sản địa phương

Thứ sáu - 28/08/2020 00:08
Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, Phú Thọ còn quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chủ lực nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản của địa phương.

Đẩy mạnh quảng bá, kết nối

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 72 sản phẩm hàng hóa do các HTX sản xuất, trong đó có 42 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, 7 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm có lợi thế được đăng ký phát triển thương hiệu bằng hình thức nhãn hiệu tập thể như: Mỳ gạo Hùng Lô, Thịt chua Thanh Sơn, chè an toàn Long Cốc, bưởi đặc sản Đoan Hùng... Thông qua đó, các sản phẩm đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, tham gia vào các chuỗi cung ứng và tiêu thụ của các nhà hàng, siêu thị lớn, làm tăng giá trị sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho HTX và thành viên. 

đồng-chí-phó-chủ-tịch-ubnd-tỉnh-nguyễn-thanh-hải-thứ-2-từ-trái-sang-tham-quan-khu-trưng-bày-giới-thiệu-sản-phẩm-tiềm-năng-xuất-khẩu-tỉnh-phú-thọ.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải (thứ 2 từ trái sang) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiềm năng xuất khẩu tỉnh Phú Thọ

Bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh (LMHTX tỉnh) cho biết: Công tác xúc tiến thương mại luôn được LMHTX tỉnh ưu tiên, triển khai bằng những giải pháp đồng bộ nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX đến với người tiêu dùng, kết nối để mở rộng thị trường. Đây cũng là tiền đề góp phần tiến tới xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa ổn định, bền vững, từ đó tạo chỗ đứng cho nông sản của tỉnh trên thị trường.

Từ năm 2016 đến nay, LMHTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tham gia 11 hội chợ thường niên trong và ngoài tỉnh với 107 lượt sản phẩm; giới thiệu, tư vấn cho 200 lượt HTX tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện do các ngành, địa phương tổ chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, nhiều HTX đã kết nối mở rộng thị trường, thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp.

Năm 2020, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu để các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp trong khu vực có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp phân phối trong cả nước, kết nối với các nhà xuất khẩu đẩy mạnh hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hóa và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. 

Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Phú Thọ. Tại đây, Phú Thọ đã giới thiệu các sản phẩm, gồm: Chè, tương, bánh chưng... đều là những sản phẩm trong kế hoạch OCOP đánh giá xếp hạng trong năm 2020 của tỉnh.

Nâng tầm thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè

Phú Thọ được mệnh danh là xứ sở “rừng cọ, đồi chè”, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt 16,5 nghìn ha, năng suất chè tươi đạt 10,1 tấn/ha, sản lượng búp chè tươi đạt 153,7 nghìn tấn/năm. Phú Thọ trở thành tỉnh đứng thứ tư cả nước về diện tích trồng chè, thứ ba về sản lượng chè. Sản phẩm chè Phú Thọ xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 25,8 triệu USD.

Đến nay, toàn tỉnh mới có 3 nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Chùa Tà” (xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh), “Chè xanh Yên Kỳ” (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa) và “Chè xanh Long Cốc” (xã Long Cốc, huyện Tân Sơn). Với số lượng 59 cơ sở chế biến đạt công suất 1 tấn búp chè tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 25 hợp tác xã sản xuất thì con số được cấp nhãn hiệu tập thể là rất ít ỏi.

Ông Vũ Xuân Khiêm - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cho biết: “Xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) chè Phú Thọ sẽ mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho sản phẩm chè Phú Thọ trên thị trường, tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm; tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Để được cấp NHCN, cá nhân hay doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè phải tuân thủ quy trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Điều này sẽ giải quyết căn bản tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tồn dư hóa chất trong sản phẩm và nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp hàng hóa, liên kết sản xuất cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Là một hộ sản xuất và chế biến chè lâu năm nhưng trước khi được gia nhập Hợp tác xã (HTX), bà Nguyễn Thị Nhung (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) vẫn chỉ bán chè thô với giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè, đến nay, chè của gia đình được xuất bán với giá trung bình 100.000 - 150.000 đồng/kg chè thành phẩm. Bà Nhung phấn khởi cho biết: “Trước đây, chúng tôi cứ mạnh ai, người ấy làm nên giá bán rất thấp. Bây giờ, bà con làm theo hướng dẫn của HTX chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên giá bán đã cao hơn trước, đầu ra và thu nhập đã ổn định hơn”.

Được thành lập từ năm 2017 với 10 thành viên, HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) đang từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường.

xã-viên-htx-sản-xuất-và-chế-biến-chè-đá-hen-thu-hoạch-chè-tươi.jpg
Xã viên HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen thu hoạch chè tươi

Dù mới thành lập được 02 năm nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng và sự nỗ lực của các thành viên HTX, năm 2019 là năm bội thu khi sản lượng chè xuất khẩu đạt 1.200 tấn, chè nội tiêu đạt 5 tấn với doanh thu gần 40 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Hội nông dân các cấp tổ chức và tham quan các mô hình trồng chè lớn ở Thái Nguyên để học tập và rút kinh nghiệm. Tới nay, bà con xã viên ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhằm củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường”. 

Phát huy lợi thế ẩm thực

Phú Thọ được biết đến với rất nhiều làng nghề bánh Chưng nổi tiếng trong vùng, là nơi phát tích của sản vật bánh Chưng, bánh Giầy gắn với truyền thuyết Lang Liêu dâng vua Hùng chiếc bánh thơm thảo với lòng hiếu kính và biết ơn đã được vua cha (Hùng Vương thứ 6) truyền ngôi báu.

bà-dạy-cháu-gói-bánh-chưng.jpg
Bà dạy cháu gói bánh Chưng

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh (khu 3 Ở xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê) là đời thứ 3 nối nghiệp làm bánh trưng của ông cha truyền dạy, bánh Chưng do nghệ nhân gói nấu với hình thức đẹp mắt, bánh vuông vức cao thành, màu sắc tươi tắn, gạo rền nhân thơm, đậm đà bản sắc. Bánh Chưng của người dân xã Cát Trù đã 6 lần đạt giải Nhất tại Hội thi gói, nấu bánh Chưng, giã bánh Giầy tại Giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội Đền Hùng các năm (2013 - 2019).

Chẳng biết từ khi nào người Phú Thọ nghĩ ra cách muối chua ngọn rau sắn để chế biến thành các món ăn. Rau sắn không phải là món ăn cao lương mỹ vị, càng không màu mè coi trọng hình thức, nhưng lại đòi hỏi ở người chế biến phải rất cầu kì. Từ khâu lựa chọn rau sắn đã không hề đơn giản, không phải sắn nào cũng có thể hái lá ăn được, rau sắn dùng để muối cũng như dùng để ăn tốt nhất phải là rau sắn nếp (hay còn gọi là sắn ta), có lá màu xanh, củ dùng để luộc ăn. Còn loại sắn Tàu lùn, hay còn gọi là sắn lá tre – vì lá của nó nhỏ và dài như lá tre, có màu tía thì nên hạn chế, vì loại này nhiều nhựa, chế biến không khéo ăn dễ bị say.

người-dân-thu-hái-rau-sắn.jpg
Người dân thu hái rau sắn

Món canh rau sắn chua chuẩn vị, phải lựa chọn những búp sắn non, to mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi. Sau khi hái xong phải sơ chế qua rau sắn, giữ lại chừng 2, 3 cuống lá từ ngọn trở xuống. Nhặt rau xong phải rửa sạch và vò rau thật kỹ cho ra hết nhựa. Vò lá sắn là một công đoạn quan trọng để đem lại hương vị của món ăn, người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn. Vò xong rửa rau nhiều lần với nước cho tới khi nào nước không còn đục, tức là rau đã hết nhựa thì thôi. Sau khi vò, lá sắn được trộn với chút muối cho vị thêm đậm đà. Làm như vậy cũng giúp cho rau sắn nhanh chua hơn và có thể để lâu ngày không bị hỏng, bị nổi váng. Bởi thế, khi thêm muối cũng phải lựa sao cho rau không quá mặn, cũng không quá nhạt dễ nổi váng làm hỏng rau. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, để 4 đến 5 ngày ủ chua.

Hiện nay, để phục vụ nhu cầu cho tất cả mọi người dân đều được thưởng thức món rau sắn chua thơm ngon, HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang, Cẩm Khê, Phú Thọ đã cho ra đời sản phẩm “Đặc sản rau sắn Phú Thọ”. Sản phẩm “Đặc sản rau sắn Phú Thọ” thương hiệu HTX Liên Gia Trang đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận sản phẩm có tem mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm được đóng túi sạch sẽ, bảo quản tủ lạnh khoảng 20 ngày kể từ ngày mang ra thị trường, thích hợp mua về ăn, tặng làm quà quê với bạn bè gần xa.

người-dân-phú-thọ-chế-biến-cá-thính.jpg
Người dân Phú Thọ chế biến cá thính

Sản phẩm cá thính Tử Đà – cơ sở sản xuất Phúc Sen là cơ sở sản xuất lâu đời nhất, ngon nhất, uy tín nhất và đã có nhiều năm kinh nghiệm, được khách hàng xa gần tin tưởng. Theo chị Trịnh Thị Sen - chủ cơ sở sản xuất cá thính Phúc Sen chia sẻ: “nghề làm cá thính được mẹ chồng của chị truyền lại, ban đầu chỉ làm để gia đình ăn và làm quà biếu sau đó mọi người thấy ngon và đặt mua, kể từ đó gia đình bắt đầu làm với số lượng nhiều để bán cho tới tận bây giờ”. Sau 2 đến 3 ngày ướp muối, cá được đem vào thính, bột thính dùng để ướp cá được làm từ ngô quê, tự rang và nghiền nhỏ đảm bảo mùi thơm đặc trưng. Sau khi được trộn bột thính thật đều. Từng lớp cá đặt vào chum sành, nhét rơm và mo cau lên trên, rồi đặt úp lên trên một khay nước muối loãng làm sao để không cho cá, rơm bên trong chum bị thấm nước. Đặc biệt, mỗi lớp cá thính thường kèm một lớp lá ổi tươi không chỉ giúp cá nhanh chua mà còn giảm độ tanh, tạo mùi thơm riêng đặc trưng cho cá thính Tử Đà”. Sau 7 ngày là đã được 1 mẻ cá ngon, đem đóng hộp và đưa ra thị trường phân phối đến tay thực khách thưởng thức.

Cá thính thường được chế biến bằng cách nướng với than hoa hoặc chiên với dầu rán. Hương vị của món ăn này thật đặc biệt. Chất thịt cá không khô như cá mắm biển, không nhão thịt như cá nướng tươi hoặc cá rán. Khi ăn thấy vị thơm của thịt cá và mùi thơm của thính quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc biệt rất khó tả. Thưởng thức món cá thính với cơm nóng, vị thơm chua, bùi béo rất đậm đà, thật đưa cơm bạn sẽ hiểu được lý do tại sao món ăn giản dị này lại có thể níu chân bao du khách ở lại với vùng đất Phú Thọ nồng thắm tình người mến khách phương xa.

Phú Thọ là vùng đất có nhiều lợi thế, đa dạng về nông sản, vùng Đất tổ cội nguồn, trung tâm giao thương giữa vùng núi phia Bắc và vùng đồng bằng Bắc bộ... những thế mạnh đó nếu được phát huy mạnh mẽ sẽ là bàn đạp đưa kinh tế khu vực nông thôn trong tỉnh phát triển bền vững. Khi ấy, các nông sản của địa phương còn có thể gánh thêm vai trò là đại sứ, thiết thực giới thiệu vùng đất, con người Phú Thọ với bạn bè trong và ngoài nước, tạo cơ hội để phát triển xúc tiến đầu tư cho tỉnh.

Theo Đình Hợi (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay38,962
  • Tháng hiện tại950,526
  • Tổng lượt truy cập91,013,919
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây